Thứ sáu, 06/11/2020 15:15 GMT+7

Hơn 100 công nghệ, thiết bị tiên tiến tại Techmart Công nghệ sinh học

Hơn 100 công nghệ, thiết bị của 50 doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu đã tham gia Techmart Công nghệ sinh học 2020 trong hai ngày 5 và 6/11 tại Sàn Giao dịch công nghệ TPHCM.

Đây là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN thuộc Sở KH&CN TPHCM tổ chức, nhằm hỗ trợ đưa công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp ra thị trường.

Các công nghệ sinh học tại Techmart lần này khá đa dạng, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác khau từ y tế, nuôi, trồng chế biến thủy hải sản đến môi trường… Một số công nghệ nổi bật có thể kể đến như: công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn, mỡ người; công nghệ nano và công nghệ lượng tử trong chế tạo chế phẩm nano sinh học; công nghệ phát hiện, phân lập, đếm các loại vi sinh vật gây bệnh trong thực phẩm và môi trường; công nghệ thủy phân phụ phẩm chế biến thủy hải sản…
 

Viện Tế bào gốc giới thiệu tại Techmart thuốc tế bào gốc Cartilatist chứa tế bào gốc sống, sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp, thoái hóa đĩa đệm cột sống. Công nghệ sản xuất thuốc đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Ảnh: KA


Bên cạnh đó, Techmart công nghệ sinh học còn giới thiệu những thiết bị như: máy Tách chiết DNA tự động Tigers; tủ an toàn sinh học cấp II; tủ cấy vi sinh; thiết bị xử lý nước nước thải; máy khử khuẩn không khí; thiết bị phun sương khử mùi hôi;… cùng các bộ kit xét nghiệm các bệnh di truyền; bộ kit phát hiện và định danh vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm; bộ kit kiểm tra sản phẩm thủy sản tôm, cá…
 

Thiết bị tách chiết nucleic acid tự động của Trường Đại học Quốc tế dựa trên công nghệ hạt từ, được ứng dụng trong quy trình xét nghiệm phân tử phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ung thư, di truyền. Ảnh: KA
 

Ngoài ra, trong khuôn khổ Techmart còn diễn ra các hội thảo giới thiệu, trình diễn công nghệ và hoạt động tư vấn của các chuyên gia để giúp các đơn vị, doanh nghiệp tìm được những công nghệ, thiết bị phù hợp.
 

Chế phẩm Enzymes của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Yersin dùng để thủy phân phụ phẩm thủy sản thành phân bón hoặc thức ăn gia súc. Ảnh: KA
 

Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, năng lực nghiên cứu, triển khai công nghệ sinh học trong nước hiện nay đã tiến được một bước khá dài. Đó là từ chỗ Việt Nam mới chỉ tiến hành những nghiên cứu đơn giản và thường dừng lại ở phòng thí nghiệm, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu công nghệ cao được thế giới công nhận và nhiều công nghệ đã được đưa vào sản xuất.

“Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu và triển khai công nghệ sinh học của chúng ta vẫn còn hạn chế, trang thiết bị hiện đại phục vụ còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn” – TS Phùng nhấn mạnh và kỳ vọng Techmart Công nghệ sinh học 2020 của TPHCM sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
 

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/lien-hop-quoc-muon-huy-dong-40-trieu-usd-ho-tro-nguoi-dan-mien-trung-sau-lu-lut/20201105093324444p882c918.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1435

TAGS : Techmart
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)