Thứ hai, 09/12/2019 15:48 GMT+7

Tạo nền tảng cho hoạt động chuyển giao công nghệ

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tìm kiếm, đầu tư đổi mới công nghệ. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã phát triển, lớn mạnh nhờ đổi mới công nghệ, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp chưa thật sự cởi mở, chia sẻ nhu cầu về công nghệ. Do đó, cần có các giải pháp phù hợp để phát triển thị trường công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin nhanh hơn.


Dây chuyền sản xuất thuốc khép kín của Công ty cổ phần Tra-phaco. Ảnh: THU TRANG

 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều địa phương đã thành lập sàn giao dịch công nghệ, tạo nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, sàn giao dịch công nghệ đã góp phần tăng tỷ trọng giao dịch công nghệ của quốc gia. Hiện, cả nước có 13 sàn giao dịch công nghệ đang hoạt động và một số sàn giao dịch đang trong giai đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm. Trong giai đoạn 2015 - 2018, số lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ đạt trung bình 3.000 hợp đồng/năm, tăng 12%/năm, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các sàn giao dịch công nghệ ở địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã chủ động nghiên cứu mô hình tổ chức hoạt động kết nối cung, cầu công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… để áp dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Ðến nay, Bộ đã tổ chức 10 kỳ hoạt động trình diễn và kết nối cung, cầu công nghệ tại các vùng trên cả nước. Qua đó, đã tiếp nhận 760 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp; tìm kiếm và cung cấp 3.100 thông tin về nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp; trình diễn và giới thiệu 2.898 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm; hỗ trợ kết nối 129 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp. Tại sự kiện "Trình diễn, kết nối cung, cầu công nghệ" (Techdemo) năm 2019 vừa qua, đã tạo cơ hội các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các công nghệ tiên tiến, với 12 thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ được kết nối thành công, phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động nhờ đổi mới công nghệ, như: Tập đoàn Sao Mai (An Giang) làm chủ công nghệ tinh luyện phụ phẩm mỡ cá tra thành các loại dầu thực phẩm và dầu công nghiệp, giúp tăng thêm 800 tỷ đồng giá trị sản phẩm mỗi năm; Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) ứng dụng quy trình tách tinh dầu dừa tinh khiết, tăng giá trị sản phẩm gấp bốn lần; Tập đoàn Việt Nam Food (TP Hồ Chí Minh) đổi mới công nghệ để sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm, giúp giảm một phần ba giá thành sản phẩm…

Tuy đã tạo được nền tảng cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nhưng theo Bộ KH&CN, hoạt động nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa cởi mở trong việc chia sẻ nhu cầu cần cải tiến, đổi mới công nghệ do chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động hỗ trợ của Nhà nước hoặc chưa thật sự tin tưởng vào việc hỗ trợ có thể giúp doanh nghiệp giải quyết ngay các vấn đề về công nghệ đang gặp phải. Cũng có doanh nghiệp không muốn công bố thông tin về công nghệ, thiết bị do lo ngại việc đối thủ cạnh tranh tiếp cận công nghệ như mình. Ngoài ra, các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu có kết quả nghiên cứu chưa dành sự quan tâm và nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động ứng dụng, thử nghiệm công nghệ tại doanh nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Vũ Anh Tuấn cho rằng, để tạo cú huých cho thị trường công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, cần xây dựng các sàn giao dịch công nghệ cấp quốc gia tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng với vai trò là tổ chức dịch vụ KH&CN. Khi đó, sẽ đẩy mạnh liên kết sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các sàn giao dịch trong nước và quốc tế, giữa các sàn giao dịch cũng cần trao đổi thông tin với nhau. Công tác truyền thông KH&CN cần được tăng cường nhằm cung cấp thông tin về các hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển công nghệ tới doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục cùng các bộ, ban, ngành hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cũng cần tham gia vào các chương trình đổi mới công nghệ của Bộ đang triển khai. Bộ cũng hỗ trợ các điểm kết nối cung, cầu tại các địa phương thông qua các giải pháp như: cung cấp cơ sở dữ liệu chuyên gia và nguồn cung công nghệ, hỗ trợ triển khai các sự kiện tư vấn trực tuyến, phối hợp triển khai các đoàn tư vấn tại địa phương.

Liên kết nguồn tin: https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42500402-tao-nen-tang-cho-hoat-dong-chuyen-giao-cong-nghe.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3729

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)