Thứ sáu, 01/11/2019 16:59 GMT+7

Nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp

Trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay, hoạt động R&D ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường R&D đang được Bộ KH&CN triển khai trong thời gian qua.

Tổ chuyên gia của Bộ KH&CN nghiệm thu dây chuyền Sigma trong hệ thống sản xuất cấu kiện nhà công nghiệp | Nguồn: VNE
 

Nghiên cứu và phát triển (R&D) là gì?

Nghiên cứu và phát triển, hay còn được biết đến với cụm từ viết tắt R&D (Research and Development) là hoạt động nhằm tiến hành mua bán, đầu tư nghiên cứu, công nghệ mới phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Hiệu quả của hoạt động R&D phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kiến thức và sự sáng tạo của nguồn nhân lực; nguồn chi phí đầu tư cho nguyên nhiên vật liệu, thiết bị, dịch vụ; các nghiên cứu, phát minh, sáng chế, công nghệ mới; khả năng nhận thức, lĩnh hội và áp dụng kiến thức mới; sự cải thiện tình hình kinh doanh khi ứng dụng các nghiên cứu, công nghệ cao trong doanh nghiệp.

Có thể thấy, nhiều yếu tố trên không thể hoặc khó định lượng khiến cho việc đánh giá hiệu quả của R&D trở nên phức tạp. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định R&D.

Các giải pháp tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp

Nhiều giải pháp tăng cường hoạt động R&D trong doanh nghiệp đã được đưa ra, thể hiện sự đa dạng trong hướng tiếp cận của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, do đặc thù phức tạp của việc đánh giá hiệu quả hoạt động của quá trình này như đã được đề cập ở phần trên, những giải pháp được đưa ra dưới đây chưa thể giải quyết triệt để vấn đề mà các doanh nghiệp gặp phải, song cũng phần nào đưa ra những định hướng cơ bản, bước đầu giúp các doanh nghiệp cải thiện quá trình R&D trong hoạt động kinh doanh.

a. Đầu tư đào tạo bộ phận nghiên cứu và phát triển

Bộ phận R&D đóng vai trò nền tảng nhằm giúp doanh nghiệp giảm được những rủi ro trong kinh doanh và gia tăng thêm khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tùy vào hoàn cảnh và năng lực của công ty, có 02 hình thức cơ bản giúp tối ưu hóa bộ phận nghiên cứu và phát triển: (i) Bộ phận nghiên cứu và phát triển trong nội bộ tổ chức; (ii) Thuê các tổ chức độc lập bên ngoài nghiên cứu và phát triển theo hợp đồng.

Trong mỗi tình huống cụ thể, các đơn vị kinh doanh sẽ thực hiện việc nghiên cứu và phát triển theo hình thức này hay hình thức khác, hoặc sử dụng kết hợp cả hai hình thức nhằm tận dụng điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của mỗi loại.

b. Xây dựng chiến lược và kế hoạch nhằm phát triển khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố nòng cốt trong hoạt động nghiên cứu và phát triển nói riêng và trong doanh nghiệp nói chung. Một số giải pháp giúp các doanh nghiệp cụ thể hóa chiến lược và kế hoạch phát triển khoa học công nghệ bao gồm:

Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan, từ đó, tiến dần tới việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Thứ hai, gắn bó mật thiết các nhiệm vụ về khoa học công nghệ với các kế hoạch phát triển sản xuất, các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Thứ ba, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và các điều kiện vốn có của doanh nghiệp để chủ động đặt hàng các phát kiến và sản phẩm khoa học từ bên ngoài như viện nghiên cứu, trường đại học, tránh việc khép kín trong doanh nghiệp.
 

Hệ thống sản xuất thực phẩm chức năng quy mô lớn nhờ ứng dụng nghiên cứu công nghệ tại Nhà máy sản xuất của Công ty IMC tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội | Nguồn: VNE
 

Thứ tư, phối hợp với Bộ KH&CN hoặc Sở KH&CN các địa phương xây dựng các quy định đặc thù thích hợp với lĩnh vực sản xuất hàng hóa; tham gia, tiếp thu các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.

