Thứ sáu, 04/12/2020 15:24 GMT+7

TECHFEST 2020: Tư duy mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Với hơn 40 sự kiện lớn nhỏ, 120 cuộc kết nối với sự tham gia của người đứng đầu chính phủ, TECHFEST 2020 được kỳ vọng đi tìm lời giải cho những câu hỏi sau: “Làm thế nào để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đi vào chất lượng?”, “Làm thế nào để 5, 10 năm nữa, Việt Nam có thêm startup kỳ lân? Làm gì để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển cho kinh tế xã hội Việt Nam?

Nghi thức khai mạc TECHFEST 2020.

Chuyển hướng theo trọng tâm trường đại học

Dù không được gọi tên trong suốt 40 sự kiện lớn nhỏ nhưng thông điệp về chuỗi liên kết ba nhà (Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp) đã được lồng ghép trong từng cuộc trao đổi, gặp gỡ. Kể từ TECHFEST đầu tiên được tổ chức vào năm 2015, sau thời gian phát triển chạy theo số lượng thì đã tới lúc hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cần được vận hành theo đúng nghĩa của nó: kết nối, ươm mầm và cho ra lò những startup có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, ý nghĩa và có tự vươn mình cạnh tranh, tồn tại. Để có được điều đó, cần có một chu trình đào tạo bài bản, ươm mầm tinh thần doanh nhân và đào tạo kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên viên từ ghế nhà trường.

Đây là điều mà Việt Nam còn yếu. Theo khảo sát do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện ở 54 quốc gia trong năm 2019 mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung dẫn ra tại Diễn đàn đối thoại với thanh niên khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam đứng thứ 13 về chính sách của chính phủ nhưng chỉ xếp thứ 40 ở chỉ số giáo dục kinh doanh sau phổ thông.

Do đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với các thành phần như thị trường, nguồn nhân lực, vốn và tài chính, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (mentor, cố vấn…), khung pháp lý và cơ sở hạ tầng, các trường đại học…, đều phát triển xoay quanh một chủ thể chính là các startup: làm sao để các startup phát triển, đột phá tạo ra những giá trị có thể thay đổi thế giới, đóng góp cho xã hội. Để kích thích hoạt động này, TECHFEST 2020 đã chọn địa điểm tổ chức là một trường đại học - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung kiến thức khởi nghiệp - thay vì diễn ra ở các trung tâm hội nghị, khách sạn.


Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là sự trải nghiệm mạo hiểm thú vị, đó là quá trình học hỏi tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Ông bà ta đã nói “thất bại là mẹ thành công”. Các bạn đã thử và sai chưa. Tất cả chúng ta hãy hun đúc tin thần khởi nghiệp không sợ hãi. Nếu vấp ngã thì phải đứng dậy đi tiếp vì cha ông ta có câu “có công mài sắt có ngày nên kim”.

Chính phủ sẽ ưu tiên cho việc xây dựng hạ tầng công nghệ, thông tin viễn thông tạo nền tảng cần thiết khuyến khích các ngành kinh tế tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Các tỉnh thành phố, bộ ngành xem xét khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và đề xuất phương án phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc


Và cũng không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ định những người trả lời trong Diễn đàn này đều giữ vị trí chủ chốt về chất lượng nguồn nhân lực tương lai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân – ngôi trường đang rất thành công trong việc hình thành và giảng dạy các môn học về khởi nghiệp, kinh tế số, và Học viện Nông nghiệp Việt Nam – nơi phát triển và làm chủ nhiều công nghệ mới hứa hẹn khả năng trở thành công nghệ lõi của các startup.

Qua những trao đổi, người ta mới biết rằng, Bộ GD&ĐT đang triển khai nhiều hoạt động như đề án 552 – Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025; Đề án 1665 – Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 đã tuyển chọn được 72 ý tưởng tốt của sinh viên, phối hợp với Đề án 844 của Bộ KH&CN tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển…
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng khởi nghiệp. Ảnh: VGP
 

Trong khi đó, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thêm vào chương trình đào tạo các môn học về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mở thêm ngành học mới là kinh tế số, kinh doanh số, xây dựng các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm của cựu học sinh thành công với sinh viên…“Cách đây hai năm, Thủ tướng khi đến thăm nhà trường đã giao nhiệm vụ: chỉ tiêu phản ánh chất lượng đào tạo của trường không chỉ là số lượng sinh viên tốt nghiệp có công ăn việc làm mà phải là sau khi ra trường, các em tạo ra được bao nhiêu việc làm cho người khác, xây dựng được doanh nghiệp. Đó mới là chỉ tiêu đích thực của đào tạo trong thời kỳ chuyển đổi số cùng đất nước vượt qua thách thức” - nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Trần Thọ Đạt nhắc lại.

