Thứ tư, 07/11/2018 09:42 GMT+7

Ứng dụng năng lượng nguyên tử cần tương xứng với tiềm năng

Việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự tương ứng với tiềm năng. Đơn cử như khó mở rộng thị trường cho chiếu xạ thực phẩm do người dân, doanh nghiệp chưa được tiếp cận đủ thông tin nên vẫn còn tâm lý e ngại.


Ứng dụng NLNT trong nông nghiệp (chiếu xạ cho trái vải) giúp bảo quản tốt hơn, đáp ứng được các thị trường khó tính. Ảnh minh họa

 

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia Ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) phát triển kinh tế-xã hội tổ chức từ 1 - 2/11. Nhiều thành tựu ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực cũng đã được chia sẻ, trong đó có những thành tựu đột phá trong y học, nông nghiệp… mang lại ý nghĩa to lớn trong đời sống.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử: Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg, trong đó nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển tiềm lực KHCN hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đã thu được nhiều kết quả khoa học, thực tiễn, được đánh giá là có nhiều triển vọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Chia sẻ về các kết quả nổi bật về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT cho biết, trong lĩnh vực y tế, cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân với trên 45 thiết bị xạ hình, đạt tỉ lệ khoảng 0,5 máy/triệu dân. Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trên thế giới như: xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan…

Về xạ trị, cả nước hiện có 40 cơ sở xạ trị (phần lớn tập trung tại các thành phố lớn). Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam.

GS. Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ứng dụng bức xạ ion hóa trong lĩnh vực điều trị ung thư đã có những bước tiến đáng kể nhờ vào các nghiên cứu tìm tòi cải tiến ứng dụng các phương pháp điều trị mới, thiết bị xạ trị mới cũng như những đóng góp của chuyên ngành hóa dược phóng xạ để có được những dược chất phóng xạ mới. Trong tương lai các kỹ thuật ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến khác như PET/MRI, xạ trị sử dụng proton và ion nặng, xạ trị kích hoạt neutron… sẽ được nghiên cứu áp dụng tại nước ta.

Về lĩnh vực nông nghiệp, PGS. Phạm Xuân Hội, Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, tính đến năm 2017, đã tạo trên 68 giống cây trồng nông nghiệp bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến trong đó chủ yếu là giống lúa (48 giống lúa, 13 giống đậu tương, 2 giống ngô, 2 giống lạc…). Theo đánh giá của IAEA, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống.

PGS. Phạm Xuân Hội cho rằng, để khai thác tốt tiềm năng ứng dụng của công nghệ bức xạ trong chọn tạo giống cây trồng, cần phải có đánh giá tổng quan về hiệu quả đột biến trong chọn tạo giống cây trồng từ đó đưa ra định hướng chiến lược cùng với sự đầu tư thích đáng của Nhà nước. Đặc biệt về nhân lực và hệ thống trang thiết bị để phát huy được tiềm năng trong chọn tạo giống, đóng góp hơn nữa cho sản xuất nông nghiệp đất nước.

Đánh giá về công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh bức xạ và hạt nhân của Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội Trần Minh Quỳnh cho rằng, vẫn còn tồn tại một số hạn chế và chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn an toàn của IAEA và các yêu cầu của thực tiễn. Công tác đảm bảo về an toàn bức xạ hạt nhân ở cơ sở chưa được chú trọng quan tâm.

Việc phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ cũng gặp một số vấn đề như: Đầu tư ban đầu cao nên một số ứng dụng như chiếu xạ khử trùng y tế, biến đổi polyme chưa thể cạnh tranh về chi phí với các công nghệ truyền thống; khó mở rộng thị trường cho chiếu xạ thực phẩm do mới chỉ có một số quốc gia chấp nhận thực phẩm chiếu xạ, trong khi người dân cũng như các doanh nghiệp sản và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa được tiếp cận đủ thông tin nên vẫn còn tâm lý e ngại. Những điều này đặt ra thách thức rất lớn cho các nhà khoa học và quản lý để tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng ứng dụng công nghệ bức xạ nhằm nâng cao đóng góp của ngành công nghiệp chiếu xạ vào GDP cho tương xứng với tiềm năng.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Ung-dung-nang-luong-nguyen-tu-can-tuong-xung-voi-tiem-nang/351058.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3906

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)