Thứ tư, 02/12/2009 09:30 GMT+7

Nhìn lại 10 năm hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Italia

Ngày 05/1/1992, Việt Nam và Italy đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa hai nước, trong đó có điều khoản thành lập Ủy ban hỗn hợp (UBHH) về hợp tác KH&CN Việt Nam - Italy (do Bộ Ngoại giao Italy và Bộ Khoa...

Hiệp định được phê duyệt và có hiệu lực năm 1995. Tháng 11/1998, hai bên chính thức thành lập UBHH và tiến hành phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban. Tại phiên họp này, hai bên đã thống nhất cơ chế hoạt động của UBHH, ký kết Chương trình hợp tác KH&CN lần đầu tiên, giai đoạn 1998 - 2001 gồm 20 dự án hợp tác nghiên cứu.

Tính từ đó đến nay, hai bên đều đặn tổ chức được 03 phiên họp năm 2002, 2005 và gần đây nhất là 12/3/2009 của Ủy ban, đồng thời tương ứng phê duyệt 3 Chương trình hợp tác kế tiếp nhau là Chương trình hợp tác lần thứ 2 gồm 22 dự án (giai đoạn 2002 - 2005), Chương trình hợp tác lần thứ 3, gồm 21 dự án (giai đoạn 2006 - 2008), và Chương trình hợp tác lần thứ 4, gồm 11 dự án (giai đoạn 2009 - 2011). Đối với mỗi Chương trình, hai bên đều tổ chức họp giữa kỳ đánh giá việc triển khai các dự án hợp tác và đi kiểm tra một số dự án cụ thể ở Italy cũng như Việt Nam.

1) Một số kết quả chính:

Thông qua 03 Chương trình hợp tác KH&CN Việt Nam - Italy, liên tiếp từ năm 1998 đến nay, hai bên đã ký kết tổng cộng hơn 60 dự án hợp tác nghiên cứu chung. Trong số đó, khoảng 40 dự án được đưa vào triển khai thực hiện đầy đủ (chiếm khoảng 66%).

Nội dung chủ yếu của các dự án bao gồm: hợp tác cùng nghiên cứu, thích hợp công nghệ của Italy vào Việt Nam; cùng nghiên cứu để hoàn thiện và trình diễn một số vấn đề KH&CN mà Việt Nam đang quan tâm trên cơ sở hỗ trợ của các nhà khoa học Italy về kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, trang thiết bị phân tích mẫu vật; đào tạo cán bộ nghiên cứu của Việt Nam; trao đổi thực tập sinh Italy; và hỗ trợ một số trang thiết bị nghiên cứu nhỏ của Italy.

Các dự án hợp tác cũng đã được triển khai trên cơ sở thế mạnh KH&CN của Italy cũng như những vấn đề KH&CN mà Việt Nam quan tâm. Cụ thể bao gồm: Bảo tồn và phục chế các di tích cổ, Y dược và sức khỏe con người, Năng lượng và môi trường, Công nghệ sinh học và nông nghiệp, Nghiên cứu cơ bản và Công nghệ thông tin.

Thông qua việc triển khai thực hiện 40 dự án trong 10 năm qua, đã có hơn 150 lượt cán bộ Việt Nam sang học tập, khảo sát và thực tập tại các trường đại học, viện nghiên cứu của Italy, bao gồm ngắn hạn (1 - 2 tuần) và dài hạn (1 - 2 tháng). Tương tự, có hơn 60 lượt nhà khoa học Italy sang Việt Nam để cùng hợp tác nghiên cứu, thực tập, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học. Đã có hơn 27 nhà khoa học Việt Nam hoàn thành luận văn thạc sỹ và tiến sỹ trong quá trình triển khai các dự án hợp tác, trong đó có 3 tiến sỹ được đào tạo ở Italy. Đồng thời, có 10 nhà khoa học Italy hoàn thành luận văn thạc sỹ và tiến sỹ trong quá trình tham gia thực hiện các dự án. Có gần 100 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước, của Italy cũng như một số tạp chí uy tín của thế giới (dưới hình thức đồng tác giả).

