Thứ năm, 25/01/2018 16:40 GMT+7

Cơ chế đặt hàng: Khoa học - công nghệ có “đất dụng võ”

Cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ được ví như "thuốc" chữa bệnh "cất ngăn kéo" đối với các đề án nghiên cứu; là giải pháp quan trọng gắn khoa học với thực tiễn. Đồng thời, qua đó tạo thuận lợi cho các nhà khoa học tập trung thời gian và sức lực để tạo ra những sản phẩm có chất lượng.


Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất còn rất hạn chế

Nghiên cứu thiếu "đất" ứng dụng

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong Luật KH&CN đã xác định rõ cơ chế đặt hàng và trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, tổ chức khi đặt ra nhiệm vụ KH&CN cũng như trách nhiệm của nhà khoa học khi nhận đặt hàng. Theo cơ chế này, bên đặt hàng phải bảo đảm mọi cam kết với bên nhận đặt hàng, ví dụ, như cung cấp các phương tiện, kinh phí đầy đủ kịp thời để bên nhận đặt hàng thực hiện. Bên nhận đặt hàng phải bàn giao kết quả đúng quy định, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng nghiên cứu xong bỏ kết quả vào ngăn kéo. 

Tuy nhiên, hiện nay, việc đặt hàng trong nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn, nên mới chỉ khoảng 10% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh. Hiện có tình trạng nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có tính thực tiễn cao nhưng không thể chuyển giao. Trong khi, các doanh nghiệp cần sản phẩm lại phải đi tìm kiếm, thậm chí mua sản phẩm của nước ngoài với giá đắt. Từ đó, gây lãng phí cả ngoại tệ, thời gian, chất xám và nguồn lực đất nước. 

Tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và cao đẳng thuộc Bộ Công Thương diễn ra gần đây, Tiến sĩ Phan Đăng Phong- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí- cho biết, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, đặc biệt là trong các dự án thuộc chương trình kinh tế lớn là rất hạn chế. Việc tiếp nhận công nghệ và chuyển giao công nghệ chỉ có thể làm được khi các đơn vị trong nước được giao thực hiện các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án thuộc chương trình kinh tế - xã hội có tính chất lâu dài. Thực tế, hiện nay, hầu hết các gói thầu EPC trong các ngành công nghiệp như năng lượng, hóa chất, khoáng sản… đều do nước ngoài làm tổng thầu. 

Cần tăng cường cơ chế "đặt hàng" 

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, cần đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ, thực chất giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trong việc đề xuất đặt hàng, tổ chức thực hiện và ứng dụng, chuyển giao kết quả, nhằm tận dụng được khả năng, thế mạnh của các bên trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN. Để khuyến khích các doanh nghiệp và các nhà khoa học tìm đến nhau, cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các kết quả, sản phẩm KH&CN trong các dự án đầu tư mới, đổi mới công nghệ.

Dẫn ra ví dụ cụ thể, Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho biết, khi Bộ Công Thương xác định thiết bị cơ khí thủy công là thiết bị có thể chế tạo trong nước, Bộ đã giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu cơ khí mua thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của nước ngoài và chỉ với 3 dự án chỉ định thầu, đến nay ta đã hoàn toàn làm chủ thị trường này. Tuy nhiên đây là một trong số rất ít định hướng của nhà nước cho hoạt động của các đơn vị nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương): Đối với các dự án KH&CN khả thi, áp dụng đạt kết quả, nhà nước nên áp dụng hình thức giao nhiệm vụ trực tiếp, có quy hoạch các dự án áp dụng kết quả nghiên cứu và công nghệ được tiếp nhận. Bên cạnh đó, cần hình thành các viện có khả năng làm chủ thiết kế đến sản phẩm cuối cùng cho các dự án.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/co-che-dat-hang-khoa-hoc-cong-nghe-co-dat-dung-vo.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3500

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)