Tinh thần khởi nghiệp đã được thắp lên như thế. Chị Lê Diệp Kiều Trang – một cái tên đình đám của làng khởi nghiệp, đã mạnh dạn trả lời câu hỏi của Thủ tướng ‘các bạn có sợ thất bại không?”: “Khi khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ có thất bại nhưng nếu có ý tưởng, các bạn hãy mạnh dạn bước ra và đừng quên, chúng ta có cả một cộng đồng và hệ sinh thái hỗ trợ phía sau”.

Tư duy mới về liên kết khởi nghiệp

Khởi nghiệp không còn là những chuyển động bề nổi. Trong những ngày diễn ra, ban tổ chức TECHFEST cố gắng tạo một môi trường đậm đặc chất khởi nghiệp, nơi mà những người có ý tưởng có thể gặp gỡ và trao đổi với các mentor, các nhà đầu tư, dĩ nhiên với những người khởi nghiệp thành công trong và ngoài hệ sinh thái Việt Nam. Hàng chục hội thảo được tổ chức song song với đủ mọi chủ đề, trong đó ở phòng kết nối Việt Nam và Thung lũng Silicon Valley, 12h30 – nghĩa là đã quá thời gian dự kiến tới 30 phút, sinh viên vẫn ở lại rất đông với các diễn giả như anh Hùng Trần GotIt, GS Vũ Ngọc Tâm, anh Nhân Nguyễn – cựu kỹ sư Google, nhà đầu tư thiên thần… và đặt câu hỏi “Làm thế nào để xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường?”, “Sinh viên kinh tế có ý tưởng khởi nghiệp thì nên outsource phần công nghệ hay tìm thêm co-founder?”… Nói như chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Nguyễn Phi Vân, chỉ có ở TECHFEST các nguồn lực mới có cơ hội hội tụ và liên kết với nhau theo cách hữu hình như vậy. Những hoạt động của TECHFEST đã ít nhiều đạt được mục tiêu đó là khơi dậy những suy nghĩ về khởi nghiệp và mong muốn tạo ra những giá trị mới có ích cho cộng đồng.
 

Go Stream trở thành quán quân Techfest 2020.
 

Tuy nhiên, việc hội tụ và liên kết các nguồn lực vẫn còn tản mát trong hệ sinh thái khởi nghiệp là một vấn đề khó thực hiện. “Chúng ta cần có thêm những nhà tư vấn, chuyên gia đào tạo khởi nghiệp. Giờ chúng ta vẫn chưa có đủ, bởi nếu đủ chắc chắn hệ sinh thái đã phát triển tốt hơn bây giờ”- Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhắc nhở.

Để khắc phục “điểm chưa mạnh này”, Đề án 844 đã dành nhiều nguồn lực xây dựng chương trình đào tạo mentor, người cố vấn, chuyên gia,… và trở thành đơn vị trung tâm kết nối các nguồn lực đó. Một giải pháp khác cũng đã xuất hiện ở Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết đã có đề án giao các trường đại học đổi mới từ cách giảng dạy, tiếp cận của giảng viên cho tới nội dung bài giảng, đảm bảo ba bước: Phải biết (biết các chương trình đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đang diễn ra, các đơn vị phụ trách khởi nghiệp…); Có kết nối (Xây dựng mạng lưới liên kết các bộ ngành, kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung…); Tổ chức thực hiện (Mỗi trường xây dựng một trung tâm kỹ thuật hỗ trợ sinh viên có ý tưởng để đánh giá, liên kết, kết nối với doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức tài chính hỗ trợ…).

