Thứ tư, 09/06/2021 21:41 GMT+7

Chàng trai tái chế chai nhựa thành tất xuất khẩu

Những chiếc tất được Bình và cộng sự làm ra từ sợi chai nhựa có thể xuất khẩu ra nước ngoài với giá 35- 45 nghìn đồng/đôi tùy kiểu dáng.

Mỗi sáng thứ 3 hàng tuần, Hoàng Quý Bình (26 tuổi) từ Quận 1 lại bắt xe buýt xuống nhà máy huyện Hóc Môn, TP HCM, để kiểm tra việc gia công những chiếc tất chân, chứa đầy tâm huyết của cậu và cộng sự. Bình cho biết, những chiếc tất mềm mịn, được làm từ những chai nhựa thô cứng sử dụng hàng ngày.



Những chiếc tất được làm từ chai nhựa thô cứng. Ảnh: NVCC

 

Vốn là người quê gốc Hải Dương, mồ côi cha khi 4 tuổi, Bình được mẹ dạy nếp gọn gàng, ngăn nắp từ nhỏ. Lớn lên, thói quen rửa túi nilon tái sử dụng, tận dụng chai nhựa, thủy tinh làm bình đựng hoa trở thành điều bình thường trong nhà cậu. Dần dần, Bình ý thức rằng cách làm này không chỉ tiết kiệm mà còn bảo vệ môi trường.

Năm 2014, lên Hà Nội học Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bình để ý nhiều người không hề có thói quen tái chế giấy, túi nilon. Thấy trong trường chưa có nhiều hoạt động nâng cao ý thức môi trường, năm 2018, Bình kết nối các bạn sinh viên thành lập câu lạc bộ Green Life đổi giấy, pin lấy cây. Chín tháng đầu hoạt động, sách cũ được câu lạc bộ chọn lựa để quyên góp và xây dựng 100 tủ sách trường học. Bìa, vở đã viết được gửi về công ty chuyên xử lý để tái chế thành tôn sinh học, bìa sổ.

Một lần tìm hiểu trên Internet và đọc được bài báo về cách tái chế nhựa thành sợi dệt làm tất. Cách làm này đã áp dụng ở Mỹ, Australia, nhưng Việt Nam vẫn chưa có cách tái chế này. "Đây chắc chắn là lời giải cho bài toán xử lý lượng lớn rác thải chai nhựa mỗi ngày", Bình nghĩ. Lần này, thay vì thực hiện ngoài Bắc, cậu quyết định Nam tiến thực hiện dự án mang tên Re.socks. Cộng sự của cậu là những sinh viên năm 2, năm 4, mong muốn thay đổi nhận thức mọi người về tầm quan trọng của tái chế hàng ngày để bảo vệ môi trường.

Quá trình hiện thực hóa ý tưởng không bao giờ là điều đơn giản, Bình và cộng sự gặp khó khăn trong việc tìm nhà máy gia công sản xuất. Cậu cho biết, các nhà máy dệt tất thường thiết kế sẵn dây chuyền, nên khó có đơn vị nào muốn làm theo quy trình riêng với số lượng thử nghiệm. Sau nhiều lần tìm kiếm và trao đổi, cuối cùng một nhà máy dệt đồng ý hợp tác với Re.socks để làm sản phẩm này.



Nhóm Re.socks xuống nhà máy để tìm hiểu quy trình dệt tất. Ảnh: NVCC

 

Quy trình làm ra một đôi tất thân thiện với môi trường bắt đầu từ việc thu gom chai nhựa, rửa sạch. Sau đó, chai được cắt nhỏ và nung để tạo thành các hạt nhựa, chuyển đến nhà máy để kéo thành sợi polyester để dệt thành sản phẩm. Sợi polyester truyền thống tạo ra từ việc khai thác hóa thạch, dầu mỏ. Trong khi sợi polyester từ chai nhựa là sản phẩm tái chế, không tác động đến tự nhiên, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

"Một hai sản phẩm đầu tiên đã ra hình dạng của chiếc tất, nhưng vẫn phải mất đến ba lần điều chỉnh lại kỹ thuật để sợi dệt mịn, sản phẩm ôm sát gót chân hơn", Bình nói và cho biết, với ba chai nhựa có thể dệt thành một đôi tất. Đến nay, 10 nghìn đôi tất được tạo ra từ 30 nghìn chai nhựa.

Mong muốn đưa sản phẩm đến nhiều người, Bình và cộng sự tổ chức sự kiện "đổi chai lấy tất" trong năm nay, đồng thời tìm hiểu phản hồi từ người sử dụng. "Sản phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực, tất sợi polyester từ chai nhựa có ưu điểm thoáng khí, nhưng hạn chế trong việc thấm hút, giặt không bị xù, giãn", Bình nói.

Ngoài thị trường trong nước, Bình thử tìm cách kết nối với một số cửa hàng bên Anh và Australia. Cùng thời gian đó, nhóm làm thủ tục để xin giấy chứng nhận quốc tế Global Recycled Standard (GRS) từ New Zealand để chứng minh sản phẩm tái chế không ảnh hưởng tới môi trường và có thể sử dụng an toàn.



Bình (ngoài cùng bên trái) và cộng sự trong một lần làm việc với đối tác. Ảnh: NVCC

 

Mất nhiều tháng chờ đợi phản hồi, Bình và cộng sự vỡ òa trong niềm vui khi vừa nhận được giấy chứng nhận GRS và lời đồng ý từ cửa hàng bên Anh, Australia bán sản phẩm Re.socks. Cậu cho biết, giá của một đôi tất Re.socks bán ở Việt Nam và nước ngoài đều có giá 35- 45 nghìn đồng/đôi tùy vào kiểu dáng.

Để sản phẩm thêm phần ý nghĩa, 50% lợi nhuận của dự án được nhóm thực hiện các hoạt động xã hội để bảo vệ môi trường. Bình cho biết, nhóm dự định kết hợp sợi cà phê để tất có thể hút mồ hôi và kháng khuẩn, với số lượng 5.000 đôi.

Nhóm đang ấp ủ dự án tận dụng các chế phẩm nông nghiệp (sợi lá dứa, bã ngô, cà phê) để tái chế thành sợi vải, phát triển thời trang từ nguồn gốc bền vững.


Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/chang-trai-tai-che-chai-nhua-thanh-tat-xuat-khau-4287033.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 736

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)