Thứ sáu, 04/05/2018 14:33 GMT+7

Thận trọng trong quản lý kinh tế số

“Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Rà soát quy định pháp luật ở 5 nước châu Á và lựa chọn chính sách cho Việt Nam” là chủ đề hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Hiệp hội Điện toán Đám mây châu Á (ACCA) tổ chức chiều 3/5, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Nội dung chính được các đại biểu thảo luận là triển vọng kinh tế Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), việc xây dựng nền tảng kỹ thuật số cho thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, cơ sở hạ tầng an ninh mạng. Tại đây, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam trong việc tối ưu hóa tiềm năng kinh tế thông qua việc xây dựng hiệu quả hệ thống quản lý đối với các công cụ số mới đang hiện diện trong kinh doanh.

Tại hội thảo, bà Lim May Ann- Giám đốc điều hành ACCA đã công bố báo cáo “Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Rà soát các quy định pháp luật liên quan và cơ hội ngành nghề chính ở 5 nền kinh tế châu Á: Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Phillippines và Việt Nam”. Nội dung báo cáo đã cung cấp những thông tin tổng quan về hiện trạng pháp lý liên quan đến quản lý dữ liệu tại 5 nền kinh tế và tác động của các chính sách này đối với sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù có một số điểm tương đồng, song 5 quốc gia được đề cập cũng đang có những cách tiếp cận riêng biệt về kinh tế số. Theo đó, tại Philippines không có một “chính sách kinh tê số” rõ ràng, trong khi đó, Ấn Độ đã trở thành một “Ấn Độ số” và Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu trở thành “Quốc gia tiên tiến nhất thế giới về công nghệ thông tin”.

Với Việt Nam, ACCA cho rằng, có nhiều cơ hội phát triển kinh tế số, song khung pháp lý của Việt Nam về các luồng dữ liệu xuyên biên giới là “chưa mở”, đôi khi còn hạn chế cho sự phát triển kinh tế số. Cụ thể, yêu cầu phải có máy chủ ở trong nước để hỗ trợ yêu cầu kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước theo Nghị định 72/2013/NĐ- CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và các yêu cầu kiểm soát nội dung trong Thông tư số 38/2016/TT- BTTTT hướng dẫn thực hiện Nghị định 72/2013/NĐ- CP. Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến thuế xuyên biên giới có xu hướng trở nên nghiêm ngặt hơn, được thể hiện trong các diễn biến gần đây liên quan đến việc quản lý các công ty kết nối dịch vụ đặt xe và các cơ sở đặt khách sạn trực tuyến.

Ông Mai Liêm Trực- nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông- cho rằng, viễn thông, internet của Việt Nam đã phát triển tương đương với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Giá cả dịch vụ internet của Việt Nam cũng được đánh giá phù hợp, thuận tiện cho người dân sử dụng. Hiện Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng người sử dụng internet cao trên thế giới, với trên 50% dân số. Điều đó tác động rất lớn đến kinh tế số tại Việt Nam.

Tuy vậy, đại diện ACCA cho rằng, các yêu cầu về mặt quản lý có thể tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới, khiến họ phải cân nhắc việc tham gia vào thị trường Việt Nam. Hơn nữa, có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các công cụ và dịch vụ được cung cấp bởi các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới và dịch vụ điện toán đám mây quốc tế vốn đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sự phát triển của doanh nghiệp số tại Việt Nam.

Bà Lim May Ann cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có một cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng việc xây dựng một môi trường an toàn mạng không vô tình hạn chế và kìm hãm tiềm băng phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển- nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cho rằng: Quản lý phải đi sau, phục vụ cho kinh tế số phát triển, chứ không phải đưa ra những chính sách “cản trở” sự phát triển. Đặc biệt, để kinh tế số phát triển, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, nhà nước cần đóng vai trò là một cơ quan thúc đẩy sự phát triển thay vì cơ quan quản lý rủi ro.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM- cho rằng, chính sách kinh tế số thuận lợi không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển mà còn tạo cơ hội để công nghệ Việt Nam, kinh tế Việt Nam bắt kịp được tiêu chí của khu vực và thế giới./.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/than-trong-trong-quan-ly-kinh-te-so.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3361

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)