Thứ tư, 11/04/2018 14:49 GMT+7

Thương mại hóa công nghệ: Cần hỗ trợ từ cơ quan quản lý

Thương mại hóa công nghệ luôn là thách thức đối với các nhà khoa học bởi nhiều nguyên nhân, từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các sản phẩm mới, tâm lý e ngại của người tiêu dùng đến việc thiếu nguồn lực tài chính… Vì vậy, cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào cuộc sống.

Thiếu cơ chế hỗ trợ nhà khoa học ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu vào cuộc sống

 

Nhớ lại những ngày đầu thương mại hóa công nghệ, ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Công nghệ nano STV - cho biết, dù sáng chế gel nano bạc là sản phẩm có thể thay thế hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch hơn nhưng khi đưa ra thị trường gặp vô vàn khó khăn vì không ai chịu ứng dụng. “Năm 2016, chúng tôi đã đến một số vùng trồng cam ở Hưng Yên và phải thuyết phục người nông dân bằng cách đặt vấn đề sẽ mua lại sản phẩm cây trồng nếu dùng gel nano bạc cây bị hỏng. Sau vụ đầu thử nghiệm thành công, họ mới sẵn sàng ứng dụng sản phẩm” - ông Nguyễn Bình Phương kể lại.

Sản phẩm gel nano bạc chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về các sản phẩm nghiên cứu phải trải qua khi mở “cánh cửa” tiếp cận thị trường. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp (DN), nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 12-15% kết quả nghiên cứu này được ứng dụng vào thực tế.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện có tình trạng nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có tính thực tiễn cao nhưng không có địa chỉ để chuyển giao. Trong khi, các DN cần sản phẩm lại đi tìm kiếm, mua của nước ngoài với giá đắt, gây lãng phí cả ngoại tệ, thời gian và chất xám của nguồn lực trong nước. Trong khi đó khả năng trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh - cho biết, có một hạn chế kéo dài và là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành KH&CN, đó là chậm đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa KH&CN vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng mang tính quyết định là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với DN.

Nhiều chuyên gia chia sẻ, thời gian qua, kinh phí đầu tư cho KH&CN mới chỉ chú trọng đến nghiên cứu và phát triển mà chưa quan tâm nhiều đến khâu thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Nói cách khác, các nhà khoa học đang thiếu điều kiện để hoàn thiện công nghệ từ các đề tài nghiên cứu và thiếu thông tin về nhu cầu của DN. Mặc dù, đã có một số quỹ hỗ trợ, nhưng việc tiếp cận còn khó khăn, thủ tục phức tạp.

Bên cạnh đó, khi đứng trước lựa chọn nhập khẩu công nghệ nước ngoài hay mua trong nước, các DN thường trăn trở với bài toán về giá thành, chất lượng, hiệu quả giữa công nghệ trong nước và công nghệ nhập khẩu. Do vậy, để khuyến khích các DN mua công nghệ trong nước, cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ như hỗ trợ vốn vay, miễn giảm thuế đối với các DN trong quá trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới…

Thống kê cho thấy, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu thiết bị, công nghệ lên tới 2,5 - 3 tỷ USD. Gần 65% giá trị nhập khẩu thiết bị, công nghệ có nguồn gốc từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Đối tượng nhập khẩu chủ yếu là những DN vừa và nhỏ.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/thuong-mai-hoa-cong-nghe-can-ho-tro-tu-co-quan-quan-ly.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3585

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)