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang có được một đội ngũ mentor và nhà đầu tư đầy thiện ý. Với các nhà đầu tư, như cách mà shark Nguyễn Mạnh Dũng đã làm nhiều năm nay là đào tạo, tư vấn không công cho các startup để họ có thể gọi được vốn hoặc đơn giản là biết hướng mình đi. “Có nhiều startup đến gặp tôi trình bày ý tưởng. Ban đầu ý tưởng của họ chưa đủ tốt để làm nhưng tôi chấp nhận dành thời gian cho họ một vài năm. Dẫu cho có nhiều người than phiền ăn cơm nhà vác từ và hàng tổng, nhưng nếu mình không làm có thể họ sẽ không có cơ hội để phát triển hơn” – Shark Dũng nói. Tất nhiên, chuyện tư vấn 1-1 như thế cũng phải là những trường hợp founder thực sự khát khao khởi nghiệp mới khiến ‘cá mập’ này tin rằng ‘đào tạo người này không thành công cũng thành nhân”. Ngay sau cuộc gặp gỡ, một startup đã nhanh chóng đến gặp Shark Dũng vừa đi vừa trình bày với anh về ý tưởng của mình.

Niềm hi vọng về kết nối các nguồn lực đã được nhen nhóm. Trong hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, những người Việt trẻ trở về từ Silicon Valley cũng đang gắng đưa văn hóa khởi nghiệp của nước Mỹ về Việt Nam. Bởi nói như chị Nguyễn Ngọc Dung – Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN): ‘Các kỹ sư và doanh nhân Việt ở Silicon Valley là một cây cầu khổng lồ bắc qua Thái Bình Dương nối liền Việt Nam với Hoa Kỳ. Có thể nói những kỹ sư và doanh nhân này là môi trường tự nhiên nhất và là công cụ hiệu quả nhất để đưa chúng ta đến với văn hóa khởi nghiệp của Silicon Valley. Điều đó giúp người trẻ Việt khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng được hưởng thủ văn hóa, cách làm việc như ở Sillicon Valley”.


Lễ vinh danh và trao chứng nhận tham gia Techfest của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) và Hiệp hội Sáng chế Việt Nam cho 4 nhà sáng chế đoạt giải thưởng quốc tế.

Từ 27-29/11, TECHFEST 2020 đã có 40 hoạt động:

- Thu hút trên 6.500 lượt người tham dự trực tiếp, hơn 35.000 lượt xem trực tuyến

- Tạo ra trên 120 phiên kết nối với tổng số tiền quan tâm đầu tư khoảng 14.000.000 USD

- Gần 300 doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã tham gia triển lãm.

- 550 tin bài phát tại hơn 25 quốc gia (Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc,v.v..)


Đã qua 5 mùa Techfest, điểm lại những kết quả chúng ta đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, tôi thấy, các chủ thể trong hệ sinh thái đã làm tương đối tốt vai trò của mình. Nhưng để phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới này, chúng ta cần tập trung vào các hoạt động chính như sau:

Thứ nhất, tập trung phát triển, liên kết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, từ đó khuyến khích và đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh từ khu vực này.

Thứ hai, khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm, sẵn có của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, để hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp sáng tạo.

 

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN

Thứ ba, lấy trí tuệ, con người làm giá trị cốt lõi để đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy và phát triển nguồn lực con người thông qua hệ thống cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo, nghề nghiệp, ... Kết nối và khuyến khích nguồn trí tuệ Việt Nam trên khắp thế giới cùng chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Thứ tư, tập trung hình thành những nền tảng liên kết mới, không gian kết nối mới, những cơ hội mới để có được những thành tựu mới; nhanh chóng hình thành và liên kết chặt chẽ Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, liên kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.

Với sự có mặt tham dự và trực tiếp tham gia các hoạt động của Techfest 2020 ngày hôm nay của các chuyên gia, nhà đầu tư, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước, và đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tôi tin tưởng rằng, các nguồn lực không chỉ được hội tụ tại đây, mà còn được lan tỏa và nhân rộng hơn sau đó. Tôi mong muốn rằng, thông qua TECHFEST 2020, và thông qua việc cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, triết lý về chuyển đổi để bứt phá sẽ được cộng hưởng và đồng hành trong những bước đi tiếp theo.

