Thứ sáu, 15/03/2019 15:38 GMT+7

Hà Tĩnh: Khẳng định vai trò của công nghệ

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của Hà Tĩnh ngày càng có sự phát triển rõ nét, đóng góp quan trọng và khẳng định vai trò động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

95% đề tài, dự án ứng dụng vào thực tiễn

Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh - cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định phát triển KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của tỉnh. Theo đó, nhiều chủ trương, chính sách phát triển KH&CN được ban hành và đi vào thực tiễn cuộc sống. Đáng chú ý là việc ban hành 6 đề án KH&CN với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển KH&CN trên địa bàn.
 

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Hà Tĩnh

Ngoài ngân sách được Bộ KH&CN cân đối, hằng năm ngân sách tỉnh bổ sung thêm khoảng 25 tỷ đồng cho các chính sách KH&CN. Đây là điều kiện để một số lĩnh vực KH&CN tỉnh Hà Tĩnh bứt phá trong những năm gần đây, đặc biệt là lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phát triển công nghệ sinh học, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã đổi mới trong công tác xác định nhiệm vụ KH&CN, nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, xét duyệt, đánh giá, nghiệm thu, với trên 50% nhiệm vụ thực hiện theo phương thức "đặt hàng, tuyển chọn". Chính vì vậy, qua đánh giá hằng năm, có trên 95% đề tài, dự án KH&CN được ứng dụng vào thực tiễn, khắc phục tối đa thực trạng "đề tài bỏ ngăn tủ".

Đóng góp vào phát triển kinh tế

Đưa ra các minh chứng cụ thể về sự đóng góp của KH&CN, ông Đỗ Khoa Văn cho hay, các kết quả KH&CN được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, nhờ đó đóng góp từ 30-40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh như cam, bưởi, nước mắm, nhung hươu… nhờ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý, làm tăng giá trị từ 30 - 40% so với sản phẩm thông thường.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2015-2017 yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chiếm 30% trong tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh, trong đó tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 25%. Tốc độ đổi mới công nghệ trung bình 15%/ năm. Ông Văn cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của KH&CN cùng với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, hoạt động KH&CN đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, đặc biệt là ở cấp địa phương. Thực tế đó bắt buộc chúng ta phải đổi mới, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm mới đáp ứng được yêu cầu, từng bước khẳng định vai trò quan trọng không thể thay thế của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, phải đưa được các vấn đề, nội dung KH&CN đã lựa chọn vào trong chương trình, kế hoạch trở thành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định... của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Làm được điều này, vấn đề của KH&CN sẽ trở thành vấn đề quan tâm chung, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Như vậy, nhận thức về KH&CN, vốn là vấn đề còn nhiều hạn chế sẽ dần thay đổi và chuyển thành hành động tích cực.

Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh: Chính sách KH&CN đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng sẽ là câu trả lời trọng lượng nhất cho vai trò của KH&CN.

Liên kết nguồn tin:

https://congthuong.vn/ha-tinh-khang-dinh-vai-tro-cua-cong-nghe-116844.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3368

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)