Thứ tư, 26/02/2020 16:46 GMT+7

VKIST: Những bước khởi đầu

Dù đã chứng thực được thành công ở quốc tế nhưng để một mô hình quản lý khoa học mới vận hành hiệu quả ở Việt Nam, cần phải tăng cường những kết nối và đồng hành nhiều hơn giữa các bộ, ngành.

Một số nhà khoa học và các công ty ở khu vực Nam Trung Bộ đang tìm hiểu và trao đổi thông tin với cán bộ VKIST về hoạt động của VKIST. Ảnh: Bảo Như
 

Đó là điều mà Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) đang nỗ lực thúc đẩy, qua đó hình thành một cơ chế mới thông thoáng hơn cho chính các hoạt động của Viện trong tương lai gần.

Cuộc họp lần thứ tư Hội đồng Viện VKIST vào ngày 14/2/2020 không chỉ tổng kết hoạt động của VKIST kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11/2017 mà còn là cơ hội để Bộ KH&CN, các bộ ngành liên quan và hội đồng VKIST đánh giá và nhận diện những vấn đề cần giải quyết để VKIST có thể phát huy hiệu quả của mình như Viện KIST, mô hình quản lý khoa học nguyên mẫu ở Hàn Quốc.

Điểm thuận lợi nhất của VKIST là nhận được sự hỗ trợ hết mức của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc như lời chia sẻ của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại phiên họp: “Bên lề chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hàn Quốc vào tháng 11/2019, tôi đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Choi Kiyoung và nhận thấy Hàn Quốc cũng coi đây là dự án mẫu mực nhất của mình ở ngoài nước. Do đó, hai bên cùng nhất trí quyết tâm thúc đẩy VKIST thành công”.

 

Đánh giá chung tại kỳ họp lần thứ tư Hội đồng Viện VKIST ngày 14/2/2020 Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng Viện đã đạt được những bước đi đầu tiên “rất quan trọng và bài bản”. Có thể nhìn thấy rõ điều đó ngay từ hoạt động hành chính hay khâu tuyển dụng của VKIST mà ông đã đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ và bộ phận hành chính phải học theo “cách làm minh bạch, tuyển dụng được cán bộ tốt” của VKIST. Ông cũng đánh giá cao “chủ thuyết, sứ mệnh xuyên suốt của Viện là tìm ra giải pháp cho khối công nghiệp” và Viện đang từng bước nối với khối công nghiệp và toàn cầu. Ông tin rằng “đây sẽ là mẫu hình” cho nhiều viện khác học tập để “hướng [ứng dụng cho] các ngành và hướng công nghiệp”. “Chúng ta sẽ học được rất là nhiều từ mô hình này”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
 

Trên thực tế, VKIST đã nhận được sự ủng hộ hết mình của Bộ Khoa học và Công nghệ, có lẽ là nơi mong muốn mô hình quản lý khoa học mới này phát huy hiệu quả sớm nhất và thực hiện những kết nối với doanh nghiệp Việt Nam cũng như quốc tế để đưa các sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. Đơn cử, ngay tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cử người hỗ trợ các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ như hình thành quy định về chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp, đăng ký giải pháp hữu ích… để chuẩn bị sớm cho tương lai. TS. Kum DongWha, Viện trưởng VKIST, cho biết, “tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt của Bộ, Bộ mời nguyên Thứ trưởng Trần Việt Thanh làm cố vấn để giúp tôi hiểu được những vấn đề khác biệt trong quản lý ở Việt Nam để kịp thời điểu chỉnh”.

Khác biệt giữa hai hệ thống

Tuy nhiên, chính những điểm quá mới mẻ của một mô hình quản lý như VKIST với những điểm khác biệt về cơ chế đầu tư, thủ tục hành chính, cách vận hành so với những mô hình quản lý của khối nhà nước, tư nhân đang tồn tại ở Việt Nam, lại là nguyên nhân dẫn đến khó khăn mà VKIST đang phải đối mặt. Nhìn rộng hơn, đó là sự khác biệt vốn có giữa các hệ thống quản trị quốc gia của Việt Nam và Hàn Quốc nên để VKIST – vốn hình thành trên những đặc điểm phù hợp với Hàn Quốc, có thể vận hành tốt ở Việt Nam, cần có khoảng thời gian “chuyển pha” nhất định. Không né tránh nguyên nhân này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã chỉ ra “những khác biệt trong hoạt động là do sự không tương thích hoàn toàn giữa thể chế của Hàn Quốc với Việt Nam”.

