Thứ sáu, 16/08/2019 22:48 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo là công cụ giải các “bài toán cuộc sống”

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trí tuệ nhân tạo tưởng chừng rất khó hiểu, cao siêu nhưng suy cho cùng đây là công cụ nhằm giải quyết hiệu quả nhất những “bài toán” rất cụ thể, thiết thực trong cuộc sống.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo là công cụ phục vụ con người. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phát biểu tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019, sáng 16/8, do Bộ KH&CN cùng Bộ KH&ĐT tổ chức, Phó Thủ tướng cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) đã vượt ra khỏi lĩnh vực KHCN để tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.


Công cụ phục vụ con người

Theo Phó Thủ tướng, những năm qua khoa học, công nghệ (KHCN), trong đó có công nghệ thông tin (CNTT), phát triển mạnh mẽ. Sự thay đổi của thế giới, xã hội, mọi người dân trong quá trình phát triển dẫn đến yêu cầu kết nối toàn cầu ở mọi cấp độ: Máy với máy; máy với người; người với người; chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và ngược lại, đan xen nhau… Đây là nền tảng tạo lên các dữ liệu lớn kết hợp với năng lực tính toán tiến bộ vượt bậc, thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nhằm phục vụ con người.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là một phần của thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và trí tuệ nhân tạo. Nhiều người Việt Nam đã và đang tham gia vào quá trình phát triển CNTT, trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Cộng đồng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam có nhiều hoạt động sôi nổi trong những năm gần đây. Quy mô dân số của Việt Nam lớn. Vì vậy, CNTT, KHCN, trí tuệ nhân tạo đã trở thành những công cụ có thể mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng thì sẽ qua đi.

“Vậy chúng ta phải làm thế nào?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng nói đến trí tuệ nhân tạo tưởng chừng rất khó hiểu, cao siêu với nhiều chuyên ngành như hệ chuyên gia, robotics, nhận dạng, xử lý ngôn ngữ, học sâu, thành phố thông minh, nhà máy thông minh… nhưng “suy cho cùng trí tuệ nhân tạo nhằm giải quyết hiệu quả nhất những “bài toán” rất cụ thể, thiết thực trong cuộc sống. Nhiều việc cụ thể sẽ góp lại thành một vấn đề lớn".



Ảnh: VGP/Đình Nam


Ba "bài toán" cơ bản

Mỗi đất nước, xã hội, cộng đồng có những nhu cầu khác nhau song Phó Thủ tướng cho rằng có ba “bài toán” cơ bản cần giải quyết.

Trước hết, làm sao để có một xã hội thanh bình. Tất cả ứng dụng để giúp cho xã hội an toàn như những sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo để đưa đón học sinh, điều khiển giao thông… chính là nhằm mục đích này.

Thứ hai là mong muốn của mỗi người luôn được khoẻ mạnh. Từ những yêu cầu đơn giản như ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, biết được sức khoẻ của bản thân, phát hiện sớm bệnh để điều trị… cho đến việc phát hiện, chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo.

Thứ ba là phải đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người, hiệu quả và thuận tiện ở nơi, mọi lúc. Cùng với đó là các hoạt động đi lại, thưởng thức văn hoá, giải trí…

“Những bài toán rất cụ thể này là cơ hội cho CNTT nói chung, sâu hơn nữa là trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, chúng ta phải có trách nhiệm tham gia giải quyết những vấn đề lớn, “bài toán” chung của thế giới trong khả năng của mình về thuật toán, dữ liệu, phương pháp…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian giới thiệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên xe tự hành. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Chia sẻ thứ tốt để tất cả cùng tốt lên

Bày tỏ vui mừng trước sự ra mắt của Liên hiệp hợp tác và phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định “quan trọng nhất là phải có sự kết nối giữa những người làm chuyên môn với nhau, với các cơ quan Nhà nước, cơ sở nghiên cứu, thị trường. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong CNTT, trí tuệ nhân tạo”.

“Chúng ta kết nối để có trách nhiệm cùng nhau xây dựng nền tảng dữ liệu mở, chia sẻ để tất cả cùng phát triển, không chỉ cho Việt Nam mà đóng góp cho cộng đồng chung trên thế giới. Chia sẻ thứ tốt mà mình có thì tất cả sẽ cùng có những cái tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua ví dụ về việc lập bản đồ số Việt Nam hay xử lý giọng nói trong đề án Hệ tri thức Việt số hoá… Phó Thủ tướng lưu ý sự kết nối, chia sẻ không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay những người làm CNTT, trí tuệ nhân tạo mà phải kêu gọi được cộng đồng, xã hội cùng tham gia. Từng cơ quan, tổ chức, cá nhân cần thay đổi thói quen, luôn luôn làm việc hệ thống, có dữ liệu ban đầu và cập nhật liên tục. Những việc nhỏ như vậy sẽ góp phần vào phát triển CNTT, trí tuệ nhân tạo, phát triển đất nước và góp phần giải quyết những “bài toán” của nhân loại.

Đồng tình với ý kiến của nhiều diễn giả, Phó Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển CNTT nói chung, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh một bộ phận nhân lực ở trình độ rất cao thì Việt Nam cần đào tạo nhiều hơn nữa nhân lực chất lượng cao ở những trình độ khác nhau làm trong các chuyên ngành CNTT, trí tuệ nhân tạo.

“Đặc biệt phải lan toả những kiến thức CNTT, trong đó có trí tuệ nhân tạo, đến mọi người dân, những người sẽ sử dụng các ứng dụng, sản phẩm CNTT hay AI. Chúng ta có thể làm rất tốt nhưng nếu người dân không hiểu, không hưởng ứng, không tham gia thì không có tác dụng”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn cộng đồng CNTT, trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam cùng chung tay làm những việc thiết thực để đất nước có thêm công cụ phát triển nhanh hơn, nỗ lực thu hẹp khoảng cách so với các nước đi trước.


Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tri-tue-nhan-tao-la-cong-cu-giai-cac-bai-toan-cuoc-song/373093.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 4817

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)