Thứ sáu, 25/10/2019 14:34 GMT+7

Xây dựng thành phố thông minh cần lấy người dân làm trung tâm

Tại Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh 2019 tổ chức ngày 23/10 tại TP. Đà Nẵng, nhiều địa phương, chuyên gia đều cho rằng để xây dựng thành phố thông minh thành công cần đặt người dân làm yếu tố trung tâm.


Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, chuyên gia chia sẻ về xây dựng thành phố thông minh - Ảnh: VGP/Lưu Hương

 

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết: Khi thế giới đi vào kỷ nguyên số, thành phố thông minh là phương thức cơ bản để phát triển kinh tế, để thực hiện mục tiêu một Việt Nam hùng cường, vững mạnh, bởi vì 80% nền kinh tế quốc gia là nền kinh tế các thành phố, do đó thế giới ngày nay nói chuyện kinh tế thành phố thay vì kinh tế một quốc gia.

Để phát triển một thành phố vào kỷ nguyên này chỉ có một cách, đó là thành phố thông minh. Cho nên có thể nói thành phố thông minh là phương thức để phát triển nhanh nhất, bền vững mang lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu của thành phố thông minh là làm cho đất nước thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm. “Thành phố thông minh phục vụ người dân như thế nào? Là người dân được hưởng nước sạch; được đi lại không bị tắc nghẽn giao thông; ốm đau thì đến bệnh viện không chờ đợi nhiều; nghĩa là người dân được an toàn, an ninh. Đấy là cái đầu tiên mà thành phố thông minh phải đáp ứng. Cao hơn nữa là thành phố phải xanh, không khí trong lành... là những điều mà thành phố thông minh cần hướng tới”. Ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh tại TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2014, TP. Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố. Việc triển khai thành công Chính quyền điện tử tạo niềm tin, là nền tảng để thành phố triển khai xây dựng thành phố thông minh.

Năm 2014, Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn” và bắt đầu việc triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong lĩnh vực giám sát giao thông thông minh, môi trường, kiểm soát nguồn cấp nước, an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự, giáo dục, y tế; chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở...

Từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã chính thức triển khai xây dựng thành phố thông minh qua việc ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh và phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

“Mục tiêu mà thành phố thông minh hướng đến rất là rất cao, do đó các địa phương khi xây dựng cần rà soát lại mục tiêu xem thành phố mình đang ở mức độ nào, xây dựng cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt tạo sự đồng thuận trong nhân dân…”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Đô thị thông minh là một hệ sinh thái giữa chính quyền thông minh và người dân thông minh, công nghệ là công cụ. Cho nên khi triển khai, tỉnh không đặt yếu tố công nghệ lên hàng đầu mà vấn đề làm sao nắm bắt được yêu cầu của người dân, để người dân biết được đô thị chúng ta cần phát triển đến đâu, từ đó đồng hành cùng chính quyền.

Huế là địa phương chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, bên cạnh phát triển kinh tế, người dân mong muốn giữ lại những nét xưa. Thế nên chúng tôi phải luôn phải suy nghĩ bài toán giữa bảo tồn và phải phát triển; và người dân cũng thế, một mặt muốn phát triển kinh tế, một mặt giữ lại giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương; làm sao để người dân thấy được bước đi, người dân thực sự làm chủ bước đi đó thì tôi thấy là quan trọng.

“Cuối năm 2018 Thừa Thiên Huế thông qua đề án trung tâm dịch vụ điều hành đô thị thông minh, trong đó hướng tới các dịch vụ, sau 6 tháng triển khai đã nhận được giải thưởng Giải pháp đô thị thông minh sáng tạo châu Á. Có được kết quả ngay từ đầu xác định lấy nhu cầu, ý kiến của người dân làm gốc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết.

Còn ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh, công nghệ thì phát triển, yêu cầu người dân ngày càng lớn. Do đó, tuỳ vào mỗi địa phương để xem xét phải bắt đầu từ đâu, làm sao đưa công nghệ vào một cách hiệu quả nhất trong giai đoạn mà yêu cầu của xã hội, công nghệ luôn thay đổi.

Thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục hoàn thiện xây dựng thành phố thông minh, chú trọng thu hút đầu tư, trong đó lấy yếu tố người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hướng tới.

Cùng chung nhận định trên, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho biết: Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh cần đặt người dân lên hàng đầu chứ không phải là công nghệ, dù công nghệ tối ưu những người dân không tham gia thì  không thể coi là thành công.


Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Xay-dung-thanh-pho-thong-minh-can-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam/378150.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 1645

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)