Thứ ba, 27/11/2018 10:41 GMT+7

Phát huy vai trò các tổ chức khoa học và công nghệ

Nhiều năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có nhiều thành tích trong công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN). Hằng năm, nhiều đề tài nghiên cứu các cấp đã được triển khai, các thành tựu KH&CN đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được nâng cao, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp thực tế.


Mô hình sản xuất giống cây áp dụng công nghệ cao của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Ảnh: Trần Việt

 

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có 86 hội chuyên ngành, hoạt động trong phạm vi toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, có 482 tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc, được thành lập theo Luật KH&CN. Các tổ chức KH&CN hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm, và đó là môi trường tốt để tập hợp lực lượng cán bộ KH&CN, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi tổ chức KH&CN có gần 20 người, chủ yếu là những người được đào tạo, có trình độ chuyên môn, như vậy hàng chục nghìn vị trí việc làm đã được tạo ra từ các tổ chức này. Trong điều kiện hiện nay, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam còn hạn chế về tiềm lực cơ sở vật chất, nhân sự, nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động, nhưng hoạt động vẫn khá hiệu quả, có đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phần lớn các tổ chức đi theo hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học hoặc nghiên cứu tập trung vào các nhiệm vụ đòi hỏi đầu tư ít về cơ sở vật chất, như: Khoa học xã hội, tâm lý - giáo dục, các vấn đề giới, trẻ em, xã hội, các chính sách cho quyền con người, các vấn đề bức thiết với người dân như lâm, nông, ngư nghiệp. Trong đó, một số tổ chức KH&CN có thế mạnh nghiên cứu về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, y học, xã hội học,… Bên cạnh đó, một số tổ chức đã mạnh dạn nghiên cứu sâu về các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, như: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học. Rất nhiều các dự án, mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai nhân rộng hiệu quả.

Có được các kết quả đáng khích lệ trên là nhờ những chính sách thông thoáng của Nhà nước. Khi Luật KH&CN năm 2013 có hiệu lực, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị định số 08/2014/NÐ-CP ngày 27-1-2014; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN. Các quy định pháp luật đã tạo môi trường tốt hơn để các tổ chức KH&CN, trong đó có các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, các tổ chức KH&CN còn gặp một số khó khăn, như: Vấn đề áp dụng chính sách thuế; khó tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước; rất ít các văn bản của nhà nước đề cập, điều chỉnh đối tượng là tổ chức KH&CN ngoài công lập; chưa có quy định phân định rõ về tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận; quy trình phê duyệt các dự án viện trợ còn phức tạp. Bên cạnh đó, năng lực tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN còn hạn chế, tính ổn định không cao.

Để tiếp tục phát triển bền vững các tổ chức KH&CN trực thuộc, thời gian tới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện một số các giải pháp như: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các tổ chức KH&CN; tăng cường sự kết nối giữa các hội thành viên với các tổ chức KH&CN trực thuộc; tích cực hỗ trợ các tổ chức KH&CN về các thủ tục hành chính, tiếp cận thông tin, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước về hoạt động KH&CN cho các tổ chức KH&CN; hướng dẫn, điều phối, hỗ trợ các tổ chức KH&CN trong nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động, tiếp cận các nguồn tài chính. Ðồng thời, tăng cường giao lưu, liên kết giữa các tổ chức trực thuộc, giới thiệu mô hình tổ chức KH&CN hoạt động có hiệu quả để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN tham gia các chương trình, dự án, đề tài để qua đó tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phối hợp các Bộ: Tài chính, KH&CN và các cơ quan chức năng hỗ trợ các tổ chức trong việc huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn; đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức KH&CN hoạt động tốt.

TS Phạm Văn Tân

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/38342802-phat-huy-vai-tro-cac-to-chuc-khoa-hoc-va-cong-nghe.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 4919

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)