Thứ tư, 25/09/2019 08:09 GMT+7

Bệnh viện đầu tiên cả nước ứng dụng nhiều loại robot phục vụ bệnh nhân

Bệnh viện Quân dân y miền Đông (Quân khu 7, TPHCM) trở thành đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng nhiều loại robot phục vụ việc đón tiếp người bệnh, hỗ trợ người khuyết tật, lau sàn nhà vệ sinh…


Robot cô Tấm

 

Các loại robot này đều là sản phẩm do chính Bệnh viện nghiên cứu sáng tạo ra.

Nổi bật là robot cô Tấm với ngoại hình của một cô y tá, có nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn người bệnh đến chăm sóc sức khỏe.

Với chi phí khiêm tốn là 40 triệu đồng, robot Tấm được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ vạn vật kết nối (IoT) với khả năng nhận dạng người, vật cản, xử lý và phân tích ngôn ngữ giao tiếp.

Trên cơ thể robot Tấm được thiết kế bảng điện tử, giúp người bệnh tra cứu danh mục viện phí và cho phép đặt lịch hẹn khám bệnh theo các chuyên khoa. Điều đặc biệt là robot Tấm có khả năng đi lại hỗ trợ người bệnh khoảng 2 tiếng, nếu pin yếu có thể tự động đến nơi sạc pin.

Một điểm lợi thế của robot mà các nhân viên y tế khó lòng thực hiện là có thể phát hiện hành động thiếu ý thức và phát loa nhắc nhở.

Ngoài robot Tấm, Bệnh viện Quân dân y miền Đông còn ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại như robot lau sàn nhà vệ sinh, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật.

Thay vì cắt cử nhân viên vệ sinh, robot lau sàn nhà vệ sinh có thể liên kết với hệ thống quan trắc nhà vệ sinh, từ đó tự động hóa trong việc lau dọn định kỳ, khi bẩn hoặc có mùi hôi vượt ngưỡng cho phép.

Đặc biệt, nó có thể hoạt động trong môi trường ngập nước, nhiệt độ và độ ẩm cao; có thể lau và sấy khô bề mặt nhà vệ sinh mà không cần bất cứ sự can thiệp, tác động của con người.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của bệnh viện còn cho ra đời cánh tay robot để hỗ trợ người tàn tật. Với chi phí khoảng 60 triệu đồng (giá thế giới khoảng 2,3 tỉ đồng), "cánh tay giả" được đánh giá là "cơ hội hồi sinh" cho các cánh tay người khuyết tật, có khả năng chuyển động phức hợp từ các khớp, gân, ngón tay… nhằm giúp người khuyết tật có thể cầm nắm các vật thông thường như quả trứng, cái ly và các nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt.

Ngoài các robot nêu trên, bệnh viện còn áp dụng công nghệ thông tin trong trang bị hệ thống gọi số thứ tự cầm tay không dây, cân đo thể lực tự động, tủ lưu trữ hồ sơ thông minh, hệ thống kiểm soát ra vào phòng bệnh và thiết bị nhắc nhở, cảnh báo nguy hiểm cho người bệnh… Tất cả các ứng dụng này đều hướng đến xây dựng mô hình bệnh viện thông minh./.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Benh-vien-dau-tien-ca-nuoc-ung-dung-nhieu-loai-robot-phuc-vu-benh-nhan/375707.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 2069

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)