Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, chiều 19/3.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh, chiều 19/3.
Theo Phó Thủ tướng, so với các chỉ số khác như môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia thì vị trí của KHCN của Việt Nam trên thế giới cơ bản là tốt. Điều đó thể hiện qua chỉ số sáng tạo và đổi mới toàn cầu của Việt Nam hiện đứng thứ 47 trên thế giới.
Trong đó, 5 nhóm chỉ số đầu vào là thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của các loại thị trường, môi trường kinh doanh có vị trí trung bình 71. Còn 2 nhóm chỉ số đầu ra là tri thức công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo, trực tiếp liên quan đến ngành KHCN, thì Việt Nam đứng thứ 38.
“Điều đó có nghĩa sự phát triển của ngành KHCN không chỉ là nhiệm vụ của riêng các nhà khoa học mà của cả hệ thống. Những năm qua, lĩnh vực KHCN đã có sự cố gắng, phát triển hơn mặt bằng chung. Kết quả này có được nhờ định hướng đúng của Đảng, các luật, văn bản, sự giám sát của Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, vốn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, thì không chỉ cần đẩy mạnh KHCN mà phải thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu vốn, định hướng mới về thị trường, dịch vụ, hàng hoá, nguồn nhân lực…
Riêng đối với KHCN, trong rất nhiều việc, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý “cơ chế thiết thực, động lực kinh tế để các DN thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, thấy được sự cấp thiết phải làm KHCN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa cơ chế tự chủ để các viện nghiên cứu sử dụng có hiệu quả nguồn lực dành cho KHCN, đưa công tác nghiên cứu KHCN trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong các trường đại học.
“Nhà nước phải tạo môi trường thực sự đồng bộ từ các chính sách kinh tế để DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo đến nguyên lý chấp nhận rủi ro, độ trễ khoa học trong vận hành các thiết chế đầu tư cho KHCN. Chúng ta đã có ví dụ rất tốt như mô hình Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) khi những đề tài được quỹ này tài trợ 50% kinh phí đã chiếm ¼ tổng số nghiên cứu công bố khoa học quốc tế của Việt Nam trong 5 năm gần đây”, Phó Thủ tướng nói.
Điểm cuối cùng, Phó Thủ tướng cho rằng vô cùng quan trọng, đó là mọi khâu liên quan đến nghiên cứu KHCN đều phải công khai minh bạch như đăng ký đề tài, kết quả, quá trình thẩm định, bỏ phiếu kết quả đề tài… “để ngay trong giới khoa học phản biện”.
Các đề tài KHCN cần được kết nối với cơ sở dữ liệu khoa học trong nước và thế giới để các nhà khoa học không mất thời gian, công sức giải quyết những vấn đề mà trong nước, kể cả quốc tế đã nghiên cứu rồi.
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Day-manh-KHCN-Can-co-che-dong-luc-kinh-te-thiet-thuc/332038.vgp