Thứ năm, 25/01/2018 16:15 GMT+7

Hà Nội: Tăng cường thanh, kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực giám sát và thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Qua đó xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Theo báo cáo, năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại 367 cơ sở; kiểm tra định kỳ 360 cơ sở sơ chế, Kinh doanh và chế biến nông lâm thủy sản. Đồng thời lấy 790 mẫu giám sát, trong đó có 85 mẫu vi phạm. Chi cục đã gửi thông báo yêu cầu cơ sở có biện pháp khắc phục tồn tại và truy xuất nguồn gốc theo đúng quy định.

Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm rất được chú trọng. Trong đó, tổ chức thanh tra chuyên ngành tại 30 cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản, kiểm tra liên ngành tại 34 cơ sở và kiểm tra đột xuất 74 cơ sở với 80 buổi kiểm tra. Các đoàn thanh, kiểm tra đã tiến hành lấy 237 mẫu nông lâm thủy sản kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hiện đã có kết quả kiểm nghiệm 213/237 mẫu, phát hiện 16/213 mẫu không bảo đảm an toàn: 9 mẫu nhiễm Samonella, 3 mẫu phát hiện chất cấm chloramphenicol, 1 mẫu thịt bò phát hiện tồn dư Clenbuterol vượt ngưỡng cho phép...

Chi cục đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 cơ sở, với số tiền hơn 285 triệu đồng.
 

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa/Chi cục ATTP Thừa Thiên Huế.
 

Ngoài ra, Chi cục cũng buộc tiêu hủy 358 kg thịt nhập khẩu đông lạnh các loại, 65 kg cá basa, 27 kg cá cơm khô...; buộc tiêu hủy hơn 1,1 nghìn kg nguyên liệu sản xuất ô mai, hoa quả chế biến không bảo đảm an toàn thực phẩm; buộc khắc phục nhãn hàng hóa 18 kg mắc ca rang; 30 kg hạt điều rang muối; 4,2 kg bò sấy...

Bên cạnh đó, Chi cục cũng truy xuất nguồn gốc nội tỉnh tại 30/30 cơ sở có sản phẩm không bảo đảm an toàn. Qua kiểm tra các cơ sở đã có ý thức thực hiện ghi chép, lưu trữ hồ sơ để truy xuất sản phẩm tuy nhiên việc thực hiện chưa đầy đủ theo quy định. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở thực hiện việc truy xuất theo đúng quy định. Chi cục cũng phối hợp kiểm tra việc thực hiện truy nguồn gốc sản phẩm ngoại tỉnh đối với 4 tỉnh: Bắc Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình.

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, việc quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản còn nhiều bất cập khi đội ngũ chuyên môn còn quá ít so với chức năng, nhiệm vụ được giao; hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp quận, huyện, xã, phường chưa có.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ phân tán, một số hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng đa dạng, theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng các cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, SSOP, HACCP... còn ít. Chính quyền cấp xã, phường chưa quyết liệt trong công tác quản lý sản xuất rau, quả, chè an toàn; quản lý kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu nhắc nhở nên các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn này, trong năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt ở các chợ đầu mối và công tác phân loại các cơ sở đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn để công bố rộng rãi tới người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn về đánh giá chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho các cán bộ chuyên môn. Đẩy mạnh kết nối giữa Chi cục với các tỉnh, thành trong việc quản lý và thực hiện liên kết chuỗi và sản phẩm tiêu thụ.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/ha-noi-tang-cuong-thanh-kiem-tra-chat-luong-san-pham-nong-nghiep-d137550.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 3518

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)