Thứ năm, 26/11/2020 15:35 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ “đặt hàng” nghiên cứu về vật liệu

Phát triển công nghệ vật liệu là cơ hội tất yếu đạt tới công nghiệp hóa hiện đại hóa, vì vậy ông Huỳnh Thành Đạt mong nhận được nhiều đề xuất nghiên cứu mới.

Tại hội thảo "Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tổ chức sáng 25/11, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ngành công nghiệp vật liệu.

Theo Bộ trưởng, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong 4 công nghệ cao được ưu tiên phát triển trong bối cảnh nhu cầu vật liệu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Phát triển công nghiệp vật liệu là cơ hội tất yếu để đạt tới trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu được coi là nền tảng cơ bản để làm chủ sản xuất công nghiệp. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, công nghệ vật liệu mới luôn là hướng nghiên cứu ưu tiên.
 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NX.
 

"Số lượng chủng loại và chất lượng vật liệu phản ánh sức mạnh của nền kinh tế và trình độ công nghệ của quốc gia. Do đó, từ năm 2001, luôn có một chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu vật liệu được ưu tiên, lồng ghép vào các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của quốc gia như Chương trình Công nghệ cao quốc gia, Đổi mới Sản phẩm quốc gia", Bộ trưởng nói.

Ông cho biết, việc nghiên cứu khoa học về công nghiệp vật liệu trong nước đã có nhiều điểm mới. Cụ thể, các loại hình nghiên cứu được triển khai đa dạng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển vật liệu. Các nghiên cứu lĩnh vực vật liệu không dừng ở làm chủ công nghệ, tạo ra những vật liệu mới mà còn gắn với sản phẩm cuối cùng. Đặc biệt, doanh nghiệp trở thành trung tâm, tham gia đối ứng, góp phần đẩy nhanh chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.

Tuy nhiên "năng lực sản xuất nền công nghiệp vật liệu còn thấp, Nhà nước chưa có một nghị quyết hoặc kết luận tổng thể lãnh đạo cụ thể về phát triển ngành công nghiệp vật liệu", Bộ trưởng nói và mong muốn nhận được nhiều đề xuất về phương hướng phát triển công nghiệp vật liệu trong giai đoạn tới.

Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề xuất, giai đoạn tới, khoa học công nghệ cần tập trung phát triển, phát huy tiềm năng các nguồn tài nguyên sẵn có trong nước như Volfram,Titan... "Chúng ta không thể nhập khẩu được hết tất cả các nhiên liệu, chỉ có thể tự chủ nguyên vật liệu mới, dựa trên các vật liệu sẵn có mới xây dựng nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Phát nói.
 

Ông Cao Đức Phát gợi ý nghiên cứu phát huy tiềm năng các nguồn tài nguyên sẵn có trong nước. Ảnh: NX.
 

Ngoài ra, ông cho rằng, việc khai thác và tận dụng vật liệu được hiệu quả khi được áp dụng công nghệ, phương pháp kỹ thuật mới. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp vật liệu của các quốc gia khác, từ đó thực hiện chuyển giao khoa học công nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm.

Chia sẻ quá trình phát triển ngành công nghiệp vật liệu tại Hàn Quốc, TS.Kum Dongwha, Viện trưởng Viện V-KIST cho biết, ngoài tận dụng tiềm năng trữ lượng vật liệu sẵn có, việc xác định khoảng thời gian 'vàng' để làm bước tạo đà phát triển, sức bật cho công nghiệp vật liệu rất quan trọng. "Trong giai đoạn 10 năm từ 1990-2000, Hàn Quốc xác định được đây là thời điểm đã đẩy mạnh nền công nghiệp vật liệu, nhiều doanh nghiệp không ngừng được tạo điều kiện để đầu tư và thu lợi. Đến nay, Hàn Quốc có những tập đoàn hàng đầu phát triển các vật liệu mới như Samsung, LG", ông dẫn chứng và cho rằng giai đoạn 10-25 năm tới chính là thời cơ để Việt Nam bứt phá đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp vật liệu.

TS Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) gợi ý, các đề xuất cần lựa chọn các lĩnh vực vật liệu ưu tiên để tập trung nghiên cứu (chế biến sâu tài nguyên, vật liệu có tính năng đặc biệt), triển khai các Chương trình Khoa học công nghệ về vật liệu, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Đồng thời tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vật liệu.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-dat-hang-nghien-cuu-ve-vat-lieu-4196910.html

 

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 1600

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)