Thứ tư, 29/03/2017 14:25 GMT+7

Hội thảo “Mạng lưới quan trắc phóng xạ toàn cầu và Hệ thiết bị đo tự động hoạt độ phóng xạ của Xenon”

Sáng ngày 23/03/2017, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (KH&KTHN) kết hợp với Công ty Cổ phần tư vấn Công nghệ và Thiết bị Phan Lê và đại diện Tập đoàn Environnement S.A (ESA) của Pháp đã tổ chức hội thảo “Mạng lưới quan trắc phóng xạ toàn cầu và Hệ thiết bị đo tự động hoạt độ phóng xạ Xenon”. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hào Quang – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), đại diện Công ty Phan Lê và đông đảo các cán bộ của Viện KH&KTHN.

 

TS. Serge S. Aflalo - Phó Chủ tịch Tập đoàn đã giới thiệu tóm tắt về ESA. Đây là một Tập đoàn lớn có mạng lưới phân phối tại 65 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn chuyên sản xuất các thiết bị quan trắc ô nhiễm môi trường (không khí, nước); thiết bị quan trắc phát thải liên tục; quan trắc phóng xạ…

 

Tiếp đó, TS. Serge S. Aflalo đã giới thiệu về Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO). Một trong những nhiệm vụ chính của tổ chức này là xây dựng Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, theo dõi việc tuân thủ của các quốc gia thành viên và phát hiện các vụ nổ hạt nhân được tiến hành trên trái đất (dưới lòng đất, dưới nước hoặc trong không khí). Với hệ thống quan trắc Quốc tế (IMS), CTBTO có thể phát hiện các vụ nổ hạt nhân trên trái đất nhờ các thiết bị máy móc hiện đại, có thể đo đạc và phát hiện được các tín hiệu địa chấn, tín hiệu thủy âm, âm thanh và các hạt nhân phóng xạ. Hiện nay mạng lưới IMS có 321 trạm quan trắc, 16 phòng thí nghiệm hạt nhân phóng xạ được đặt tại 89 quốc gia trên toàn thế giới. Toàn bộ số liệu quan trắc đều được gửi về Trung tâm Dữ liệu quốc tế đặt tại trụ sở CTBTO – Viên, Áo.

 

 

Khi có một vụ nổ hạt nhân xảy ra, các sản phẩm phân hạch gắn với các hạt bụi (son khí phóng xạ) sẽ lan truyền trong không khí theo các luồng gió. Khí Xenon phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất sẽ len lỏi qua các lớp đá, thoát ra ngoài bầu khí quyển và sau đó có thể được phát hiện bởi các trạm quan trắc đặt cách xa vụ nổ hàng nghìn cây số. Hệ thống IMS hiện nay của CTBTO, có 14 trạm quan trắc sử dụng hệ thiết bị đo hoạt độ Xenon phóng xạ tự động SPALAX của Công ty Environnement SA.

TS. Serge S. Aflalo đã giới thiệu và cung cấp các thông tin về hệ thiết bị SPALAX. Thiết bị này có thể hoạt động liên tục 24h/ngày để thu góp và xử lý mẫu, sau đó mẫu được phân tích trên hệ phổ kế gamma bán dẫn siêu tinh khiết dải rộng và  cho phép phát hiện được 4 đồng vị phóng xạ của Xenon bắt nguồn từ các vụ nổ hạt nhân trong không khí hoặc do sự dò rỉ ra không khí từ các lò phản ứng hạt nhân dân dụng. Tất cả các quá trình trong hệ thiết bị SPALAX đều được thực hiện một cách tự động qua 4 giai đoạn: Giai đoạn hút mẫu khí; Giai đoạn xử lý mẫu khí và chuẩn bị mẫu đo; Giai đoạn xác định lượng mẫu đo Xenon và Giai đoạn đo mẫu, xác định hoạt độ phóng xạ. Cuối bài trình bày, ông đã trả lời chi tiết tất cả các câu hỏi của các cán bộ nghiên cứu liên quan đến mạng lưới giám sát phóng xạ toàn cầu và hệ thiết bị đo hoạt động Xenon tự động.

 Buổi Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, qua đây các cán bộ nghiên cứu trong Viện đã hiểu thêm được về mạng lưới giám sát phóng xạ toàn cầu và đặc biệt là các thông tin liên quan đến hệ thiết bị đo hoạt động Xenon tự động SPALAX.

Nguồn: Viện NLNTVN

Lượt xem: 3192

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)