Thứ tư, 07/03/2018 21:50 GMT+7

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tầm nhìn dài hạn, lộ trình thích hợp

Với việc từng bước tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), Việt Nam đang tiến vào một sân chơi lớn với nhiều cơ hội cũng như thách thức khắc nghiệt, đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp và tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, cần có những giải pháp cụ thể để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.

Ứng dụng khoa học vào sản xuất tại Công ty Năng lực Việt (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành

 

Không dễ tiếp cận

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cho biết: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có sự khác biệt với các cuộc cách mạng công nghiệp trước ở tốc độ, quy mô và phạm vi tác động. Công nghiệp 4.0 ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực và tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nếu như ở nhiều quốc gia khác, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức thì với Việt Nam, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Là nước đi sau, nhân cơ hội “đi tắt đón đầu”, Việt Nam có thể thay đổi mô thức quản lý và mô thức phát triển nền kinh tế. Nếu sự thay đổi này đi đúng hướng, Việt Nam có cơ hội rất lớn để bứt phá. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách và hạ tầng. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 rất khó khăn do trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều.

Thách thức được nhắc tới nhiều nhất hiện nay là nguy cơ thất nghiệp của lao động Việt Nam sẽ tăng lên. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam sẽ là nước chịu nhiều tác động nhất trong lĩnh vực lao động với hơn 80% lực lượng lao động của Việt Nam có nguy cơ bị thất nghiệp. Theo ông Đàm Bạch Dương, mức độ ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 với từng ngành kinh tế sẽ ở mức khác nhau. Trong đó, bị tác động nhiều nhất là các ngành như may mặc, điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công nghiệp 4.0 cũng mang lại cơ hội cho những ngành khác. Ví dụ, ngành Du lịch có thể tận dụng được nhiều cơ hội thông qua du lịch thông minh, internet vạn vật.

Mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp hiện nay cũng là một trở ngại không nhỏ. Một cuộc khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội thực hiện với 2.000 hội viên cho thấy, về chiến lược, có đến 79% số doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có động thái gì để đón làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Trước xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Thủ tướng đã giao mỗi bộ, ngành thực hiện các phần việc cụ thể cũng như đưa ra các sản phẩm chủ lực của ngành, những chính sách đáp ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước câu hỏi liệu Bộ KH-CN có chậm trễ trong việc tư vấn cho Chính phủ về Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ KH-CN cho rằng: Tất cả định hướng công nghệ, Nghị quyết của Đảng cũng như chiến lược dài hạn của Việt Nam từ trước đến nay đều bám sát việc chuyển đổi số hóa hạ tầng công nghệ thông tin, chiến lược công nghiệp..., phù hợp với bối cảnh thế giới. Văn kiện Đại hội Đảng cũng xác định, Việt Nam cần tập trung vào cách mạng KH-CN và đặc biệt là cách mạng số hóa. Việc tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra theo hướng cẩn thận, thấu đáo và làm rõ nội hàm, tuyên truyền để người dân hiểu biết thêm về vấn đề này. Chúng ta sẽ không vội vàng đưa ra hướng đi khi chưa nắm rõ”, ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Hiện nay, các bộ, ngành đã có sự chuẩn bị ở mức độ khác nhau trong tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Đàm Bạch Dương cho biết, có những bộ, ngành chuẩn bị tương đối kỹ như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành chưa cho thấy rõ sự chuyển động. Đối với các doanh nghiệp, Bộ KH-CN đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành chủ quản nhiệm vụ nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp và các công nghệ liên quan đến công nghiệp 4.0, từ đó có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có nhiều chính sách có thể chưa trực diện, nhưng liên quan rất nhiều đến công nghiệp 4.0 đã được triển khai, như Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, Đề án số hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chương trình đổi mới công nghệ của Bộ KH-CN, Đề án tri thức Việt số hóa… Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành và địa phương để triển khai thí điểm một số mô hình, như phối hợp với Bắc Ninh xây dựng thành phố thông minh, phối hợp với Hà Nam xây dựng nông nghiệp công nghệ cao…

Năm 2018, Bộ KH-CN tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp 4.0 để trình Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng đã giao Bộ KH-CN triển khai chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc cách mạng này./.

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/894676/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-tam-nhin-dai-han-lo-trinh-thich-hop

 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 3323

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)