Thứ năm, 05/07/2018 14:02 GMT+7

Công bố Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận

Đây là một trong những bước tiến của tỉnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà cho người dân.

Ảnh minh họa

 

Ngày 3/7, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị công bố Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận - một trong những bước tiến của tỉnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà cho người dân.

Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận là cơ sở đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn.

Đây cũng là cơ sở khoa học giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả khi triển khai công tác ứng dụng CNTT của tỉnh thời gian tới nhằm đạt các mục đích như: Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, sở, ngành nhằm tạo thuận lợi trong giải quyết TTHC công cho tổ chức, DN và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.

Giúp tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, bảo đảm triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan Nhà nước. Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, đề xuất danh mục các nhiệm vụ cần triển khai để cơ bản hoàn thành hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận vào năm 2020.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Chính quyền điện tử sẽ cung cấp một nền dịch vụ hành chính nhanh, chính xác hơn, công khai, minh bạch và người dân có thể quan sát việc thực hiện quản lý của Nhà nước. Với tính năng liên thông các dữ liệu, chính quyền điện tử giúp cán bộ tra cứu, thụ lý nhanh chóng, dễ dàng trong việc xử lý hồ sơ, giảm bớt thời gian, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

Đối với người dân và DN, chính quyền điện tử sẽ giúp giảm TTHC, thời gian đi lại và tránh gây phiền hà cho người dân, DN. Người dân có nhiều lựa chọn trong việc giao dịch hồ sơ như: Nộp hồ sơ trực tuyến qua đường bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến và theo dõi được tiến độ giải quyết hồ sơ…

 

Nam Định khai trương Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: TTXVN

 

Nam Định cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp

Ngày 3/7, UBND tỉnh Nam Định đã đưa Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến vào hoạt động để phục vụ người dân và DN, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước.

Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nằm trong Dự án phát triển hạ tầng khung chính quyền điện tử tỉnh Nam Định, giai đoạn 2016-2020, được triển khai từ tháng 6/2017.

Cổng có địa chỉ truy cập: http://dichvucong.namdinh.gov.vn, được thiết kế với các chức năng: Cung cấp thông tin về dịch vụ công, giao tiếp, hỏi đáp của cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công với người dân, DN bảo đảm an toàn, bảo mật.

Các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp bao gồm: Quản lý danh mục đơn vị theo mã định danh, quản lý danh mục dịch vụ công, quản lý danh mục trạng thái hồ sơ, thống kê, tổng hợp thông tin. Đặc biệt, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến có hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, DN về chất lượng sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước… Cổng tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố gồm trên 1.740 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 820 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định: Xây dựng Chính phủ điện tử lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đối với chất lượng hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước là cần thiết đối với sự phát triển, bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện.

Việc xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một phần quan trọng trong việc hoàn thiện khung Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Nam Định phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành xây dựng 100% dịch vụ công phổ biến liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp ở mức độ 3; 30% dịch vụ công mức độ 4 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng./.

Liên kết nguồn tin:

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Cong-bo-Kien-truc-Chinh-quyen-dien-tu-tinh-Binh-Thuan/340541.vgp

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3489

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)