Thứ ba, 03/11/2020 11:15 GMT+7

Dấu ấn tôn vinh các nhà khoa học trong hành trình 15 năm Dân trí

Cùng với sự phát triển của báo Điện tử Dân trí trong 15 năm qua, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã vinh danh nhiều nhà khoa học lớn, với những dấu ấn đặc biệt.

Ngay sau khi báo điện tử Dân trí được thành lập thì Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (tiền thân là Cuộc thi Nhân tài Đất Việt) cũng chính thức được phát động bởi sự khởi xướng của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam. Cuộc thi lúc đó nhằm phát hiện và tôn vinh những tài năng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) là người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài, ở mọi lứa tuổi… 

Năm 2005, cuộc thi Nhân tài Đất Việt lần đầu ra mắt đã ghi dấu ấn khi có sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng với việc vinh danh xứng đáng những anh tài trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
 


 

Cuộc thi năm 2005 không có giải nhất mà theo cách lý giải của GS. VS Nguyễn Văn Hiệu – Chủ tịch Hội đồng chung khảo “vì đây là cuộc tôn vinh nhân tài thực sự. Cuộc thi này mở màn cho những cuộc thi tiếp theo được tổ chức hàng năm và nó là cái đích để những nhân tài thực sự vươn tới. Chúng tôi mong muốn những nhân tài thật sự cần cố gắng hơn nữa để được tôn vinh xứng đáng. Nhân tài của Việt Nam phải xứng đáng là nhân tài của cả thế giới”.

 Sau sự thành công đó, cuộc thi Nhân tài Đất Việt lập tức gây được tiếng vang lớn và thu hút được nhiều tài năng trong và ngoài nước đăng ký dự thi ở các năm tiếp theo.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc thi này khi xuất hiện tại đêm trao giải để vinh danh những “Nhân tài Đất Việt”.

Năm 2009, bước sang tuổi thứ 5, cuộc thi Nhân tài Đất Việt được đổi tên thành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sau khi Ban tổ chức mở rộng thêm lĩnh vực Khoa học tự nhiên dành cho đối tượng là các nhà khoa học hoặc nhóm khoa học đã hoàn thành những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhưng chưa được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước hoặc các giải thưởng quốc tế tương đương.

Công trình tham gia thuộc các ngành khoa học tự nhiên: Toán học, Cơ học, Vật lý, Hoá học, Các khoa học về sự sống, Các khoa học về trái đất (gồm cả biển) và môi trường, và các lĩnh vực khoa học liên ngành hoặc đa ngành của hai hoặc nhiều ngành nói trên. Đây cũng chính là tiền đề để xã hội tôn vinh và biết đến những nhà khoa học đầy đam mê, có sự cống hiến lớn cho đất nước.

Cùng nhìn lại chặng đường tôn vinh này:

Năm 2009:  Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Khoa học Môi trường được trao cho Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục môi trường, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, xuất sắc với công trình xây dựng 8 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam trong một thời gian rất ngắn.

Dựa trên cơ sở nghiên cứu rừng ngập mặn và áp dụng tư duy hệ thống, ông đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về thiết lập và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Dựa vào những nguyên lý cơ bản, có tính định hướng trong nghiên cứu sinh quyển và các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, ông đã thành công trong việc xây dựng 8 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam trong một thời gian rất ngắn và đã được UNESCO/MAB công nhận.  

Ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển quốc tế, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Uỷ viên Ban tư vấn cho Tổng Thư ký UNESCO về các Khu dự trữ sinh quyển. Việc thành lập 8 Khu dự trữ sinh quyển đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam về lĩnh vực này trên thế giới.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Công nghệ sinh học được trao cho Giáo sư Lê Trần Bình, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ sinh học nanô, trường Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã hoàn thành xuất sắc các công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào thực vật và công nghệ gen.

