Toàn cảnh tọa đàm
|
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, xác định được vai trò của công nghiệp CNTT, thành phố đã thành lập trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng, thành lập Khu công viên phần mềm Đà Nẵng làm hạt nhân phát triển công nghiệp CNTT. Cơ bản hoàn thành mặt bằng Khu CNTT tập trung số 1, chuẩn bị khởi công Công viên phần mềm số 2, thiết lập các chính sách phù hợp để sẵn sàng cho các doanh nghiệp CNTT đến đầu tư, làm việc. Tuy nhiên việc xây dựng thành phố thông minh và phát triển công nghiệp CNTT mới chỉ mang lại kết quả bước đầu, chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Để có bước đột phá mới nhằm phát huy hết tiềm lực của mình, Đà Nẵng xác định phát triển CNTT là một trong 3 hướng đột phá trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và tập trung xây dựng Khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Đà Nẵng là thành phố tiêu biểu, luôn đi đầu về ứng dụng và phát triển CNTT của cả nước. Với thế mạnh về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và sự quan tâm của chính quyền thành phố, Đà Nẵng là 1 trong 3 địa phương trọng tâm của cả nước ưu tiên đầu tư phát triển các khu CNTT tập trung. Công viên phần mềm Đà Nẵng là một trong những khu CNTT hoạt động hiệu quả nhất cả nước với tỷ lệ sử dụng đạt hơn 99% diện tích. Tính đến tháng 6/2017, công viên phần mềm Đà Nẵng có 75 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 1.520 tỷ vốn đầu tư.
Để nâng cao năng lực thu hút đầu tư, phát triển CNTT hướng tới xây dựng và trở thành đô thị thông minh, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, Đà Nẵng cần phải xây dựng và hoàn thiện hạ tầng băng rộng hiện đại đạt chuẩn, an toàn; coi trọng các hệ thống, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ người dân và doanh nghiệp; xác định xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao là cốt lõi để bắt kịp và đón xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0; bên cạnh đó, phải có những cơ chế, chính sách, tạo môi trường làm việc năng động, thông thoáng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt, Đà Nẵng cần phải xác định cho mình một hướng đi dài hơi, bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển chung.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu, doanh nghiệp đã đưa ra những giải pháp để hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng thành phố thông tin, trong đó, trọng tâm cốt lõi là xây dựng và phát triển CNTT và công nghiệp CNTT.
Theo ông Ngô Đông Hải - Phó Ban Kinh tế Trung ương, việc xây dựng thành phố thông minh phải dựa trên nền tảng cơ bản của địa phương, có mục tiêu lộ trình xây dựng cụ thể và phải kiên trì theo đuổi, thực hiện mục tiêu. Đối với quản lý nhà nước để tạo điều kiện cho sự phát triển của thành phố thông minh thì quản lý phải tạo ra được hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng ổn định; trên cơ sở đó, sẵn sàng chấp nhận những phát triển chưa có tiền lệ. Phó ban Kinh tế Trung ương dẫn chứng như Uber, Grab hay bán hàng trên mạng xã hội là điển hình minh chứng của quản lý cần phải đi đôi với phát triển.
|
Tọa đàm tìm giải pháp để Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh khả thi và hiệu quả
|
Theo ông Tống Viết Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông - Quân đội, để xây dựng thành phố thông minh cần sự nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, trong đó, chính quyền đóng vai trò tiên phong tập trung vào 3 bước chính là xây dựng tầm nhìn dài hạn, bắt đầu ứng dụng công nghệ từ bước cơ bản nhất, giải quyết vấn đề ảnh hưởng đến đa số người dân và theo dõi quá trình chuyển đổi theo các bộ chỉ số đo lường.
Theo ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phát triển thành phố thông minh phải lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu thực có của địa phương thì công nghệ mới phát huy được hiệu quả.
Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển CNTT và xây dựng thành phố thông minh, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) TP. Hà Nội cho rằng, từ thực tế cho thấy hiện nay các doanh nghiệp tư đầu tư vào lĩnh vực CNTT đang gặp nhiều khó khăn về rào cản chính sách. “Hiện tại các doanh nghiệp CNTT đang rất mệt trong việc triển khai các dự án CNTT”, bà Tú nói. Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết thêm, hiện các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Hà Nội đang gặp khó khăn do việc tiếp cận đất đai rất khó khăn; trong bộ máy hành chính vẫn chưa theo kịp sự phát triển của CNTT.
Còn Giám đốc Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh - Dương Anh Đức - lại cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của TP. Hồ Chí Minh khi phát triển thành phố thông minh là xây dựng thành phố thông minh dựa trên đặc thù của địa phương, trong đó, trên hết là xây dựng TP. Hồ Chí Minh phục vụ người dân tốt hơn, người dân được hưởng thụ dịch vụ chất lượng cao, được quyền tham gia trực tiếp giám sát những người đang phục vụ cho họ. Song song với đó là đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở kinh tế trí thức.
Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực triển khai và xây dựng được hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Hiệu quả của chính quyền điện tử Đà Nẵng trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện qua các đánh giá Đà Nẵng đứng đầu về chỉ số PCI cấp tỉnh nhiều năm liên tiếp, 5 năm liên tiếp đứng đầu về chỉ số PAR Index, và 9 năm liên tiếp đứng đầu về chỉ số ứng dụng CNTT ICT Index - một kỷ lục chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành CNTT Việt Nam. Chính quyền điện tử là nền tảng để Đà Nẵng xây dựng và trở thành thành phố thông minh cũng là kỳ vọng để Đà Nẵng lựa chọn phát triển công nghiệp CNTT trong xu thế của việc xây dựng nền kinh tế số. Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư Công nghệ Thông tin trong phát triển nền kinh tế số” được kỳ vọng sẽ đưa ra được nhiều sáng kiến giúp thành phố Đà Nẵng triển khai xây dựng thành phố thông minh khả thi và hiệu quả, có cách thức, giải pháp mới, đồng bộ để đột phá phát triển CNTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.
Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/da-nang-tim-giai-phap-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-kha-thi-va-hieu-qua.html