Thứ sáu, 24/07/2020 22:26 GMT+7

Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Sáng 23-7, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình dự Hội nghị.

Hội nghị tổng kết chương trình.

Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) giao Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2013-2018. Chương trình tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến 30-6-2020 theo Quyết định số 1044/QĐ- BKHCN ngày 26-4-2018 của Bộ KH và CN.

Theo đó, chương trình có bốn mục tiêu cơ bản: Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế-xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; đề xuất, chuyển giao các giải pháp KH và CN phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, chương trình đã thực hiện các nội dung cơ bản: Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học, mô hình phát triển bền vững vùng Tây Bắc; nghiên cứu cơ sở khoa học của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho các tiểu vùng và liên vùng; Nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao các giải pháp KH và CN phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai vùng; nghiên cứu xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực… Các đại biểu cũng đề xuất cần tiếp tục thực hiện chương trình Tây Bắc nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH và CN phục vụ phát triển bền vững.

Theo PGS TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, sau bảy năm triển khai thực hiện, chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc. Toàn bộ đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là vùng có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc. Nằm trên hành lang kinh tế bắc - nam thuộc hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng; là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền tây Trung Quốc; nhiều cửa khẩu với nước láng giềng có thị trường lớn; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, Tây Bắc cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển các ngành kinh tế như nông, lâm nghiệp; thủy điện; khoáng sản; du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; là vùng có địa hình núi non hiểm trở, chia cắt; đường biên giới dài, khó kiểm soát; thời tiết diễn biến thất thường, tai biến thiên nhiên thường xuyên xảy ra cùng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Quy mô của nền kinh tế và thị trường của vùng còn nhỏ, lại bị chia cắt bởi địa giới hành chính và sự quy hoạch chưa đồng bộ; năng lực cạnh tranh thấp; nguồn nhân lực thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; trình độ quản lý của các địa phương còn nhiều yếu kém trong khi thiếu một cơ chế thống nhất điều tiết và kết nối toàn vùng; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp... Đặc biệt, nhiều nguồn lực phát triển bền vững của vùng chưa thật sự được khơi dậy và phát huy đúng mức, có hiệu quả, trong đó có nguồn lực KH và CN.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả mà chương trình đạt được từ 55 đề tài và ba dự án thử nghiệm sản xuất, đã được nghiên cứu và kịp thời chuyển giao tới một số Ban, Bộ, ngành, UBND 14 tỉnh và các doanh nghiệp trong vùng Tây Bắc. Tổng kết chương trình là cơ hội để đánh giá toàn diện về những mặt đã đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế bộc lộ trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời cho rằng, mặc dù có sự đầu tư khá tốt cho nghiên cứu ở giai đoạn 2013-2020, nhưng một số nghiên cứu vẫn còn mang tính hàn lâm; hiểu biết về vùng chưa hoàn toàn sâu sắc; các mô hình được xây dựng và triển khai chưa có đủ thời gian để phát huy hết các giá trị; chưa đủ thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai xây dựng các dự án chuyển giao có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp theo hướng vùng và liên kết vùng. Những nhiệm vụ trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp đã và đang triển khai cần có thêm thời gian để tiếp tục phát triển và mở rộng, phát huy giá trị của các đóng góp KH và CN.

Kết quả đạt được của chương trình trong giai đoạn vừa qua cũng cho thấy Tây Bắc là một trong những vùng mà thực tiễn phát triển đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp. Đó là hiện tượng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do khai thác, sử dụng không hiệu quả tài nguyên, nhất là khoáng sản; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nhất cả nước; chất lượng nguồn nhân lực còn ở mức thấp; nơi các tệ nạn xã hội và tội phạm buôn lậu ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu qua biên giới… gia tăng nhanh chóng. Địa bàn cũng luôn ẩn chứa những nguy cơ dẫn đến sự kỳ thị, chia rẽ, xung đột để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ và an ninh quốc gia… Điều này cho thấy, việc tiếp tục tổ chức, triển khai nghiên cứu là xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của vùng và sự phát triển bền vững của Tây Bắc cũng chính là sự phát triển bền vững của cả nước.

Thời gian triển khai chương trình giai đoạn vừa qua còn ngắn, trong khi địa bàn triển khai lớn, nhiều khó khăn phức tạp. Chính phủ, Bộ KH và CN cùng Bộ Tài chính cần xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm KH và CN vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần huy động đa dạng các nguồn lực, cả trong nước và quốc tế; cần phải xác định rõ cơ chế phối hợp đề lồng ghép các đề tài, dự án của chương trình Tây Bắc với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, đặc biệt từ nguồn lực hợp tác quốc tế...

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.com.vn/science-news/ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-phat-trien-ben-vung-vung-tay-bac-609718/

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 2643

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)