Lê Trần Bình chủ trì nhiều hướng nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực công nghệ tế bào thực vật. Các nghiên cứu này tập trung theo các hướng sau: Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô trong nhân giống cây trồng, nghiên cứu tăng cường tính chống chịu của thực vật đối với ngoại cảnh bất lợi bằng công nghệ tế bào và công nghệ gen, nghiên cứu sản xuất vaccine tái tổ hợp bằng thực vật chuyển gen.  

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Toán học được trao cho Giáo sư Tiến sỹ khoa học Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tác giả đã hoàn thành xuất sắc các công trình nghiên cứu về Đại số giao hoán.

Phần lớn các kết quả đạt được của tác giả đều rất cơ bản và mang tính tiên phong. Phương pháp nghiên cứu thường phối hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực toán học khác. Các công trình của tác giả không những đã giúp giải quyết các vấn đề của chuyên ngành Đại số giao hoán mà còn có ứng dụng trong cả những chuyên ngành khác như Hình học đại số, Tô pô đại số, Tổ hợp, Đại số máy tính, Quy hoạch nguyên. Vì vậy, các kết quả đạt được thường gây được sự chú ý sau khi công bố và được nhiều nhà toán học quan tâm nghiên cứu và sử dụng.

Năm 2010: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên về Vật lý được trao cho GS. TS Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân với công trình "Cụm các công trình nghiên cứu phản ứng hạt nhân".

Năm 2011: Giải thưởng Khoa học Tự nhiên Việt Nam thuộc về 2 nhà khoa học GS.TS Trần Đức Thiệp và GS.TS Nguyễn Văn Đỗ - Viện Vật lý, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân".
 


 

Hai nhà khoa học đã tiến hành thành công các nghiên cứu về phản ứng hạt nhân với nơtron, phản ứng quang hạt nhân, quang phân hạch và các phản ứng hạt nhân khác có cơ chế phức tạp trên các máy gia tốc như máy phát nơtron, Microtron và các máy gia tốc thẳng của Việt Nam và Quốc tế. Các nghiên cứu này đã góp phần làm sáng tỏ cấu trúc hạt nhân và cơ chế phản ứng hạt nhân, đồng thời cung cấp nhiều số liệu hạt nhân mới có giá trị cho Kho tàng số liệu hạt nhân.

GS.TS Trần Đức Thiệp và GS.TS Nguyễn Văn Đỗ đã khai thác hiệu quả hai máy gia tốc đầu tiên của Việt Nam là máy phát nơtron NA-3-C và Microtron MT-17 trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nhân lực. Trên cơ sở các thiết bị này, hai nhà khoa học đã tiến hành thành công những nghiên cứu cơ bản thực nghiệm đầu tiên về phản ứng hạt nhân ở Việt Nam; nghiên cứu và phát triển các phương pháp phân tích hạt nhân hiện đại và áp dụng thành công ở Việt Nam.

 Năm 2012: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực khoa học ứng dụng vinh danh “Cụm công trình điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên - thoát lũ ra biển Tây” của cố GS.TS Nguyễn Sinh Huy và PGS.TS Hồ Văn Chín - Viện Địa lý và Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cộng sự.


 

Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây của giáo sư Huy là một tư duy khoa học đầy sáng tạo. Và công trình nghiên cứu này đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ và đề ra trong đường lối “Chung sống với lũ“ ở đồng bằng sông Cửu Long năm 1997. Cho đến nay công trình Thoát lũ ra biển Tây vẫn đứng vững và phát huy hiệu quả. 

Năm 2013: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học ứng dụng vinh danh PGS.TS Hồ Văn Chín - Viện Địa lý và Tài nguyên TP Hồ Chí Minh thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cộng sự Nguyễn Sinh Huy, Phùng Trung Ngân, Lê Văn Tự, Đoàn Cảnh, Võ Đình Ngộ và Phạm Công Luyện với cụm công trình: “Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980 - 1987”.
 


 

Công trình nghiên cứu đồng bộ và toàn diện về Đồng Tháp Mười, đã có đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười 1987 - 1997 của Chính phủ.

