Thứ hai, 26/04/2021 16:10 GMT+7

Vĩnh Phúc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, việc triển khai chương trình nông thôn miền núi tại tỉnh Vĩnh Phúc đã mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện được vai trò của khoa học và công nghệ (KH và CN) trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Người dân đã tiếp cận, làm chủ được công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa.

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế về giao thông, là cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Giai đoạn 2016 - 2020, có 11 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi thực hiện tại Vĩnh Phúc, với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng. Các dự án đã tiếp cận và ứng dụng kịp thời KH và CN như: Chăn nuôi gia súc (bò thịt); phát triển nghề nuôi ong mật trở thành đặc sản; phát triển mô hình thủy sản (cá tầm Xi-bê-ri thương phẩm, cá rô phi nuôi theo công nghệ I-xra-en); sản xuất lúa gạo an toàn liên kết theo chuỗi giá trị; trồng, sơ chế, bảo quản và chế biến rau quả (ớt, mướp đắng); sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phát triển các vùng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO… 

Trong đó, nhiều dự án đã khai thác được lợi thế của địa phương, có khả năng nhân rộng. Điển hình như dự án ứng dụng KH và CN phát triển nghề nuôi ong mật và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng sản xuất hàng hóa do Công ty cổ phần Ong Tam Đảo chủ trì thực hiện. Đến nay, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu quy mô và chất lượng, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm. Lãnh đạo Công ty cổ phần Ong Tam Đảo cho rằng, việc hợp tác với các nông hộ trong quá trình thực hiện từ khâu chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ ong giống, vật tư đến bao tiêu đầu ra đã tạo nên quy trình chăn nuôi khép kín. Mối liên kết, ràng buộc chặt chẽ giữa cơ sở nuôi ong và cơ sở chế biến, kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo chuỗi sản xuất hàng hóa ổn định. Dự án đã xây dựng được các mô hình: Nuôi ong chuyên khai thác mật; nuôi ong chuyên khai thác sữa ong chúa; sơ chế, bảo quản mật ong; chế biến mật ong. Riêng mô hình nuôi ong chuyên khai thác mật đã phát triển được 1.883 đàn ong giống mới cho năng suất cao. Hay dự án ứng dụng KH và CN nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô trong chăn nuôi bò thịt tại huyện Sông Lô nhằm nâng cao chất lượng đàn bò thịt tại địa phương bằng phương pháp lai tạo và xây dựng mô hình chế biến thức ăn thô cho bò. Đến nay, dự án đã xây dựng được các quy trình kỹ thuật về thụ tinh nhân tạo, chăn nuôi bò thịt, trồng và chế biến thức ăn cho bò. Dự án sản xuất lúa gạo an toàn theo chuỗi giá trị liên kết đã xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa nguyên chủng, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất lúa Sơn Lâm, ĐS1...

 Đánh giá kết quả thực hiện các dự án, lãnh đạo Sở KH và CN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thông qua các dự án, người dân các địa phương đã tiếp nhận, làm chủ nhiều công nghệ để sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa. Các dự án được nhân rộng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về KH và CN, trở thành cầu nối đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào khu vực nông thôn, miền núi. Từ đó, người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, an toàn và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, giải quyết được ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, miền núi so với phương pháp canh tác thông thường. Các doanh nghiệp tham gia chủ trì thực hiện dự án có cơ hội đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, hình thành một số nghề mới, góp phần khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Qua thực hiện các dự án, Vĩnh Phúc đã đào tạo được 90 kỹ thuật viên cơ sở, cán bộ quản lý địa phương các cấp; tập huấn cho hơn 1.000 lượt nông dân; 30 mô hình được áp dụng và triển khai trên thực tế; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn và tạo việc làm ổn định cho người nông dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án, có một số hạn chế như: Nhiều tổ chức lần đầu chủ trì thực hiện đề án, cho nên còn lúng túng. Cán bộ kỹ thuật có sự thay đổi, luân chuyển ảnh hưởng tới việc theo dõi, tổ chức thực hiện dự án. Việc bố trí nguồn vốn để duy trì và nhân rộng các mô hình chưa cân đối, ảnh hưởng hiệu quả và sức lan tỏa của các mô hình. Việc chuyển giao KH và CN và áp dụng quy trình cơ bản được thực hiện trong giai đoạn dự án, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ giai đoạn sau khi dự án kết thúc, cho nên chưa đủ thời gian để tạo thói quen trong sản xuất, ảnh hưởng việc mở rộng các mô hình ứng dụng. Để phát huy hiệu quả các dự án, cần có cơ chế phối hợp, quy định trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, cơ quan quản lý ngành trong việc đánh giá kết quả dự án triển khai có hiệu quả để xây dựng kế hoạch duy trì và nhân rộng. Cần có cơ chế lồng ghép chương trình nông thôn miền núi với các chương trình khác để tập trung sức mạnh tổng hợp về nguồn tài chính và đội ngũ kỹ thuật viên các dự án tại một địa bàn, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực xã hội thực hiện chuyển giao công nghệ.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.com.vn/science-news/vinh-phuc-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep-643195/

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 896

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)