Thưa ông, thời gian qua KH&CN đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật để làm rõ hơn điều này?
- Có thể nói, KH&CN đã tham gia, phục vụ và đóng góp trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của đất nước. KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao đã bắt đầu được ứng dụng mạnh mẽ vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị để phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của các địa phương như tôm, cá tra, rau, hoa quả, cà phê… thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, người dân. KH&CN là một trong những nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị xuất khẩu của sản phẩm, hàng hóa. Kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9,4%. Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc (từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế), đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã không ngừng cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý, tương ứng với 96% lô sản phẩm, hàng hóa tại khâu thông quan được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 1 ngày.
- Ngành KH&CN đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Vậy, điều đó đã mang lại kết quả như thế nào, thưa ông?
- Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối và chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ KH&CN đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý; quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đưa KH&CN gắn kết và phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kết nối giữa viện trường với doanh nghiệp để chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; đưa doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng và đoàn giám sát của QH thăm Công ty Thành Công
Gần đây, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu đến sản xuất và thương mại hóa sản phẩm với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tập đoàn, doanh nghiệp. Ví dụ, trong chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, đã tạo được nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dây chuyền từ sản xuất đến chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong nông nghiệp, có thể kể đến chuỗi sản xuất tôm. Liên tục trong nhiều năm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận kết quả nghiên cứu KH&CN để từng bước làm chủ các khâu trong chuỗi sản xuất tôm từ khâu giống (Công ty Việt Úc), thức ăn cho tôm (Công ty Tôm King), mô hình nuôi tôm (Công ty Trúc Xuân, Công ty Việt Úc), chế biến tôm thành phẩm (Tập đoàn Minh Phú), chế biến phụ phẩm tôm (Công ty Vietnam Food). Đã làm chủ công nghệ tạo giống tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, công nghệ nuôi thâm canh, bán thâm canh bền vững, các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường và quy trình kiểm soát dịch bệnh trong ao nuôi. Các công nghệ chế biến nâng cao giá trị gia tăng đã được áp dụng để chế biến xuất khẩu, bước đầu nghiên cứu được công nghệ sản xuất chitin, chitosan, bột đạm thủy phân… từ phụ phẩm tôm.
Hay chuỗi sản xuất lúa gạo, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc ký hợp đồng mua bản quyền các giống lúa của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Tập đoàn còn chọn tạo và đưa ra sản xuất nhiều giống lúa mới. Tập đoàn đã đầu tư xây dựng 5 nhà máy chế biến có mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật và 1 nhà máy sản xuất phân hữu cơ. Từ năm 2010, đã thực hiện chuỗi sản xuất lúa gạo theo quy trình bền vững thông qua mô hình “Cánh đồng lớn”, xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ lúa tươi với bà con nông dân. Ngoài ra, cũng còn các mô hình về chuỗi sản xuất cá tra, nguyên liệu dược, vaccine…
Trong liên kết chuỗi giá trị, doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm tốt hơn. Khi quy hoạch vùng sản phẩm, doanh nghiệp, nhà nông sẽ thuận lợi hơn khi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ theo quy mô lớn, giúp tăng giá trị sản phẩm, nâng cao lợi nhuận. Do sự liên kết chặt chẽ từ nghiên cứu đến ứng dụng và từng khâu trong sản xuất, chuỗi giá trị không những đem lại hiệu quả kinh tế lớn mà còn góp phần vào việc bảo đảm kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Chúng ta cần những giải pháp gì để tiếp tục thu hẹp khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới, thưa ông?
- Chính phủ cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Đó là sự dịch chuyển rõ rệt trong chính sách phát triển, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, thể hiện qua việc xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước, hình thành Quỹ Phát triển KH&CN, Quỹ Đổi công nghệ Quốc gia, các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quy mô quốc gia đến địa phương, các chương trình quốc gia thuộc các bộ, ngành. Nhà nước, Chính phủ, Viện, trường đã tập trung cao độ hỗ trợ thương mại hóa các kết quả của hoạt động KH&CN theo chuỗi giá trị, phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng. Điều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành trong việc tập trung nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy KH&CN và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Mặc dù trình độ, năng lực công nghệ của chúng ta đã được cải thiện rất nhiều nhưng trước những thời cơ, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, KH&CN cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa. Để làm được điều đó, rất cần sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ của Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành địa phương và sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan thực thi. Đó là điều kiện thuận lợi để KH&CN tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tham gia và phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp, thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia vào phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu và giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực xuất khẩu; nâng cao sự đóng góp của KH&CN vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Để phát triển KT - XH không cách nào khác phải đặt doanh nghiệp làm vị trí trung tâm. Tuy nhiên, để làm được điều này các doanh nghiệp cũng cần đặt các đầu bài nghiên cứu với cơ quan nhà nước, tổ chức KH&CN, đề xuất để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước đối với việc đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có năng suất, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Liên kết nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=403289