Năm 2014: Giải thưởng trao tặng cho TS. Hoàng Đức Thảo và các cộng sự với công trình “Nghiên cứu ứng dụng hào Kỹ thuật bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn trong ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị Việt Nam”.

Công trình này đã được hội đồng khoa học đánh giá cao về giá trị thực tế, đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước.Sau nhiều năm, hiện công trình vẫn đang được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại nhiều đô thị trong cả nước. Năm 2013, Cty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSADCO) - đơn vị thực hiện công trình này đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng giải thưởng Wipo dành cho doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2013.

Hào kỹ thuật bê tông cốt thép đúc sẵn thành mỏng có các vách ngăn để tạo ra các ô rãnh để bố trí lắp đặt phù hợp các hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, có khả năng chống thấm nước, chống xâm thực, chống ăn mòn, khả năng chịu lực cao được sản xuất với chi phí thấp.

 Năm 2015: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vinh danh công trình: “Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ trong đóng tàu quân sự 12418” của nhóm tác giả: Đại tá, kỹ sư Nguyễn Mạnh Lân – Phó TGĐ Công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Đại tá, Kỹ sư Cao Mạnh Vân, Phó TGĐ tổng Cty Ba Son, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng và các cộng sự.
 


 

Tàu tên lửa theo thiết kế 12418 (ký hiệu - tàu M) do viện AJIMA3 thiết kế là loại tàu chiến tiến công nhanh, có nhiều đặc tính ưu việt. Tàu có chiều dài lớn nhất thân tàu 56,90 m, chiều rộng lớn nhất thân tàu là 13 m. Hệ thống tuabin chính M15Э.1 với công suất 17.420 KW (23700 ml) có thể đảm bảo cho tàu vận tốc tối đa 38 hải lý/giờ, lượng giãn nước lớn nhất 563 tấn.

Tàu hoạt động liên tục trên biển 10 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 4-5, tầm hoạt động tối đa 2.400 hải lý. Trên tàu được trang bị các vũ khí, khí tài chủ yếu, gồm: Tổ hợp tên lửa YHAH-Э; Pháo đối không, đối hải AK-176M; Pháo tự động AK-630M; Tên lửa phòng không vác vai, Tổ hợp Ra đa cảnh giới; Tổ hợp ra đa điều khiển tên lửa…

Năm 2016: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vinh danh công trình Nghiên cứu cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ” của ThS Trần Văn Trà thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen tại Số 18 đường Bồ Xuyên - thành phố Thái Bình.

Nhận thấy ở nước ta hiện nay chưa có một chuỗi dây chuyền chiết lon, đóng hộp từ đồng nào, mà đa phần đều nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Đức, Italia và Trung Quốc với giá thành rất đắt đỏ.

Riêng ở Đức và Italia có một số hãng sản xuất thiết bị, dây chuyền chiết lon và đóng hộp theo công suất 50.000 lon/giờ nhưng giá thành cao, khoảng 4,5 triệu Euro, tương đương 120 tỷ đồng. Của Trung Quốc sản xuất, dù giá thấp hơn nhưng chất lượng, tuổi thọ thấp, tiêu tốn nhiều điện năng và tỷ lệ hao phí sản phẩm cao.

Nung nấu ý định sẽ cải tạo, thiết kế lại chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động, thạc sỹ Trần Văn Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen, đã nghiên cứu, cải tiến, thiết kế chế tạo, đồng bộ hóa thành công chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ, với giá thành giảm gần 3/4 giá thành nhập khẩu.

Năm 2017: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ vinh danh công trình Công trình: "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo". Tác giả: KS Đoàn Ngọc Hiệp, ks Nguyễn Văn Thắng đến từ Xí nghiệp 23, Nhà máy Z199, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

Nghiên cứu thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo có tính thực tiễn cao góp phần đảm bảo Quốc phòng - Anh ninh, tạo ra được sản phẩm mới có chất lượng tốt đủ điều kiện để sử dụng quan sát phát hiệu mục tiêu trong đêm tối cho các lực lượng biên phòng tuần tra biên giới hoặc cho bộ đội canh gác bảo vệ ở khu vực biển.
 


