Thứ tư, 07/03/2018 15:18 GMT+7

Trở ngại trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Mặc dù mới triển khai nhưng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNÐMST) tại Việt Nam có nhiều khởi sắc. Tinh thần KNÐMST lan tỏa, nhiều bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, các trường đại học hưởng ứng mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các sự kiện ở nước ngoài để gọi vốn, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư, nhà tư vấn cũng nhiều hơn… Tuy vậy, hoạt động này cần được cải thiện tránh tình trạng làm theo phong trào, không hiệu quả.


Nhiều sản phẩm được giới thiệu trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest 2017). Ảnh: Mai Tuyết

 

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, nhiều doanh nghiệp KNÐMST đã nhận được khoản đầu tư lớn từ quỹ đầu tư trực thuộc Bộ KH&CN và hoạt động thành công. Chẳng hạn, Công ty Vận chuyển Ship60 hiện nay là đối tác về công nghệ và vận chuyển hàng hóa siêu tốc cho các công ty lớn. Công ty cổ phần Hachi được hỗ trợ đầu tư nguồn vốn đã khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực cung cấp hệ thống trồng rau tự động cho các trang trại lớn hàng nghìn mét vuông, các nhà hàng, các hộ dân ở thành phố. Hệ thống cửa hàng bánh mỳ Kebab Torki được nhận sự bảo trợ, cố vấn, đầu tư từ chương trình của Bộ KH&CN cũng đã phát triển thành chuỗi kinh doanh nhượng quyền với hơn 60 địa điểm, giải quyết được hơn 300 việc làm trong vòng một năm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, hoạt động KNÐMST thời gian qua vẫn mang tính phong trào, chưa thật sự hiệu quả. Kết quả khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) cho biết, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất. Ða phần các khởi nghiệp trẻ tập trung vào ý tưởng sản phẩm mà quên lên bài toán lớn về năng lực và khả năng vận hành của bản thân doanh nghiệp. Với môi trường kinh doanh năng động sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh, nhưng sự vấp ngã là điều khó tránh khỏi do “nhảy” vào thị trường quá nhanh. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lưu ý, chất lượng của KNÐMST, chất lượng của các doanh nghiệp tham gia là vấn đề cần quan tâm khi KNÐMST đang được đẩy lên như một phong trào. Tinh thần KNÐMST phải đi kèm với năng lực về quản trị. Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cũng khuyến cáo: Hiện nay, có thể các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gọi được vốn đầu tư, nhưng nếu hai năm tới, số doanh nghiệp KNÐMST thành công không đạt đến 1%, sẽ không còn ai đầu tư. Ðó chính là nguy cơ của hệ sinh thái khởi nghiệp nếu Việt Nam không nhìn ra điều cốt lõi. Chúng ta cần chọn doanh nghiệp nào thật sự cần đầu tư, start-up nào thật sự có năng lực để tập trung phát triển.

Đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho rằng, điểm thuận lợi là các bạn trẻ của Việt Nam giỏi về công nghệ thông tin, có khả năng thâm nhập nhanh vào các mô hình kinh doanh mới, có những sáng tạo mới. Mạng lưới du học sinh Việt Nam trải khắp các trường đại học có uy tín trên thế giới và đang có sự liên kết, hỗ trợ cộng đồng KNÐMST trong nước. Tuy nhiên, rào cản, thách thức đối với đa số các nhóm khởi nghiệp trong nước là vấn đề ngôn ngữ. Trong khi đó, muốn gọi vốn quốc tế, hội nhập sân chơi chung với các nước khác, các doanh nghiệp phải cải thiện kỹ năng thuyết trình, cách chinh phục khách hàng, cách tiếp thị sản phẩm ra thị trường quốc tế. Về phía cơ quan quản lý, ngoài việc xây dựng thể chế, ban hành chính sách, tạo ra không gian làm việc chung, cung cấp phương tiện, kỹ thuật cho KNÐMST, cần tạo ra môi trường để các bạn trẻ tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia tốt. Thực tế hiện nay, thiếu cơ chế đãi ngộ chuyên gia giỏi, tiếp nhận chuyên gia quốc tế, nhóm khởi nghiệp quốc tế về Việt Nam để các bạn trẻ có thể trực tiếp cọ xát, học tập. Ngoài ra, cơ chế đưa các bạn khởi nghiệp trong nước đến các trung tâm khởi nghiệp lớn trên thế giới và làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế chưa hoàn thiện. Hoạt động hỗ trợ, liên kết mới dừng ở phạm vi địa phương và phạm vi quốc gia, dẫn đến các nhóm KNÐMST trong nước khó có thể tạo ra mô hình kinh doanh quy mô toàn cầu. Do đó, cần quan tâm tính liên kết quốc tế, khả năng kêu gọi chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam và hoạt động đưa chuyên gia, nhà đầu tư, nhóm khởi nghiệp của chúng ta ra thị trường nước ngoài để trải nghiệm, học tập, kết nối. Cơ quan nhà nước và các nhà tư vấn, tổ chức hỗ trợ KNÐMST phải cùng phối hợp thực hiện thì mô hình này mới mang lại hiệu quả

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35690102-tro-ngai-trong-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 2899

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)