Thứ ba, 01/12/2009 17:28 GMT+7

Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC)

Trong khuôn khổ của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - EC, hai bên đã nhất trí thành lập Tiểu ban về Khoa học và Công nghệ (KH&CN), làm đầu mối hỗ trợ các hoạt động hợp tác giữa cộng đồng KH&CN hai bên. Ngài Doang-giăng, Phó Chủ tịch EC khẳng định hợp...

Chương trình KH và CN khung lần thứ 7 của EU, giai đoạn 2007 - 2013 (FP7), là một chương trình KH&CN lớn nhất của châu Âu từ trước đến nay với tổng kinh phí đầu tư gần 54 tỷ euro, trong đó khoảng 32 tỷ euro dành cho các dự án nghiên cứu chung trên 10 lĩnh vực ưu tiên. Chương trình khuyến khích sự tham gia của cộng đồng KH&CN quốc tế.

Trong các Chương trình trước, số lượng các dự án có sự tham gia của các nhà khoa học nước ta tương đối cao (42 dự án, xếp thứ ba trong khu vực ASEAN, sau Thái-lan và Singapore). Sở dĩ nước ta đạt được tỷ lệ cao như vậy là do chúng ta đã xây dựng được các mối quan hệ hợp tác song phương có hiệu quả với các nước thành viên EU, nhất là với CHLB Ðức, Pháp, Italia. Dựa trên kết quả đó, lãnh đạo EC khẳng định tiếp tục ủng hộ nước ta tham gia tích cực hơn nữa vào Chương trình FP7.

Cụ thể là: Tăng cường vai trò đầu mối quốc gia về FP7 để kịp thời phổ biến thông tin cho các nhà khoa học trong nước về các dự án trong FP7, đồng thời liên kết với các đầu mối quốc gia khác trong ASEAN và EU; cùng tổ chức hội thảo quốc tế ở nước ta để giới thiệu rộng rãi về FP7, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế xây dựng các đề xuất dự án tốt để tham gia vào FP7; đẩy nhanh việc triển khai dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu các dự án nghiên cứu chung và các nhà khoa học EU-ASEAN (INCONET) mà nước ta là một thành viên tích cực. EC đồng ý ủng hộ Việt Nam tham gia các lĩnh vực khác trong FP7, nhất là về năng lượng, công nghệ thông tin - truyền thông, ngoài hai lĩnh vực mà trước đó EC giới hạn cho Việt Nam là lương thực, thực phẩm và y tế.

Trong các buổi làm việc tại CHLB Ðức, Bỉ và Pháp, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong và những người đồng cấp đã kiểm điểm các nội dung hợp tác KH&CN trong thời gian qua, đồng thời xác định định hướng và nội dung hợp tác cho giai đoạn tiếp theo trong khuôn khổ song phương và đa phương EU.

Bộ KH&CN nước ta phối hợp Bộ Liên bang về Giáo dục và Nghiên cứu Ðức tổ chức Phiên họp lần thứ hai Ủy ban công tác liên bộ nhằm kiểm điểm các hoạt động hợp tác KH&CN giữa hai nước từ năm 2006 đến nay, cũng như xác định các định hướng và nội dung hợp tác cho giai đoạn tiếp theo.

Hai Bộ trưởng đánh giá cao hiệu quả của các dự án đã thực hiện và nhất trí tiếp tục triển khai các chương trình nghiên cứu công nghệ nước và môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và viễn thông để sớm tạo ra những công nghệ có thể áp dụng tại Việt Nam.

Hai bên đều nhất trí cần có sự hợp tác của các bộ, ngành liên quan khác và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp ngay từ đầu để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất bên cạnh sự hợp tác giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu. Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hai bên cũng đã đặt trọng tâm vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý KH&CN ở Việt Nam, trong đó lấy chương trình hợp tác giữa Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Kỹ thuật tổng hợp Béc-lin làm thí điểm.

Phía Ðức nhất trí ủng hộ Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa vào các dự án trong Chương trình FP7. Nguồn kinh phí để thực hiện cho chương trình này chủ yếu do các nước thành viên chủ trì các dự án đóng góp. Hiện nay, Ðức là một thành viên có đóng góp rất lớn cho chương trình này. Do vậy, việc Ðức ủng hộ nước ta sẽ có tác dụng quan trọng đối với việc xét duyệt các đề xuất dự án do các nhà khoa học Việt Nam đề xuất hoặc tham gia trong Chương trình FP7.

Nước ta và Bỉ đã trao đổi về việc xây dựng Chương trình hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2008 - 2010, tập trung vào bốn lĩnh vực ưu tiên về vật liệu mới, nuôi trồng thủy sản, công nghệ thông tin, truyền thông và y học nhiệt đới. Bang Flan-mang (Bỉ), thông báo dự kiến sẽ dành một khoản ngân sách 900 nghìn euro để hợp tác KH&CN với nước ta trong ba năm.

Sau khi ký kết Hiệp định hợp tác KH&CN giữa hai Chính phủ Việt Nam và Pháp (tháng 3-2007), hai bên đã xây dựng Chương trình hỗ trợ trao đổi khoa học "Hoa Sen" với tám dự án tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như vật liệu mới, truyền thông, toán học, vật lý và hóa học ứng dụng, công nghệ na-nô, hợp chất thiên nhiên, công nghệ sinh học, môi trường và an toàn thực phẩm; thống nhất một số biện pháp để đẩy mạnh việc triển khai hiệp định đã ký, trước mắt sẽ tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban hỗn hợp tại Pari; tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo trong các lĩnh vực đa dạng sinh học, năng lượng (nhất là năng lượng hạt nhân) và công nghệ vũ trụ (nhất là công nghệ viễn thám phục vụ nông nghiệp và phòng, chống thiên tai) và xây dựng mô hình liên kết nghiên cứu và đổi mới công nghệ.

Phía Pháp hoan nghênh và ủng hộ đề xuất của nước ta trong việc khuyến khích các nhà khoa học hai nước tham gia tích cực hơn vào Chương trình FP7 trên cơ sở các dự án hợp tác nghiên cứu song phương đã thành công. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của EU, Pháp cam kết ủng hộ tối đa các biện pháp để đẩy mạnh hợp tác KH&CN giữa liên minh với Việt Nam.

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN giữa nước ta với EC nói chung, với Ðức, Bỉ, Pháp nói riêng đã và đang tạo môi trường thuận lợi để chuyển giao công nghệ hiện đại, thích hợp điều kiện trong nước và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực KH&CN.

Lượt xem: 7458

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)