Một số dự án hợp tác cụ thể đã thực sự đem lại kết quả đáng kể cho Việt Nam, chẳng hạn như Dự án “hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ gốm cao cấp của Italy” giữa Viện Công nghệ xạ hiếm và Viện gốm Faenza đã giúp Việt Nam tiếp cận được công nghệ sản xuất bi nghiền (tạo cầu nối cho việc chuyển giao công nghệ và thành lập nhà máy liên doanh ở Việt Nam) và gốm y sinh phục vụ cho các hoạt động phẫu thuật thay xương ở Việt Nam; Dự án “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của một số dược thảo và sinh vật biển Việt Nam” giữa Viện Hóa hợp chất thiên nhiên với Đại học tổng hợp Pisa đã giúp Việt Nam chiết tách được một số hoạt chất khó và quan trọng trong một số cây thảo dược Việt Nam để xây dựng công thức sản xuất thuốc nam; Dự án “Nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học vùng bờ biển Việt Nam” giữa Viện Địa chất và tài nguyên biển với Viện Khoa học biển của Trường đại học Ancona đã xây dựng được bộ sách giới thiệu về đa dạng sinh học bờ biển Việt Nam, công thức bảo tồn và nuôi trồng sinh học ở vùng đầm lầy, phát hiện và công bố với thế giới lần đầu tiên một số loài sinh vật mới của Việt Nam; hoặc Dự án “Ứng dụng công nghệ thăm dò không phá hủy để bảo vệ các di tích lịch sử bị chôn lấp” giữa Trường Bách khoa Milano với Viện Địa chất đã giúp các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận được với công nghệ mới và ứng dụng thành công cho một số địa chỉ khảo cổ ở Việt Nam (như Mỹ Sơn); v.v ...

Thêm vào đó, việc thực hiện các dự án hợp tác trong thời gian qua đã huy động được sự tham gia của 25 viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu của Italy và của 30 trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam. Đây là một yếu tố đảm bảo cho tính hợp tác lâu dài và bền vững về KH&CN giữa hai nước.

Thông qua các dự án hợp tác song phương, quan hệ giữa các nhà khoa học hai nước được duy trì và phát triển rất hiệu quả. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học Italy đã mời các nhà khoa học làm đối tác cùng xây dựng các đề xuất dự án xin kinh phí tài trợ của Liên minh châu Âu (EU). Tính đến nay, đã có 6 dự án song phương Việt Nam - Italy được ‘nâng cấp’ và tham gia thành công vào Chương trình KH&CN khung của EU (Framework Programme - FP).

2) Định hướng trong thời gian tới:

Italy là một quốc gia có các chuyên gia đầu ngành thế giới về một số lĩnh vực như bảo tồn và phục chế di tích cổ, y học cổ truyền, ứng dụng công nghệ sinh học cho nông nghiệp, gốm sứ và khoa học biển. Các nhà khoa học Italy cũng có quan hệ quốc tế rất lớn trong châu Âu, Hoa Kỳ và là cầu nối tích cực cho mạng lưới nghiên cứu cơ bản trên thế giới (Viện Hàn lâm thế giới thứ ba TWAS được đặt ở Trieste, Italy).

Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam với Italy đã được duy trì liên tục trong 10 năm qua. Thông qua đó, hai bên đã tạo được nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng các nhà nghiên cứu. Do vậy, việc hợp tác KH&CN với Italy cần được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới với tư cách là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước (bên cạnh thương mại, đầu tư, ...).

Tuy nhiên, trong thời gian qua các dự án hợp tác vẫn còn ở quy mô nhỏ. Do vậy, các nội dung nghiên cứu thường kết thúc với những kết quả ở mức ban đầu và chưa được ứng dụng sâu rộng vào thực tiễn. Thêm vào đó, do số lượng dự án nhiều, nên khả năng hỗ trợ kinh phí cho mỗi dự án cũng hạn chế. Điều này dẫn đến những khó khăn cho các dự án trong việc xây dựng cũng như triển khai những nội dung lớn, có tính đồng bộ, và vì thế khó đưa vào trình diễn và ứng dụng trên thực tế.

Trong thời gian tới, hai bên cần xây dựng Chương trình hợp tác theo hướng: (i) Tăng kinh phí hỗ trợ, có thể hạn chế số lượng dự án hợp tác theo hướng ưu tiên trọng điểm để có thể tập trung tăng cường kinh phí hỗ trợ đủ lớn cho các dự án; và (ii) Tìm và huy động các nguồn kinh phí khác, chẳng hạn như nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Italy cho Việt Nam để hỗ trợ cho phần trình diễn và ứng dụng các kết quả nghiên cứu thành công vào thực tiễn đời sống, ví dụ cho môi trường, y tế, phát triển bền vững, ...

Lượt xem: 6144

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)