Thứ năm, 27/04/2017 20:01 GMT+7

Tạo phong trào sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ rộng khắp để nâng cao năng suất chất lượng

“Phấn đấu đến năm 2020, kết nối mạnh mẽ các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trình độ cao với các doanh nghiệp; Góp phần hình thành các doanh nghiệp mạnh, có khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế, hình thành các sản phẩm chủ lực quốc gia; Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam”.

Đây là một trong những mục tiêu của Đề án Tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu tại Tọa đàm về Tổ chức phong trào “Đoàn kết sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” tổ chức chiều 27/4/2017 tại Hà Nội.

Tham dự buổi Tọa đàm có đồng chí Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN); Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch MTTQVN; các tổ chức thành viên của MTTQVN, thành viên Ban soạn thảo Đề án; đại diện Ủy ban MTTQVN một số tỉnh/thành phố; đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương (Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương…); các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn báo chí…



Toàn cảnh buổi Tọa đàm


Báo cáo tại buổi Tọa đàm, ông Trần Văn Sinh – Trưởng ban Phong trào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thời gian qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã có hàng vạn công trình được hoàn thành; hàng vạn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Thông qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua các cấp, những điển hình tiên tiến được Nhà nước và các cấp, các ngành, đoàn thể ghi nhận, khen thưởng.

Tuy nhiên, ở một số ngành, tổ chức và địa phương việc triển khai các phong trào thi đua chưa thường xuyên, liên tục, còn hình thức, chưa thực sự lấy phát huy sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị làm động lực, chậm đổi mới nội dung và hình thức cũng như biện pháp tổ chức phong trào thi đua.

Các gương điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều, thành tích đạt được giá trị cao và mang ý nghĩa quan trọng, song việc nuôi dưỡng nhân tố mới và nhân rộng gương điển hình tiên tiến còn nhiều hạn chế. 

Các phong trào thi đua của các tổ chức chưa có sự liên kết để chia sẻ kinh nghiệm và tạo nên hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, chưa khơi dậy được sự đoàn kết, sức sáng tạo trong cả nước và các tầng lớp nhân dân. Vai trò của KH&CN và sức sáng tạo của người Việt Nam chưa thực sự được chú trọng.

Chính sách phát triển và ứng dụng KH&CN tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh chưa có đột phá, chưa thực sự thúc đẩy sự sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là phát huy đội ngũ trí thức.

Vì vậy Đề án được xây dựng nhằm tổ chức phong trào “Đoàn kết sáng tạo” trên cơ sở quy tụ, hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển các phong trào hiện có thành một phong trào chung rộng khắp trong cả nước nhằm khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam và toàn dân tộc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, lao động sản xuất, kinh doanh đến hoạt động quản lý nhà nước để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi.

Thông qua phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, khơi dậy niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về ứng dụng hiệu quả thành tựu KH&CN, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, khuyến khích phát triển tài năng sáng tạo.

Cụ thể, Đề án phấn đấu đến năm 2020, hoạt động sáng tạo ở các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ quan, các ngành, các giới, các địa phương trở thành phong trào được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của người lao động, thanh niên dần trở thành một yếu tố văn hóa (văn hóa sáng tạo) trong cuộc sống của người Việt Nam. Định hình cơ bản các chính sách để tạo ra hệ sinh thái sáng tạo ở Việt Nam.

“Kết nối mạnh mẽ các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trình độ cao với các doanh nghiệp. Góp phần hình thành các doanh nghiệp mạnh, có khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế, hình thành các sản phẩm chủ lực quốc gia. Phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN ở Việt Nam. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về các nhà khoa học Việt Nam, các công nghệ sẵn sàng chuyển giao” – ông Sinh nêu.

Để thực hiện thành công phong trào, Đề án đã đưa ra nhiều nội dung và giải pháp cụ thể. Trong đó xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để phổ biến, hỗ trợ áp dụng các chính sách về khuyến khích nghiên cứu khoa học, áp dụng các công nghệ mới, phát triển nhân lực trình độ cao và giám sát thực hiện các chính sách vể phát triển KH&CN.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực KH&CN, phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật Việt Nam ở trong nước, trước hết các nhà khoa học ở các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học nước ngoài có hoạt động hỗ trợ Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN, hỗ trợ đảm bảo quyền sở hữu tài sản trí tuệ.

Đề án dự kiến triển khai trong 4 năm, bắt đầu từ năm 2017-2019, năm 2020 sẽ tổng kết 4 năm thực hiện phong trào và đề xuất tiếp tục thực hiện phong trào trong giai đoạn mới…

“Ủy ban Trung ương MTTQVN sẽ tổ chức phát động phong trào này vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5”, ông Sinh cho biết.

Tại buổi Tọa đàm, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức thành viên đã đánh giá cao mục tiêu của Đề án cũng như đưa ra nhiều ý kiến góp ý cụ thể về cách thức tổ chức, tên gọi và tiêu chí… để phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức chung chung, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để khuyến khích sự sáng tạo trong toàn xã hội.

Phát biểu kết luận, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến và báo cáo cụ thể với Chủ tịch Ủy ban MTTQVN để hoàn thiện Đề án và tiếp tục xin ý kiến trước khi ban hành. Trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu đề xuất với Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích nhà khoa học, và người dân tham gia vào các hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2832

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)