Thứ năm, 22/03/2018 15:01 GMT+7

Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát nhập khẩu công nghệ

Quy định và công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ các dự án đầu tư và kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thời gian đã thông thoáng, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nhiều quy định trong lĩnh vực này còn bất cập, cần được sửa đổi để bảo đảm công bằng, sự yên tâm cho các nhà đầu tư.


Các máy móc nhập khẩu phục vụ công tác nghiên cứu của Trung tâm Quang điện tử - Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: ÁNH TUYẾT

 

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, với mục tiêu tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư nước ngoài, các quy định của Luật Ðầu tư đã rút ngắn thời gian, nội dung xem xét về công nghệ của dự án, tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Chẳng hạn, dự án có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng trở lên, không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nội dung thẩm định dự án không có nội dung về công nghệ. Những dự án đầu tư phải lấy ý kiến góp ý của cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ chỉ giới hạn ở những dự án sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (như công nghệ sản xuất đèn chiếu sáng bằng sợi đốt trong khí trơ, sản xuất linh kiện điện tử chân không, linh kiện bán dẫn mức độ tích hợp thấp, sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng A-mi-ăng trắng...). Theo thống kê của Bộ KH&CN, từ năm 2011 đến nay, đã có 284 dự án đầu tư có sự tham gia ý kiến về công nghệ của bộ. Trong đó, nhiều dự án đầu tư đã chuyển giao các công nghệ cao, hiện đại phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhất là trong các lĩnh vực: dầu khí, công nghệ thông tin, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, sinh học. Từ năm 2010 đến năm 2017, có 115 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Tổng giá trị các hợp đồng được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ khoảng 447 nghìn tỷ đồng. Thông qua các dự án đầu tư nước ngoài, nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mới ra đời và phát triển như dầu khí, công nghệ thông tin, ô-tô… đã góp phần thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật, công nghệ ở nhiều ngành, góp phần tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu tỷ trọng các ngành trong nền kinh tế.

Việc kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dần được siết chặt. Các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này như: Quyết định số 46/2001/QÐ-TTg; Nghị định số 12/2006/NÐ-CP; Thông tư số 23/2015/TT-BKH&CN. Thông tư số 23/2015/TT-BKH&CN đưa ra quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng điều kiện tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường. So với quy định cũ trước đây, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ đã thông thoáng hơn khi nâng tuổi thiết bị được phép nhập khẩu thêm 5 năm. Việc ban hành Thông tư số 23 đã góp phần ngăn chặn việc nhập khẩu vào nước ta các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã sử dụng lạc hậu, kém chất lượng, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, công tác kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ KH&CN cho biết, trước đây, việc thẩm định về công nghệ tương ứng với giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư chưa được quy định rõ. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 khắc phục hạn chế này với quy định mở rộng đối tượng dự án đầu tư cần phải thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ trong từng giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ. Bộ KH&CN đang xây dựng văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện quy định mới. Thời gian tới, Bộ KH&CN phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý triển khai đồng bộ công tác thẩm định, xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, việc quy định chung tuổi cho thiết bị đã qua sử dụng các lĩnh vực là chưa phù hợp. Các thiết bị thuộc lĩnh vực cơ khí, điện có thể kéo dài từ 15 năm đến 20 năm thay vì quy định 10 năm như hiện nay. Thông tư số 23/2015/TT-BKH&CN cũng chưa quy định rõ quy trình thủ tục xem xét việc nhập khẩu đối với trường hợp thiết bị vượt quá 10 năm tuổi khi doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tiêu chí phù hợp là đánh giá chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị, không nên quy định tuổi thiết bị.

Đại diện Bộ KH&CN cho biết: Ðã xây dựng nội dung sửa đổi Thông tư số 23/2015/TT-BKH&CN và phối hợp với Bộ Công thương đưa vào Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương. Trong đó, tập trung quy định tiêu chí nhập khẩu chung là tuổi thiết bị không quá 10 năm, riêng đối với lĩnh vực cơ khí, tuổi không quá 20 năm. Ðối với các ngành, lĩnh vực khác giao các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng tiêu chí và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðối với dự án đầu tư mới, đầu tư dịch chuyển cả nhà máy từ nước ngoài sang Việt Nam, không áp dụng tiêu chí tuổi của máy móc, thiết bị mà kiểm soát thông qua công nghệ áp dụng và chất lượng, hiệu suất còn lại của thiết bị được giám định tại nước ngoài, trước khi đóng gói, nhập khẩu. Ngoài ra, quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục cho phép nhập khẩu thiết bị trong trường hợp tuổi thiết bị vượt quá 10 năm. Với việc hoàn thiện các quy định còn bất cập, công tác về nhập khẩu công nghệ, thiết bị, dây chuyền sẽ được kiểm soát chặt nhưng vẫn bảo đảm môi trường đầu tư.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35813302-hoan-thien-phap-luat-ve-kiem-soat-nhap-khau-cong-nghe.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3578

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)