Thứ tư, 29/05/2019 11:23 GMT+7

Thành công mới trong sản xuất vắc-xin cúm gia cầm

Từ năm 2012 đến nay, hàng trăm triệu liều vắc-xin cúm gia cầm A (H5N1) NAVET-VFLUVAC được sản xuất, đưa vào sử dụng tiêm cho gia cầm, thay thế vắc-xin nhập khẩu.


Sản xuất vắc-xin cúm gia cầm A (H5N1) tại Công ty Navetco. Ảnh: THU PHƯỢNG

 

Đây là vắc-xin cúm gia cầm lần đầu được sản xuất trong nước, ở quy mô công nghiệp, trên cơ sở công trình nghiên cứu thành công đầu tiên về loại vắc-xin này của các nhà khoa học Việt Nam: GS, TS Lê Trần Bình; PGS, TS Đinh Duy Kháng (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); TS Trần Xuân Hạnh (Công ty Vật tư thuốc thú y trung ương (Navetco).

Công trình nghiên cứu nêu trên vừa được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019. GS, TS Lê Trần Bình, chủ nhiệm công trình chia sẻ, cuối năm 2003, đầu năm 2004, dịch cúm gia cầm xảy ra ở các nước trong khu vực, trong đó, Việt Nam là một điểm nóng. Hàng triệu con gia cầm bị chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhiều trường hợp cúm gia cầm A (H5N1) lây sang người với triệu chứng lâm sàng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Trong bối cảnh vắc-xin phòng bệnh đều phải nhập khẩu, gây bị động về số lượng, thời gian và khó kiểm soát chất lượng, các nhà khoa học trong nước rất nóng lòng về việc phải có vắc-xin tự sản xuất.

GS, TS Lê Trần Bình khi ấy là Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất vắc-xin cúm A (H5N1) cho gia cầm”, thực hiện từ năm 2006 đến năm 2008. Do yêu cầu chống dịch, mọi việc được đẩy nhanh, khâu khó khăn nhất là chủng giống để sản xuất vắc-xin đã được Vương quốc Anh hỗ trợ qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hơn nữa, chủng giống mang hai gien vi-rút gây bệnh ở Việt Nam, phù hợp để phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam. Việc còn lại là xây dựng quy trình sản xuất vắc-xin từ chủng giống đó.

PGS, TS Đinh Duy Kháng là người có nhiều kinh nghiệm về nguyên lý sản xuất vắc-xin, cho nên, quy trình sản xuất nhanh chóng được hoàn thiện, làm chủ được, gồm: Khả năng nhân lên của vi-rút khi gây nhiễm cho trứng gà có phôi; xác định liều gây miễn dịch thích hợp làm cơ sở để phối trộn vắc-xin; xác định công thức phối trộn giữa kháng nguyên và dầu khoáng để bảo đảm tính ổn định của vắc - xin; đánh giá tính an toàn của vắc-xin, bảo đảm không bỏ sót vi-rút độc lực, không tạp nhiễm các tác nhân gây bệnh ngoại lai... Khi quy trình được tối ưu hóa, các nhà khoa học hợp tác, chuyển giao cho Công ty Navetco thử nghiệm sản xuất. Năm 2012, Công ty Navetco được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp phép sản xuất, lưu hành. Từ đó đến nay, mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 150 đến 200 triệu liều cung cấp cho thị trường, góp phần quan trọng phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

TS Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Navetco cho biết, vắc-xin đạt trình độ của châu Á và tiếp cận thế giới, chất lượng đạt chuẩn cao hơn so các vắc-xin đang sử dụng. Việc sản xuất được vắc-xin cúm gia cầm trong nước đã giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, tiết kiệm chi phí và tạo tính chủ động hơn cho việc cung ứng. Trên cơ sở công nghệ sản xuất vắc-xin này, công ty đã phát triển thành công vắc-xin mới với hai chủng và hai vắc-xin này đáp ứng được các biến chủng gây bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam hiện nay.

Sự hợp tác giữa các nhà khoa học và Công ty Navetco đã có bước phát triển mới khi gần đây hai đơn vị được tin tưởng giao đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu sản xuất chủng giống sản xuất vắc-xin cúm gia cầm A (H5N1), thay vì phải nhập chủng giống của nước ngoài như lâu nay. GS, TS Lê Trần Bình cho biết, kinh phí đề tài được cấp khoảng 1 triệu USD, cao gấp 5 đến 6 lần so các đề tài thông thường, cho thấy nhiệm vụ nghiên cứu rất phức tạp, khó khăn.

Các nhà khoa học đã bắt tay nghiên cứu từ năm 2016, cử cán bộ đi học tại Mỹ về công nghệ di truyền ngược để tạo chủng giống. Do vi-rút gây bệnh không có ADN, các nhà khoa học phải biến phân tử ARN thành ADN, cắt xén làm mất đoạn gây độc nhất trên gien gây bệnh để tạo chủng vi-rút mới giảm độc lực sản xuất vắc-xin. Khó khăn nhất là làm chủ công nghệ di truyền ngược để ứng phó với bất kỳ biến chủng vi-rút cúm gây bệnh qua các năm. Hiện, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được chủng giống sản xuất cúm gia cầm A(H5N1), đánh dấu thành công mới, đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực tạo chủng giống. Nhóm cũng cam kết, bất kỳ biến chủng nào xuất hiện, sẽ có quy trình tạo chủng, chỉ mất từ ba đến sáu tháng để đáp ứng nhanh việc chống dịch, mà không phải nghiên cứu kéo dài nhiều năm như trước đây. Các nhà khoa học đang phối hợp Công ty Navetco để thử độc lực của vắc-xin mới này trên gà.

Những thành công nêu trên cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. GS, TS Lê Trần Bình chia sẻ, trong cuộc đời làm khoa học, không gì hạnh phúc bằng kết quả nghiên cứu được xã hội đón nhận. Nếu không hợp tác với doanh nghiệp thì việc nghiên cứu sẽ gặp nhiều trở ngại, kết quả nghiên cứu khó có thể được ứng dụng vào cuộc sống.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/40307702-thanh-cong-moi-trong-san-xuat-vac-xin-cum-gia-cam.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3028

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)