Thứ hai, 19/03/2018 20:17 GMT+7

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Khu công nghệ cao Hòa Lạc có doanh thu lớn

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp.

Chiều 19/3, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với 46 vị đại biểu đăng ký chất vấn, 30 người trực tiếp hỏi và được trả lời, 5 đại biểu tham gia tranh luận. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã giải trình đầy đủ các vấn đề được đặt ra, xác định giải pháp khắc phục thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ, đồng thời nêu giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Nêu câu hỏi đầu tiên, đại biểu Phùng Đức Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế, chính sách trong thời gian tới giúp cho các viện, trường đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Khẳng định đây là trọng tâm công tác và trăn trở của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng một hạn chế xuyên suốt thời gian qua là chậm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Thời gian tới, bên cạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp, đẩy mạnh quá trình này.
 

Bộ trưởng KH&CN trả lời chất vấn về thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
 

Theo ông Chu Ngọc Anh, vừa rồi Bộ đã tham mưu Thủ tướng và được các bộ ngành liên quan ủng hộ, đó là việc quy định rõ chức năng của Bộ không chỉ quản lý nhà nước mà còn trực tiếp tham gia trong đổi mới sáng tạo, trong thương mại hoá hoạt động nghiên cứu...

"Chúng tôi cùng các ngành bắt tay ngay vào việc, cụ thể như trong nông nghiệp là bao tiêu chuỗi sản xuất; nội dung nào cần nghiên cứu sẽ chuyển giao viện nghiên cứu, từ khâu giống cho đến canh tác, phụ phẩm... Hi vọng với tinh thần này, chúng ta sẽ đi đúng hướng, thúc đẩy phát triển kinh tế", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn chiều 19/3. Ảnh: Giang Huy
 

Các khu công nghệ cao có tác động lan tỏa lớn

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng cho biết hiện trạng của khu nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội) và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. "Sau nhiều năm hoạt động, kết quả ba khu công nghệ cao chưa rõ nét. Vậy giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển đúng mục tiêu đề ra là gì?", bà Mai chất vấn.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, hiện ba khu công nghệ cao đã có sự phát triển mạnh. "Tại Hoà Lạc suất đầu tư năm 2016 đạt 13 triệu USD/ha, TP Hồ Chí Minh là 15 triệu USD/ha, những con số này lớn hơn rất nhiều so với trước đây", ông nói.

Với sự hỗ trợ ODA của Nhật, toàn bộ hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được đầu tư với nhiều kết quả; nghị định 74 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu công nghệ cao Hoà Lạc cũng đã thúc đẩy xúc tiến đầu tư, tạo ra chuyển động mạnh mẽ từ quý 4/2017.

Theo Bộ trưởng KH&CN, trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có những doanh nghiệp làm ra được hệ thống sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; 3.500 kỹ sư nghiên cứu của Viettel đem lại doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng mỗi năm.

"Hiện các nhà đầu tư lớn ở đây đều là công nghiệp công nghệ cao, được xem như là phần cứng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này có tác động lan toả rất lớn", Bộ trưởng nói.

Ở cả ba khu công nghệ cao, Bộ KH&CN tập trung phát triển các trường đại học, viện nghiên cứu; mấy ngày nữa, Viện nghiên cứu Việt Nam - Hàn Quốc sẽ động thổ với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc.

"Chúng tôi đã đặt đầu bài đúng hướng, làm sao kéo chuyên gia Hàn Quốc vào khu công nghệ cao. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng 6 tháng một lần, chúng tôi hoàn toàn có niềm tin trong vài năm tới khu công nghệ cao sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nữa", ông Chu Ngọc Anh nói.

 

Tập trung mọi nguồn lực để nâng cao năng suất lao động

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội) về phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong việc tăng năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng cho biết, tinh thần chung của Chính phủ là tập trung mọi nguồn lực để nâng cao nâng suất lao động, cụ thể như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong nâng cao năng suất nội ngành và chất lượng đào tạo nghề; cải thiện môi trường kinh doanh...

Qua khảo sát của Bộ KH&CN ở 2.000 doanh nghiệp, có 35% đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin giúp năng suất lao động tăng 1,7 lần; toàn bộ khối dùng công nghệ từ trung bình đến cao tăng ít nhất 2 lần năng suất lao động.

"Giải pháp của chúng tôi là là tập trung toàn bộ nội lực, gồm các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, tác động mạnh vào nhóm doanh nghiệp dẫn dắt công nghệ, nhóm doanh nghiệp vệ tinh phụ trợ và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chất vấn về giải pháp của Bộ trong đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh quốc gia? Ông Chu Ngọc Anh khẳng định, trong lĩnh vực KH&CN, Bộ đã vào cuộc 2 năm nay với tinh thần quyết liệt, hoàn thiện hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn; phối hợp với các bộ đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 100% các thủ tục hành chính đã ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cấp 3...

Xây dựng chính sách kinh tế thiết thực 

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo chỉ số sáng tạo và đổi mới toàn cầu năm 2017 thì Việt Nam đứng thứ 47, nghĩa là trong mặt bằng chung ngành khoa học công nghệ đã có "sự cố gắng rất lớn". 

Thời gian tới, ông Đam cho rằng có nhiều việc phải làm, trước hết là xây dựng cơ chế thiết thực để các doanh nghiệp thấy rằng cần phải làm khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. "Hiện nay chúng ta mới dừng lại ở mức kêu gọi, còn ít các chính sách kinh tế thiết thực", ông nói.

Cùng với đó, Nhà nước phải đẩy mạnh cơ chế tự chủ để các viện, trường đại học coi nghiên cứu là phần quan trọng không thể thiếu; thiết kế chính sách chi tiêu khoa học với tinh thần chấp nhận nguyên lý về sự rủi ro, có độ trễ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, "phải minh bạch tất cả mọi khâu, mọi chỗ liên quan đến khoa học, từ đăng ký đề tài, nghiên cứu đề tài và công bố kết quả, quá trình thẩm định, bỏ phiếu; kết nối với cơ sở dữ liệu khoa học trên thế giới, không nên nghiên cứu những đề tài mà trong nước và thế giới đã thực hiện".

Kết thúc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự cầu thị và các giải pháp mà Bộ trưởng KH&CN đưa ra trong phiên trả lời chất vấn.

"Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực đạt kết quả tốt, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế đất nước", bà Phóng nói.
 

Đây là phiên họp đầu tiên cơ quan thường trực của Quốc hội thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”, theo hướng đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá một phút mỗi lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút mỗi lần (trước đây, thông thường nhiều đại biểu liên tục nêu câu hỏi và bộ trưởng trả lời chung sau đó).

 

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/bo-truong-chu-ngoc-anh-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-co-doanh-thu-lon-3724842.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 3270

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)