Trích phát biểu của PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN tại Lễ khai mạc Techfest 2020


Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới

Tôi tin rằng chúng ta có nhiều startup tốt nhưng vẫn dè chừng chưa mạnh dạn phát triển thăng hoa vì thiếu điểm tựa đáng tin cậy. Vì thế, chúng tôi luôn xây dựng các chương trình kết nối doanh nghiệp thành công để chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn thậm chí là sẵn sàng đầu tư cho các startup. Chúng ta cứ hô hào sinh viên chọn con đường khởi nghiệp thì phải chỉ cho họ thấy điểm tựa ở đâu, không thể nói suông được.
 


 

Một vấn đề khác cũng liên quan đến chuyện khởi nghiệp liên quan đến các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học. Thông thương khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu, trách nhiệm của nhà khoa học sẽ kết thúc khi ra được bản báo cáo trước hội đồng.

Tuy nhiên xã hội và nền kinh tế cần những kết quả đó được triển khai và đưa thành sản phẩm vào thực tế. Nếu giao cho nhà khoa học làm thương mại hóa sẽ rất khó, vì đây không phải sở trường của họ. Để làm điều này, Bộ KH&CN đã hình thành chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ hỗ trợ nhà khoa học kiến thực thị trường, điều tra nghiên cứu và kết nối với những người có khả năng kinh doanh và hình thành nên doanh nghiệp khoa học công nghệ với nhiều ưu đãi về thuế và chính sách. Với hình thức này, nhà nước đã giúp kết nối các đơn vị với từng thế mạnh riêng để có được sản phẩm tốt mang ra thị trường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng


Ba mục tiêu trong đầu tư khởi nghiệp công nghệ

Thời gian qua, chúng tôi đã đầu tư vào ba startup là Misfit, Harrison.AI và AREVO. Thay vì đầu tư vào một startup Việt Nam, chúng tôi chọn cách tiếp cận khác, đầu tư vào các công ty công nghệ của nước ngoài, gọi vốn từ thị trường tài chính nước ngoài và đem nó về Việt Nam với đội ngũ nhân sự người Việt. Điều này giúp chúng tôi làm được ba thứ: Một là mở ra cơ hội thu nhập xứng đáng hơn cho trí thức Việt. Hai là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua làm việc với những người nhà khoa học, kỹ sư trên thế giới. Ba là tác động vào các ngành phụ trợ khác phát triển theo lĩnh vực chính.
 


Ví dụ như với Harrison.Ai, chúng tôi tạo ra được một sản phẩm có thể chẩn đoán 124 loại bệnh qua hình ảnh và đã được cấp phép lưu hành trong hệ thống y tế ở châu Âu, Úc, New Zealand. Startup này có thể tham gia vào một lĩnh vực mới trong ngành MedTech Việt Nam với những cơ hội công việc mới cho một nhóm trí thức về y tế.

Hay nếu bạn mua một chiếc đồng hồ thông minh của Fossil Group, thì hãy nhớ rằng, đứng sau lập trình những sản phẩm đó là người Việt Nam, điều mà trước kia không mấy ai tin rằng chúng ta có thể làm được.

Vì thế, với AREVO – startup trong lĩnh vực in 3D bằng carbon fiber, chúng tôi mong tiếp tục mở ra cơ hội học hỏi phát triển mới trong lĩnh vực chế tạo, lắp ráp… để người Việt có thể tiến xa hơn.

Giám đốc tài chính AREVO Lê Diệp Kiều Trang



 

Để thích nghi với trạng thái bình thường mới thì phải có giải pháp chuyển đổi tư duy và mô hình bằng công nghệ, tạo ra bứt phá, lợi ích, mô hình kinh doanh để có thể làm ra tiền nuôi các nhà khoa học. Vì vậy, tôi muốn đặt hàng với các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra các sáng kiến cụ thể để làm sao đó, Đề án 844 xây dựng được chính sách hỗ trợ fintech, đào tạo nguồn nhân lực, hình thành các hub tạo ra các dự án hấp dẫn được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục PTTT và DN KH&CN)


 

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/techfest-2020-tu-duy-moi-trong-he-sinh-thaikhoi-nghiep/2020120310027879p1c785.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 3103

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)