Đây là lý do chính mà trong mấy năm qua, VKIST tìm cách thoát khỏi những khó khăn chưa lường hết, ví dụ khó khăn trong tuyển dụng: muốn tuyển được những trưởng nhóm nghiên cứu có thực lực, trong đó ưu tiên những người từng có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, làm việc cho doanh nghiệp bởi muốn phát triển theo hướng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhưng lại vướng ở khâu lương bổng. TS. Kum DongWha cho biết, “dù mong muốn của Viện là trả lương bằng 2/3 lương ở khối doanh nghiệp và ít nhất là trả lương bằng gấp đôi so với mức lương của nhà nước trả nhưng vẫn phải tôn trọng quy định chung của Việt Nam”. Chủ trương của lãnh đạo Viện là “phải trả lương vào khoảng 2000 – 3000USD cho mỗi trưởng nhóm nghiên cứu, trưởng phòng thí nghiệm”. Ngoài “mức lương cứng” mà VKIST chi trả theo ngân sách được giao, thì VKIST có quyền chủ động sử dụng kinh phí riêng của Viện để trả “lương tăng thêm” tương ứng với chức danh và đóng góp của cán bộ tới mức nào. TS Kum DongWha và các nhà khoa học trong Hội đồng viện cũng lưu ý, ngay cả KIST ở Hàn Quốc cũng nhận được 100% kinh phí chi trả cho toàn bộ hoạt động trong những năm đầu.

Vấn đề này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cùng VKIST bàn bạc để tìm hướng giải quyết từ năm 2019 thông qua việc thành lập một tổ công tác gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ cùng với VKIST làm việc về vấn đề lương bổng ở Viện VKIST. Có mặt tại phiên họp, bà Nguyễn Thùy Linh, chuyên viên của Bộ Tài chính gợi ý “quan trọng là Viện phải đưa ra được quy chế chi tiêu nội bộ đối với các chức danh và có sự đồng thuận nội bộ với quy chế đó...”, đồng thời vận dụng Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Theo quan điểm của ông Lê Việt Anh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì hệ số lương của cán bộ nghiên cứu ở VKIST sẽ cần được điều chỉnh và thậm chí viện “phải mạnh dạn đề xuất đột phá để thu hút người tài. Tôi đồng thuận với Bộ Tài chính là chúng ta cần phải dựa vào các cơ sở pháp lý nhưng ở đây chúng ta cũng phải mạnh dạn đề xuất để tạo điều kiện cho các cán bộ của Viện yên tâm làm việc”.

Nhưng khó khăn mà VKIST phải đối mặt không chỉ là lương bổng, như lời bình luận của TS. Kum DongWha là “lương chỉ quyết định một phần vào thành công của Viện”, đó còn là những thủ tục hành chính theo quy định của nhà nước trong quản lý đề tài, nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ. Thông thường, việc xây dựng các nhiệm vụ của ngành khoa học dựa trên Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Vậy với các nhiệm vụ của VKIST, sẽ chiểu theo quy định nào? Theo ý kiến của TS. Kum DongWha, sẽ cần có phí quản lý nghiên cứu giống như các trường đại học ở châu Âu, Mỹ (overhead system), chuyên cho bộ phận quản lý hoàn thành thủ tục giấy tờ để cán bộ nghiên cứu có điều kiện tập trung vào công việc chuyên môn”. Với việc áp dụng này, VKIST sẽ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đề xuất phương thức quản lý khoa học theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên cách tính “overhead” liệu có khả thi trong điều kiện ở Việt Nam hay không cũng là vấn đề GS.TS Trương Nam Hải (Viện Công nghệ sinh học) băn khoăn bởi nếu chiểu theo các nghị định và thông tư hướng dẫn quản lý khoa học thông thoáng nhất hiện nay, “các đề tài vẫn không vận hành theo cách quản lý đề tài cũ”. Vì vậy, dù nhắc đi nhắc lại rằng “mong muốn VKIST thành công để chứng minh mô hình quản lý này theo thông lệ quốc tế là hợp lý và khả thi ở Việt Nam” nhưng bằng kinh nghiệm quản lý nhiều năm ở Viện Công nghệ sinh học, GS.TS Trương Nam Hải nhấn mạnh tới khả năng cách chi “overhead” sẽ khó triển khai và phải tìm cách “thay đổi căn bản cách quản lý đề tài hiện nay” để giải quyết. Do đó, các thành viên Hội đồng cho rằng, “Viện VKIST phải có cơ chế ‘riêng’ để nối quy định trong Thông tư 55 với phương thức áp dụng thành công ở quốc tế” .

