Tham gia Đoàn công tác có ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội; ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam; ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN); ông Dương Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục ATBXHN; đại diện Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội và cán bộ Cục ATBXHN.
Đoàn công tác và Chủ tịch Cơ quan Năng lượng nguyên tử Thổ Nhĩ Kỳ
Đây là hoạt động được triển khai trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật (TC) VIE9015 giữa Cục ATBXHN và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực pháp quy trong triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Đoàn công tác sẽ làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Thổ Nhĩ Kỳ (TAEK), Cơ quan An toàn bức xạ và hạt nhân Bê-la-rút (Gosatomnadzor) và các cơ quan có liên quan của hai nước trong triển khai thực hiện an toàn các dự án điện hạt nhân. Đây là hai quốc gia đang triển khai thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân với những kinh nghiệm thực tiễn rất tốt được IAEA khuyến cáo Việt Nam nên tham khảo trong triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thổ Nhĩ Kỳ tương tự như Việt Nam sử dụng cả công nghệ của Nga (AES-2006) và phương tây (AP-1000 và ATMEA1). Bê-la-rút sử dụng công nghệ của Nga (AES-2006), bắt đầu quyết định triển khai dự án điện hạt nhân năm 2008 và hiện đang trong quá trình xây dựng nhà máy dự kiến năm 2018 sẽ vận hành phát điện. Những kiến thức thu được trong chuyến công tác sẽ được nghiên cứu, áp dụng trong triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như trong sửa đổi Luật NLNT đã được Quốc hội đưa vào chương trình năm 2016.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Chủ tịch Cơ quan Năng lượng nguyên tử Thổ Nhĩ Kỳ đã giới thiệu về lịch sử phát triển của ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) Thổ Nhĩ Kỳ và lịnh sử thành lập Cơ quan NLNT Thổ Nhĩ Kỳ (đây là Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia). Sau đó là các trình bày về khuôn khổ luật pháp để quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ; giới thiệu về Cơ quan pháp quy hạt nhân và khuôn khổ luật pháp của Thổ Nhĩ Kỳ; giới thiệu về hoạt động quản lý và hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ và mô hình triển khai dự án điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ theo hình thức BOO đối với 2 nhà máy (hợp tác với Nga và hợp tác với Nhật bản). Đây là những kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong quản lý và triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên tại TAEK, Cục trưởng Vương Hữu Tấn đã có bài trình bày về “Khung pháp lý và Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam”. Bài trình bày đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phía bạn với nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của Cục ATBXHN trong quá trình triển khai dự án Điện hạt nhân, tính độc lập và thẩm quyền của Cục ATBXHN, sự chuẩn bị nhân lực kỹ thuật của Cục phục vụ chương trình điện hạt nhân quốc gia, v.v.
Đoàn công tác sẽ tiếp tục làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ đến hết ngày 26/02/2016 và bắt đầu làm việc tại Bê-la-rút ngày 29/02/2016.