 

Sản phẩm kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo hoạt động theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng mờ trên cơ sở ống khuếch đại ánh sáng được chế tạo trong nước.

Giải pháp thiết kế đã được chế thử thành công và đã được sản xuất loạt để trang cho một số đơn vị làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, biển, đảo. Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của quân đội trang bị cho Hải quân, Biên phòng Kết quả cho thấy giải pháp này có thế áp dụng cho sản xuất loạt lớn trong thời gian tới.

Năm 2018: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã góp phần tôn vinh nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam, những tấm gương sáng về sự cống hiến và hy sinh vì khoa học.

Năm 2018, Hội đồng Khoa học của Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Vifotec đã giới thiệu tới Giải thưởng những nhà khoa học xuất sắc, có công trình nghiên cứu đem lại nhiều lợi ích cho xã hội trong lĩnh vực Khoa học công nghệ và công trình: "Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hoá đồng bộ sử dụng đất giàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để nâng cao năng suất khai thác đạt công suất cao kỷ lục tại Công ty Cổ phần Than Hà Lầm- Vinacomin" của Tác giả: KS Lê Minh Chuẩn và các cộng sự - Công ty cổ phần Than Hà Lầm- Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam đã được vinh danh.
 


 

Xuất phát từ thực tiễn cũng như mong muốn nâng cao năng suất khai thác đạt công suất cao kỷ lục, nhóm tác giả gồm 12 người là lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp than Khoáng sản Việt Nam (TKV), lãnh đạo Công ty Cổ phần than Hà Lầm cùng với đội ngũ kỹ sư đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng công trình áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để tại Công ty Cổ phần than Hà Lầm.

Sau 3 năm dày công nghiên cứu cùng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, công trình trên được hoàn thành, đi vào hoạt động và đã khẳng định được tính ưu việt. Mới đây, với đầy đủ các yếu tố được hội tụ như: Tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế, hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả xã hội... niềm vui đối với nhóm tác giả cho ra đời công trình này dường như còn được nhân lên gấp bội khi “rinh” được giải WIPO 2017. 

Năm 2019: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Khoa học Công nghệ trao cho công trình “Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR - 152 thành xe thiết giáo cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hoà bình” của Tiến sỹ Trần Hữu Lý, đơn vị: Viện kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng.
 


 

Từ nhiệm vụ được giao, các cán bộ của Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, đứng đầu là Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý đã vượt qua mọi khó khăn để cải hoán xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Xu Đăng. Giải pháp độc đáo này đã tiết kiệm hàng triệu USD cho ngân sách Bộ Quốc phòng.

"Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Báo Điện tử Dân trí xin gửi lời cảm ơn chân thành tới hàng triệu độc giả, tổ chức, doanh nghiệp gần xa; trong nước và quốc tế... đã tin tưởng, ủng hộ chúng tôi trong thời gian qua.

Đặc biệt, Báo Điện tử Dân trí xin gửi lời tri ân tới các Doanh nghiệp: VingroupVNPTEcoparkSun GroupAgribankVietinBankSHBVietcombankBV ĐKQT Thu CúcGHVAICTập đoàn ViettelAnBinh BankVietnam AirlinesEco PharmaMinh Tiến CoffeeBệnh viện Đa khoa MEDLATEC...

Trân trọng cảm ơn các Đối tác, Doanh nghiệp đã luôn gắn bó bền chặt, góp phần phát triển Báo điện tử Dân trí trong hành trình 15 năm qua.”


Liên kết nguồn tin: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dau-an-ton-vinh-cac-nha-khoa-hoc-trong-hanh-trinh-15-nam-dan-tri-20200713111023398.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1356

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)