Thứ bảy, 23/01/2021 14:44 GMT+7

Bài 2: Phát triển kinh tế số - chuyển đổi mang tính chiến lược

Tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số chưa được nhắc đến, thay vào đó là khái niệm kinh tế tri thức. Thế nhưng ở các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII, kinh tế số đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Từ kinh tế tri thức tới kinh tế số là một bước chuyển đổi mang tính rõ ràng, cụ thể hơn, dễ định lượng và dễ thực hiện, phù hợp với xu thế hơn.

Kinh tế số đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung (Ảnh tư liệu)

Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/1/2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam” đã đưa ra nhận định: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Do đó, phát triển các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số - các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam - để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tích cực, chủ động đi đầu trong nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ cụ thể nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với tư cách là cơ quan Thường trực của Tổ Biên tập kinh tế - xã hội, Bộ đã tham mưu, cụ thể hóa yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người là hai trụ cột quan trọng, tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4, giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11, giai đoạn 2021-2025 để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường... chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII nhận định “phát triển kinh tế số bước đầu được chú trọng”.

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định tầm nhìn: “Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
 

Chuyển đổi kinh tế số là xu hướng tất yếu của thời đại mới (Ảnh tư liệu)

Theo đó, đến năm 2025 kinh tế số đạt khoảng 20% (GDP). Như vậy nếu GDP Việt Nam năm 2025 đạt khoảng 450 tỉ USD thì kinh tế số phải đạt 90 tỉ USD. Cụ thể hơn, tại Dự thảo báo cáo tổng kết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII, kinh tế số đạt 30% GDP ngang bằng với đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo tạo thành các mũi nhọn của kinh tế.

Để đáp ứng được mục tiêu này, Dự thảo báo cáo tổng kết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII đưa ra nhiều giải pháp để phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; Lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.

Nhiều ứng dụng công nghệ số được sử dụng mạnh mẽ và rộng rãi đặc biệt trong năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh mẽ trên thế giới và cả Việt Nam đã, đang minh chứng một điều về tiện ích của công nghệ này và khả năng của Việt Nam khi phát triển nền kinh tế số trong thực tiễn. Kinh tế số đã có nhiều đóng góp thiết thực trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu, cũng như giúp cho sự điều hành của Chính phủ được thuận lợi nhất. Những diễn đàn hội nghị quốc tế, trong nước đã và đang được tổ chức trực tuyến một cách hiệu quả trong thời gian vừa qua, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động trong nước và quốc tế được diễn ra một cách thuận lợi, thông suốt nhất, không bị dừng, gián đoạn và cũng tránh được sự lây nhiễm của COVID-19.

Sự áp dụng chính phủ điện tử, chính phủ số đã góp phần quan trọng thúc đẩy và hỗ trợ cho nền kinh tế số được phát triển mạnh. Qua đại dịch COVID-19, nhận thức của con người đã và đang thay đổi. Con người đang từng bước vận dụng kỹ thuật số vào trong mọi mặt hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của mình...

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số ở Việt Nam cần có những điều kiện cần thiết về thể chế, bộ máy thực hiện và các nguồn lực để triển khai các đột phá chiến lược. Cần coi số hóa nền kinh tế là động lực đặc biệt quan trọng và chủ yếu cho mô hình tăng trưởng kinh tế mới, và đi liền với đó cần phải thiết lập sớm, đầy đủ và đồng bộ các điều kiện về thể chế, bộ máy thực hiện, môi trường kinh doanh, các nguồn lực và con người để nền kinh tế số có thể phát triển nhanh. Để số hóa nền kinh tế thành công, chất lượng bộ máy quản trị quốc gia là một trong những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trên bốn nội dung: (i) sự hỗ trợ lâu dài của Nhà nước về mặt chính sách; (ii) tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia; (iii) sự đảm bảo môi trường an ninh cho số hóa nền kinh tế; (iv) sự ổn định đối với phát triển nền kinh tế số trong dài hạn. Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Có thể thấy, phát triển kinh tế số, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới. Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số và có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 là một lựa chọn sáng suốt và đúng đắn, là sự vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn phát triển Việt Nam./.

Liên kết nguồn tin: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/146236/Bai-2--Phat-trien-kinh-te-so---chuyen-doi-mang-tinh-chien-luoc.html

Nguồn: http://mic.gov.vn

Lượt xem: 1644

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)