Thứ tư, 01/08/2018 16:30 GMT+7

Xây dựng Chính phủ số - Cần chung tay tạo đồng thuận

Đưa ra các giải pháp cụ thể trong việc xây dựng Chính phủ số là điểm nổi bật được các diễn giả và khách mời tập trung bàn luận tại Diễn đàn cao cấp CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2018) vừa qua.

Quảng Ninh được coi là địa phương điển hình hiện nay về thực hiện Chính phủ số - Ảnh: VGP/Hiền Minh

 

Cùng chung tay tạo đồng thuận

Tại sự kiện, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên xây dựng thể chế, cơ sở dữ liệu, cổng thông tin dịch vụ công quốc gia, huy động mọi nguồn lực theo tinh thần cùng chung sức, chia sẻ, đồng tâm.

Các chuyên gia cho rằng để xây dựng Chính phủ số cần trải qua 5 giai đoạn, trong đó chính quyền điện tử là bước khởi đầu. Quảng Ninh là địa phương được các chuyên gia nhắc đến như một điển hình trong việc xây dựng thành công chính quyền điện tử thời gian qua.

Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, gần 6 năm trước, mặc dù đã chính thức được phê duyệt, Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tại Quảng Ninh vẫn vấp phải nhiều hoài nghi về cách thức triển khai. 

“Trong đó, đưa các thủ tục tài chính công về một mối vào thời điểm đó gần như chưa có tiền lệ. Thể chế, hành lang pháp lý chưa có. Công chức vẫn làm việc trên giấy không muốn chuyển sang môi trường mạng, phần vì thói quen, phần có người vì lợi ích cá nhân . Người dân, doanh nghiệp vẫn thích phải gặp trực tiếp cán bộ để giải quyết mới yên tâm…”, ông Đinh Sỹ Nguyên nói.

Trước tình trạng đó, đại diện Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho biết, lãnh đạo tỉnh đã có những quyết tâm chính trị và tạo được sự đồng thuận cao nên các vấn đề trên dần được giải quyết.

Thúc đẩy chia sẻ và kết nối dữ liệu

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu, hạ tầng là điều đặc biệt quan trọng và cần phải thực hiện để xây dựng Chính phủ số.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, một trong những ưu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay của Việt Nam là cơ sở dữ liệu dân cư chung, từ đó mới có định danh dân cư - điều kiện cơ bản trong thực hiện Chính phủ điện tử. Tiếp đó là cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp, tài chính, hải quan...

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia kết nối cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy, mới thực hiện được chia sẻ thông tin và kết nối liên thông dịch vụ công từ Trung ương đến bộ, ngành, địa phương.

“Nhiều quốc gia xây dựng dữ liệu người dân nhưng không có thông tin nên không thể thực hiện. Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu nên chúng ta cần tận dụng. Như ở tỉnh Quảng Ninh đã làm rất tốt trong việc chia sẻ tài nguyên số và tập hợp dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức khác nhau”, bà Amia Melhem, Trưởng Ban Phát triển số của Ngân hàng Thế giới nhận định.

Thực tế doanh nghiệp như FPT khi triển khai hệ thống Chính quyền điện tử (giai đoạn 1 bắt đầu từ 2012-2016) đã thực hiện thành công việc kết nối các dữ liệu ở Quảng Ninh cho phép các đơn vị, tổ chức, người dân có thể tiếp cận dịch vụ công một cách thuận tiện nhất thông qua nhiều kênh giao tiếp và phương thức khác nhau.

FPT là đơn vị không chỉ đáp ứng được nhu cầu của tỉnh Quảng Ninh mà còn rất nhiều địa phương khác trong cả nước. Từ năm 2016, FPT cũng đã xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu của TPHCM. Giải pháp này cho phép TPHCM có thể tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng kho dữ liệu lớn lưu trữ trên nền tảng Big Data. Đây còn là một công cụ quan trọng giúp Sở TT&TT TPHCM quy hoạch lại kiến trúc thông tin, tiến tới xây dựng kho dữ liệu dùng chung của Thành phố.

 

Các cán bộ triển khai chính quyền điện tử tại Quảng Ninh - Ảnh: VGP/Hiền Minh


Kết hợp giữa khu vực công và tư nhân

Theo ông Hannes Astok, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia, sự phối hợp giữa các tổ chức, nhất là giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực công chính là chìa khóa thành công trong quá trình thực hiện Chính phủ số.

“Trong quá trình xây dựng Chính phủ số, các tỉnh, thành phố cần có sự tham gia của cả khu vực tư nhân vào quá trình cung cấp dịch vụ, nhằm giảm gánh nặng cho nhà nước”, ông Steven Furst, Giám đốc chiến lược và kiến trúc - Công ty Hệ thống thông tin FPT cùng chung nhận định.

Đơn cử như tại Quảng Ninh, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền, sự ủng hộ của người dân thì việc kết hợp và lựa chọn đúng đối tác công nghệ là yếu tố không nhỏ quyết định sự thành công của dự án.

Chia sẻ về kinh nghiệm “chọn mặt gửi vàng” của Quảng Ninh khi triển khai Đề án Chính phủ điện tử, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, “một số địa phương khi xây dựng chính quyền điện tử chọn rất nhiều nhà thầu cùng làm khiến cho sự kết nối, liên thông gặp nhiều khó khăn. Vì vậy chúng tôi quyết định chỉ chọn 1 đối tác đủ năng lực để đồng hành trong suốt quãng thời gian để triển khai, vận hành hệ thống, chứ không phải xong một giai đoạn là thôi./.

Liên kết nguồn tin:

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Xay-dung-Chinh-phu-so-Can-chung-tay-tao-dong-thuan/342320.vgp

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Lượt xem: 4712

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)