Thứ tư, 29/11/2017 07:59 GMT+7

Đẩy mạnh hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường

Ngày 24/11, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo quốc tế “Xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường” với sự tham dự của các đại biểu là chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đến từ các tỉnh thành trong cả nước và quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ 2017” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hơp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN trong lĩnh vực năng lượng bảo vệ môi trường ở Việt Nam; nhu cầu đổi mới công nghệ, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường tại TP. Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh, các thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung; trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm, mô hình tiên tiến của các quốc gia trên thế giới...

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng đang tăng cao, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế chính sách để giải quyết vấn đề trên như sử dụng năng lượng hiệu quả, đa dạng hóa nguồn năng lương, áp dụng các công nghệ mới tiên tiến, thân thiện với môi trường.

 


Các đại biểu cùng trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường
 

Còn theo PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Việt Nam đang là quốc gia sử dụng nhiều năng lượng để phát triển kinh tế. Nhiều chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy các công nghệ Hiệu quả năng lượng và Năng lượng tái tạo đã được ban hành trong 10 năm tuy nhiên, các chính sách chiến lược này vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Lương, để phát triển bền vững, cần thiết phải đảm bảo việc cung cấp năng lượng một cách ổn định và có hiệu quả kinh tế, đồng thời phải giảm ô nhiễm môi trường do sử dụng năng lượng. Phát triển và áp dụng các công nghệ Hiệu quả năng lượng và Năng lượng tái tạo do vậy cần phải được quan tâm trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn trung và dài hạn.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, nơi có hơn 17.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm hơn 90%) thì phần lớn các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với trung bình của thế giới 2 – 3 thế hệ. Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng cho biết, tính chung cho các doanh nghiệp, mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10%, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu. Qua khảo sát, có 1/3 doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Theo định hướng, trong giai đoạn đến, TP Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển mạnh về công nghiệp dịch vụ, kinh doanh khách sạn và du lịch, thúc đẩy ký kết nhiều chương trình, dự án, hướng đến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường. “Chúng ta có thể nhận thấy, nhu cầu hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường tại TP Đà Nẵng là rất lớn”, ông Huỳnh Phước nói.

Nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm, trao đổi tại hội thảo như giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống phát điện tổng hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và vật liệu kính xây dựng; hố ga nhựa PVC và công nghệ xây dựng hồ điều tiết ngầm chống ngập cục bộ do mưa...

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/day-manh-hop-tac-dau-tu-trong-linh-vuc-nang-luong-va-bao-ve-moi-truong.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 1994

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)