Thứ bảy, 28/11/2020 11:19 GMT+7

Thủ tướng khuyên người khởi nghiệp chấp nhận thử sai

Trong phiên đối thoại chiều 27/11, Thủ tướng với thanh niên và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể thất bại nhưng hãy chấp nhận thử sai.

Phiên đối thoại do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng với Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền Thông... Sự kiện trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020 với chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức" diễn ra tại Hà Nội do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng nhiều cơ quan liên quan tổ chức.

Cuộc đối thoại xoay quanh các vấn đề: chính sách tài chính cho khởi nghiệp; chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; nguồn nhân lực.
 

Thủ tướng phát biểu trong phiên đối thoại. Ảnh: Giang Huy.
 

Trực tiếp điều hành phiên tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có nhiều ràng buộc và hạn chế gây trở ngại cho khởi nghiệp. Diễn đàn này là dịp để lắng nghe, tháo gỡ cơ chế và các vấn đề liên quan khác.

"Tôi tin bộ trưởng, thứ trưởng có mặt hôm nay sẵn sàng trả lời câu hỏi các bạn. Tôi cũng sẽ trực tiếp trả lời để làm sao khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy tốt nhất, nâng cao lời hứa và trách nhiệm của Chính phủ với thanh niên trong khởi nghiệp", Thủ tướng nói.

Đối thoại về chính sách hỗ trợ tài chính cho thanh niên khởi nghiệp, ông Nguyễn Đức Trung, Quỹ đầu tư VinaVenture dẫn ra những điểm hạn chế của nghị định 38, quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể điều 5 của Nghị định quy định về giới hạn đầu tư dưới 50% vốn điều lệ là chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các startup. "Thủ tướng, Chính phủ trong thời gian tới có chỉ đạo, định hướng gì khai thông vấn đề này", anh Trung đặt câu hỏi.

Anh Phan Bá Mạnh, Sáng lập công ty công nghệ vận tải An Vui chia sẻ, hai năm trước đã may mắn gọi vốn thành công, nhưng nhiều doanh nghiệp do vấn đề cơ chế nên phải ra nước ngoài khởi nghiệp, dẫn đến tình trạng "chảy máu" startup. Anh Mạnh đặt câu hỏi về việc môi trường khởi nghiệp Việt Nam hiện nay so với hai năm trước đã đủ hấp dẫn, thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa?

Thủ tướng cho rằng, hệ sinh thái Việt Nam còn nhiều khó khăn, mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên, nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn, đặt ra vấn đề quan trọng để làm sao mở các nguồn quỹ đổi mới sáng tạo này ở trong nước chứ không chảy máu ra nước ngoài. Thủ tướng chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cần chỉ rõ nguyên nhân còn vướng mắc hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng lý giải, Nghị định 38 hướng dẫn Luật Đầu tư cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, sau thời gian thực hiện những quy định như không được hình thành pháp nhân, phải có 30 thành viên trong quỹ, tăng vốn phải tăng thêm dưới 50% vốn điều lệ... không phù hợp. Những lần tăng vốn lần sau không phải vượt 50% mà hàng mấy trăm %, phụ thuộc vào nhà đầu.

"Quy định này khá cứng, áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước và khi thực hiện tạo ra rào cản", ông Tùng nhìn nhận và nói sẽ bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến sửa đổi Nghị định này trong thời gian tới, giải quyết vướng mắc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết sẽ chủ trì sửa đổi quy định này, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Trả lời câu hỏi của nhà sáng lập nền tảng điện tử nông sản FoodMap.Asia, về việc doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nằm ở đâu của cơ chế và Chính phủ có những đặt hàng gì cho các doanh nghiệp này?. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việt Nam chính thức tuyên bố 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ là một "hộ tiêu dùng" lớn của quốc gia. Chính phủ tiêu sài vào đâu thì chỗ đó sẽ phát triển. Đặc biệt, Chính phủ có những ưu tiên "mua sắm" các sản phẩm công nghệ, mua sắm những giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, ưu tiên dùng hàng "made in Việt Nam".
 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trong phiên đối thoại. Ảnh: Giang Huy.
 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện còn nhiều chính sách rời rạc về cơ chế này, cần kết nối lại. Việc đầu tiên nhà nước phải làm là tạo ra thể chế cho chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới.

Ông cũng cho biết, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trung tâm xây dựng chính sách cho công nghệ 4.0, cho các mô hình kinh doanh mới và hợp tác diễn đàn thế giới mới, cam kết là nước thứ 5 trên thế giới, chính thức vận hành vào năm 2021.

Về đổi mới sáng tạo,"dầu mỏ" lớn nhất là tài nguyên dữ liệu, ông cho rằng phải mở dữ liệu đó ra. Mới đây cổng dữ liệu đã khai trương, với 10.000 bộ dữ liệu, là tài nguyên, lượng "dầu mỏ" lớn cho các bạn đổi mới sáng tạo.

Trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho biết, Việt Nam còn 16 năm nữa sẽ tới độ tuổi dân số già. Ông ví đất nước như "cô gái đang xuân sắc", "vì vậy phải cố gắng hết sức trong giai đoạn này", Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, vốn nhân lực là nguồn vốn rất quý của một quốc gia, là tài sản của doanh nghiệp. Để có "nguồn vốn" này thì phải có cách tiếp cận từ bậc phổ thông.
 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhà nói về các giải pháp đào tạo nhân lực. Ảnh: Giang Huy.
 

Ông cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Đề án Giáo dục hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ đã triển khai những giải pháp, đặc biệt là giải pháp các chương trình đào tạo phải gắn với đầu ra như đào tạo kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tiếp cận văn hóa doanh nghiệp, đào tạo ngoại ngữ cũng như chuyển đổi số công nghệ thông tin. "Với những kỹ năng ấy, doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời gian, chi phí đào tạo lại", Bộ trưởng Nhạ nói.

Về việc thu hút nhân tài nước ngoài về Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn cho biết, sau ba năm tổ chức Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã tập hợp một mạng lưới hơn 1.000 trí thức trẻ Việt Nam ở quốc tế để tham gia lực lượng trong nước, hình thành 100 nhóm nghiên cứu chuyên sâu, theo từng lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp.
 

Bạn trẻ đặt câu hỏi với Thủ tướng và các Bộ trưởng. Ảnh: Giang Huy.
 

Thủ tướng đánh giá cao những kết quả của Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức chính trị xã hội, các bộ, ngành trong việc việc thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp. "Cụm từ khởi nghiệp sáng tạo, nội hàm của từ khóa này rất sâu sắc, trong đó chúng ta thêm từ "sáng tạo" - là một thứ tài nguyên mới để chúng ta khởi nghiệp", Thủ tướng nói.

Động viên các bạn trẻ khởi nghiệp, Thủ tướng cho rằng, hành trình đổi mới sáng tạo là điều mạo hiểm thú vị với cả quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân. "Ông bà ta cũng nói: Thất bại là mẹ của thành công, các bạn sẵn sàng chấp nhận thử sai chưa? có vấp ngã thì đứng dậy đi tiếp, không nản chí bởi có câu "có công mài sắt, có ngày nên kim", Thủ tướng nói và khuyến khích các bạn trẻ, doanh nhân trong Ngày hội Techfest đã tạo nhiều việc làm, thúc đẩy khoa học, đưa ra ý tưởng mới để cộng đồng kinh doanh cùng tham gia phát triển khơi nguồn cảm hứng.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-khuyen-nguoi-khoi-nghiep-chap-nhan-thu-sai-4198241.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 592

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)