Với mong muốn tìm hướng giải quyết khả thi, bà Nguyễn Thùy Linh (Bộ Tài chính) cũng lưu ý, để góp phần giải quyết vấn đề, “trong năm tới Viện cần tích cực hơn như cần phải có quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng phải linh hoạt hơn, nếu vẫn theo cách làm chung hiện nay thì có thể không đảm bảo hoạt động của Viện theo đúng kế hoạch”.

Từng bước xây dựng môi trường mới

Không chỉ có giới khoa học mong chờ ở mô hình này, trên thực tế VKIST là một biểu tượng của quyết tâm chính trị giữa hai cơ quan quản lý khoa học, hai Chính phủ Việt Nam – Hàn Quốc. Do đó, giải quyết được những khó khăn thông qua một cơ chế thông thoáng cho VKIST không chỉ đơn thuần là câu chuyện riêng của Viện để sớm hoạt động hiệu quả mà còn là tạo ra một “cửa ngõ” mới “nhận các kinh nghiệm quản lý khoa học công nghệ từ Hàn Quốc” như GS.TS Lê Huy Hàm nhận định.

Song song với tiến trình tìm những giải pháp về cơ chế mới như vậy, VKIST đã chủ động tiến hành nhiều công việc về cả nhân sự và nghiên cứu. Năm 2019, Viện tổ chức bốn khóa tập huấn ngắn và dài hạn nhằm nâng cao năng lực, chuẩn bị cho việc vận hành mô hình viện tự chủ rất mới này, trong đó có các nghiên cứu viên chính, các cán bộ hành chính của VKIST và một số cán bộ quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính sang Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu nòng cốt dưới sự dẫn dắt của các trưởng nhóm mới được tuyển dụng, đều là những nhà nghiên cứu xuất sắc và có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài hoặc doanh nghiệp nhiều năm, đã ngay lập tức bắt tay vào thực hiện các nghiên cứu ban đầu nhằm phục vụ giới công nghiệp. Trong thời gian chưa hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu ngay tại Hòa Lạc, các nhóm nghiên cứu của VKIST đã khởi động và sử dụng Phòng thí nghiệm “VKIST on site laboratary” tại Viện KIST (Gangneung, Hàn Quốc) hoặc hợp tác sử dụng phòng thí nghiệm thuộc một số viện nghiên cứu và doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Mặc dù mới bắt đầu không lâu nhưng một số đề tài của VKIST đã có kết quả bước đầu khả quan. Chẳng hạn, TS Phương Thiện Thương đã xác định được hai hợp chất quan trọng là darutosite và 16-o-acetyldarutoside trong dự án có tính ứng dụng rất lớn “Phát triển sản phẩm từ bài thuốc cổ truyền Việt Nam điều trị bệnh gút, viêm khớp và đau” cho công ty dược Thanh Hóa. Hay dự án “Phát triển quy trình chiết xuất và tinh chế curcuminoids tự nhiên từ củ nghệ cho năng suất cao và phân biệt curcuminoids tự nhiên với tổng hợp” của TS Vũ Văn Hà cũng đã phân lập được curcuminoids với năng suất cao lên tới 80% và độ tinh khiết trên 90% và có thể chuyển giao quy trình công nghệ chiết xuất này cho một công ty dược Bắc Ninh.

VKIST được khởi động từ 2017, tập trung vào hai lĩnh vực chính, rất nhiều tiềm năng của Việt Nam là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, đồng thời thiết lập một cơ chế hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp cũng như các viện nghiên cứu.

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/vkist-nhung-buoc-khoi-dau/20200220091154992p1c785.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2494

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)