Thứ ba, 01/12/2020 15:03 GMT+7

Doanh nghiệp cần tham gia trong việc đào tạo nhân lực AI

Một kỹ sư giỏi AI cần 10 năm đào tạo, trong đó 7 năm kiến thức phổ thông, đại học và cần 3 năm trải nghiệm, doanh nghiệp đào tạo thực tế.

PGS. TS Quản Thành Thơ, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) nêu con số này tại Chủ đề này được nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi tại tọa đàm "Hệ sinh thái AI tại TP HCM" trong khuôn khổ diễn đàn AI4VN ngày 28/11.

Theo ông Thơ, AI dần trở thành một nghề, được các trường đại học chú trọng đào tạo. Hiện, TP HCM đang thực hiện đào tạo cho học sinh làm quen với AI ngay ở bậc phổ thông, lộ trình: 3 năm học ở phổ thông, làm quen kiến thức; 4 năm đại học; 3 năm trải nghiệm thực tế sau khi ra trường.
 

PGS TS Quản Thành Thơ nói về thực trạng đào tạo AI tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
 

Chuẩn đầu ra ở bậc đại học là kiến thức, nhận thức và hành vi. Mục tiêu đào tạo là sinh viên tốt nghiệp có thể làm được điều đó từ 3-5 năm sau khi ra trường. Do đó, nhiệm vụ của đại học là đào tạo sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra, còn doanh nghiệp sẽ giúp họ đạt được mục tiêu đào tạo 3-5 năm. Nói cách khác, doanh nghiệp cũng là nhân tố quan trọng trong quá trình đào tạo nhân lực AI.

"Sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ gắn chặt sau 3-5 năm này. Không phải sinh viên ra trường là nhiệm vụ của đại học đã hết", ông Thơ nói.

Hiện có hai loại hình đào tạo AI. Một là đào tạo lực lượng lao động chuyên nghiệp AI, chủ yếu là đào tạo chính quy trong các trường đại học. Hai là các khoá học ngắn cho những người đã đi làm, có xu hướng chuyển sang ngành AI, do nhiều viện, trung tâm đào tạo. Về lâu dài, muốn có một nguồn nhân sự vững mạnh ở ngành này, việc đào tạo ở các đại học là quan trọng.

TP HCM hiện có gần 60 trường đại học, học viện; 35 trường, viện có chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng chỉ có 14 chương trình đào tạo đại học ngành AI, Khoa học dữ liệu và Kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu trên dưới 1.000 sinh viên. Ở bậc sau đại học, hầu hết các trường chưa có chương trình đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ ngành AI, Khoa học dữ liệu hoặc các ngành gần.

Ông Thơ đề xuất đào tạo kết hợp chuyên ngành hoặc liên ngành, cho phép cá thể hoá định hướng học tập dưới sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia. Việc bồi dưỡng và đào tạo nên khuyến khích, phát huy người học trên cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo mỗi định hướng, cần có các môn học và hoạt động chuyên môn phù hợp để hỗ trợ năng lực tư duy, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng xã hội cần thiết cho người học.

"Giảng viên cần được đầu tư cơ chế giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Tất cả các yếu tố này hiện có nhiều khó khăn", ông Thơ cho biết.
 

TS Vũ Hồng Việt, Công ty cổ phần FPT tại toạ đàm. Ảnh: BTC.
 

Ở góc độ doanh nghiệp, TS Vũ Hồng Việt, Công ty cổ phần FPT cho rằng, đại học cần đào tạo cho sinh viên cách làm dự án, thay vì thiên về lý thuyết hàn lâm. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đặt các "đề bài" là các dự án, các trường đại học sẽ nghiên cứu để rút ra các kỹ năng cần thiết giải quyết các chủ đề đó, từ đó mới thiết kế bài giảng. "Cách làm này sẽ bám sát nhu cầu của doanh nghiệp. Đây cũng là thực tế hai năm gần đây chúng tôi làm việc với Đại học trực tuyến Funix trong việc xây dựng học liệu", ông Việt chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Yên Thanh, CEO Busmap cho rằng, hiện đang tồn tại hai hướng học AI, học chắc kiến thức nền mới tới việc học kỹ năng hoặc học cách giải quyết các dự án cụ thể. Hiện, các hệ sinh thái AI đủ đáp ứng cho hai cách học này. Vấn đề quan trọng là sinh viên cần được định hướng đúng hướng đi, phù hợp với năng lực và sở trường.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, trong cuộc Các mạng công nghiệp 4.0, việc hình thành hệ sinh thái công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, nâng cao giá trị kinh tế của mình.

Ba yếu tố quan trọng của hệ sinh thái này gồm doanh nghiệp, trường đại học và cơ quan quản lý nhà nước. Các bên tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một cộng đồng kinh tế AI, cung cấp nguồn cung cấp dịch vụ, sản phẩm có giá trị cho xã hội.
 

Các chuyên gia trong phiên thảo luận ngày 28/11. Ảnh: BTC.
 

Các diễn giả đến từ phía doanh nghiệp cũng giới thiệu nhiều mô hình hệ sinh thái AI tiêu biểu tại các doanh nghiệp được giới thiệu. Với FPT, AI nằm trong chiến lược chuyển đổi số với mục tiêu tăng hiệu quả để giảm chi phí, tối ưu hoá và tự động hoá quy trình, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng doanh thu và nâng cao mức hài lòng của nhân viên. Vai của của AI được xác định là vũ khí công nghệ có tính bất ngờ, đột phá về hiệu suất.

Ông Phạm Thanh Toàn, CEO Mismart giới thiệu nền tảng MiSmart ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. MiSmart sẽ đơn giản hóa nông nghiệp công nghệ cao dựa trên viễn thám, dễ tiếp cận và thiết thực.

Chương trình AI4VN 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, Báo điện tử VnExpress tổ chức, cùng sự đồng hành của các đơn vị tài trợ Australian Aid and Aus4Inovation Programme (Nhà tài trợ Kim cương), VietinBank (Nhà tài trợ Vàng), VinBigdata (Nhà tài trợ Vàng), FPT (Nhà tài trợ Bạc), VIB (Nhà tài trợ Bạc), Phenikaa (Nhà tài trợ Bạc).

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-can-tham-gia-trong-viec-dao-tao-nhan-luc-ai-4198503.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 548

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)