Thứ năm, xây dựng kế hoạch cho các giai đoạn khác nhau để phù hợp với thực tiễn.

c. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập công nghệ quốc tế

Để doanh nghiệp có thể phát triển, không thể bỏ qua yếu tố hợp tác và hội nhập công nghệ quốc tế. Doanh nghiệp muốn tăng cường nghiên cứu và phát triển cần phải tập trung vào công nghệ cao. Vì thế mục tiêu “đi tắt, đón đầu”, đổi mới và hội nhập công nghệ quốc tế là điều tiên quyết mà mọi doanh nghiệp cần làm.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu quốc tế về khoa học công nghệ, các doanh nghiệp cần triển khai thực hiện hệ thống các giải pháp sau:

Một là, triển khai xây dựng và thành lập các danh mục về công nghệ để tiến hành giao hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện; đồng thời, mở rộng quan hệ liên kết với các đối tác công nghệ quốc tế có tiềm lực lớn.

Hai là, chọn lọc các mối quan hệ sẵn có của các cán bộ công nhân viên đã từng được đưa đi đào tạo tại nước ngoài.

Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu tham khảo về các tạp chí trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp, thực hiện tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài phù hợp.

Bốn là, đặt chỉ tiêu về giải pháp hữu ích hoặc sáng chế cho các đề tài R&D, đồng thời đầu tư kinh phí mạnh mẽ.

d. Gắn kết với các chương trình và chiến lược quốc gia

Hiện nay Bộ KH&CN có rất nhiều chương trình nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu và phát triển. Điều đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là phối hợp với Bộ KH&CNđể xác định danh mục các nhiệm vụ phát triển công nghệ. Từ đó có thể dự trù được chi phí trong các giai đoạn. Các chương trình khoa học công nghệ tiêu biểu như:

Chương trình đổi mới Công nghệ quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 với mục tiêu phát triển về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, nhân lực quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến.

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010 với mục tiêu hình thành, phát triển sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao; trong đó, các sản phẩm khoa học và công nghệ quốc gia được phê duyệt bao gồm 6 nhóm sản phẩm chính thức và 3 nhóm dự bị.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010. Chương trình hướng đến mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sản xuất sản phẩm, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 có mục tiêu tìm kiếm, đánh giá, tư vấn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới của các doanh nghiệp trong nước.

Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm có mục tiêu hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhóm nghiên cứu mạnh được ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
 

Khung nhà thép nhẹ tiền chế nhiều tầng của Công ty TNHH Máy và sản phẩm Thép Việt, Hồ Chí Minh | Nguồn: KHPT
 

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư là đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ hợp tác xây dựng, tổ chức thực hiện và đóng góp kinh phí giữa các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam với các đối tác nước ngoài theo thỏa thuận bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020 hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng phối hợp, tiếp thu, làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra công nghệ mới, thông qua việc hợp tác nghiên cứu quốc tế với các tổ chức, tập thể nghiên cứu mạnh.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844)được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Với sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều dự án nghiên cứu đã và đang được thực hiện, đem lại thành công ví dụ như: Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế củaCông ty TNHH Máy và sản phẩm Thép Việt; Hoàn thiện công nghệ chế tạo Robot phục vụ đào tạo từ Công ty TNHH Robot Việt Nam (VNRobotics); Nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ Nano từ Công ty TNHH MTV nhà máy United Heathcare; Công nghệ sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm từ Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương-NAVETCO, Tự động hóa quá trình sản xuất nhíp ô tô tiến tới xây dựng nhà máy thông minh từ Tập đoàn ô tô Trường Hải; Đổi mới công nghệ chế tạo một số bộ phận của các loại cầu trục, cổng trục cảng biển của Công ty CP kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam – VINALIFT,...

Như vậy, với nhu cầu đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ngày càng lớn, thực hiện nghiên cứu phát triển R&D là xu thế tất yếu trước bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt.

Các chương trình KH&CN quốc gia - dưới sự ủng hộ của Chính phủ, cùng quan điểm "doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất của phát triển, là khởi nguồn của đổi mới sáng tạo" - được kì vọng sẽ tạo cơ sở để công ty trong nước phát triển thuận lợi hơn, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/nhieu-chuong-trinh-ho-tro-nghien-cuu-va-phat-trien-trong-doanh-nghiep/20191030043825503p1c785.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1813

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)