Thứ ba, 01/08/2017 17:07 GMT+7

Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học khối ngành kỹ thuật trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xem là động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo quan điểm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, 2005), ĐMST là việc thực hiện một sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới hoặc được cải tiến đáng kể về qui trình, kỹ thuật marketing hoặc một phương pháp tổ chức mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quan điểm này không chỉ nhấn mạnh tới toàn bộ quá trình bắt đầu từ ý tưởng tới triển khai thử nghiệm, cuối cùng tạo ra sản phẩm, dịch vụ và thương mại hóa thành công mà còn đề cập tới việc biến đổi một ý tưởng thành một sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cải tiến chất lượng sản phẩm hiện có với năng suất và chất lượng cao để đưa ra thị trường và được thị trường chấp nhận.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là chỉ số do Học viện Quản trị kinh doanh Châu âu (INSEAD), và các tổ chức như Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (FII), Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) phối hợp xây dựng, và được xem là thước đo khách quan dùng để đánh giá tổng thể các hoạt động trí tuệ thực hiện bởi cư dân ở một quốc gia. Chỉ  số này xem xét sự đổi mới sáng tạo không chỉ dưới góc độ những bài báo khoa học, những kết quả trong những phòng thí nghiệm, mà còn bao gồm cả những đổi mới, sáng tạo về công nghệ, tổ chức quản lý xã hội cũng như về các mô hình kinh doanh. Năm 2015, trên Bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu Việt Nam tăng 19 bậc đứng thứ 52 (so với vị trí 71 năm 2014 và 76 năm 2013) trên tổng số 141 nền kinh tế, năm 2016 xếp hạng thứ 59 trên tổng số 128 nền kinh tế. So khu vực, chỉ số ĐMST Việt Nam đã được cải thiện, đứng thứ 3 năm 2015 trong các nước Đông Nam Á (sau Malaysia và Singapore) và thứ 4 năm 2016 (sau Thái Lan, Malaysia và Singapore). Hầu hết các chỉ số về thể chế, nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, đầu ra công nghệ và tri thức, v.v. của Việt Nam đều có sự tăng bậc ngoạn mục.

Chỉ số ĐMST của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2016 (Hình 1).

Nguồn: Xử lý số liệu từ https://www.globalinnovationindex.org/

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với vai trò trung tâm của công nghệ số trên cơ sở tiếp nối thành quả của cuộc cách mạng số hoá diễn ra mấy chục năm qua từ khi có máy tính. Bước vào kỷ nguyên 4.0 được xem là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người. Việt Nam hiện có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia, trung bình có tới 95% doanh nghiệp sử dụng internet; 92% doanh nghiệp sử dụng email… Vì vậy, Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy ĐMST để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển, tận dụng được những lợi thế đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ mới, đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Kể từ khi Luật Khoa học và Công nghệ 2013 được ban hành, hoạt động thúc đẩy ĐMST được lồng ghép trong các Luật, Quyết định, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư và các loại văn bản khác có liên quan đến hoạt động thương mại hóa, đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các trung tâm ĐMST trong trường đại học, v.v. Trong thời gian qua, các cơ chế, chính sách của nhà nước đã bước đầu tạo ra hàng lang pháp lý, cơ chế thông thoáng cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST, trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp, trung tâm ĐMST trong các trường đại học được xem là trung tâm. Một số cơ chế, chính sách điển hình như:

1. Thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) và thực hiện các hình thức hỗ trợ, tài trợ thông qua Quỹ. Cụ thể, doanh nghiệp được tài trợ, hỗ trợ trực tiếp để thực hiện các đề tài, dự án như (Thông tư số 06/2014/TT-BKHCN ngày 25/4/2014): Tìm kiếm, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế đối với các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới; Ươm tạo công nghệ; sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; Đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, ứng dụng công nghệ; Chuyển giao, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia; Nghiên cứu lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; Tìm kiếm, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, cải tiến kỹ thuật cho phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

2. Thực hiện Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo, hỗ trợ để nâng cấp các sản phẩm, hỗ trợ truyền đạt bí quyết kinh doanh tư vấn trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

3. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày ngày 18 tháng 05 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Các cơ chế, chính sách trên là hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy ĐMST trong cộng đồng xã hội trong đó các trường đại học được xem là chủ thể quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và khởi nghiệp. Để triển khai hiệu quả các chương trình, đề án nêu trên, cần có tổ chức trung gian với vai trò tư vấn, hỗ trợ, kết nối các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các trường đại học với các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, quỹ gọi vốn cộng đồng, huấn luyện viên... để tìm kiếm nguồn lực đầu tư vào các ý tưởng công nghệ có tiềm năng thương mại hóa. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy một trong những mô hình phổ biến và hiệu quả hiện nay là thành lập các trung tâm ĐMST trong trường đại học có khối ngành kỹ thuật. Chẳng hạn, ở Mỹ rất nhiều trường đại học thành lập các trung tâm ĐMST điển hình có Đại học Ohio, Đại học Michigan, Đại học Texas, v.v. Ở Anh quốc, Trường Đại học Manchester thành lập Công ty đổi mới sáng tạo của Trường (Univerisity’s Innovation Company) thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng thông qua 2 đơn vị trực thuộc là Trung tâm đổi mới sáng tạo (Innovation Centre - UMIC) cung cấp hạ tầng (văn phòng, phòng lab) để hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp dựa trên công nghệ và Bộ phận dịch vụ thương mại hóa tài sản trí tuệ (UMIP) thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường thông qua việc bán, chuyển giao tài sản trí tuệ, bán cổ phần từ các công ty spin-out, v.v.

Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo trong trường đại học khối ngành kỹ thuật

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và trong thị trường KH&CN, các trung tâm ĐMST được xem là mô hình hiệu quả, phổ biến hiện nay vì vừa đóng vai trò là tổ chức trung gian hỗ trợ kết nối các thành phần trên thị trường KH&CN và trong hệ sinh thái khởi nghiệp vừa là tổ chức thực hiện vai trò của một đơn vị nghiên cứu, một nhà đầu tư.

Mô hình các trung tâm ĐMST trong các trường đại học là sự kết hợp mô hình cũ là các tổ chức chuyển giao công nghệ (TTO), văn phòng lixăng công nghệ (TLO) cung cấp các dịch vụ quản lý, bảo hộ quyền SHTT, thương thảo để chuyển giao công nghệ là kết quả nghiên cứu của trường đại học đồng thời bổ sung thêm  các chức năng phù hợp với xu thế ĐMST hiện nay, đó là tư vấn cho các sinh viên trong trường đại học về khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng công nghệ của sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối, huy động vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ gọi vốn cộng đồng, các nhà đầu tư thiên thần, v.v. cho các cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá thị trường công nghệ, nhu cầu công nghệ làm cơ sở định hướng nghiên cứu cho trường đại học, v.v.

Ở Việt Nam mặc dù đang có xu hướng hình thành các trung tâm ĐMST cả khu vực công lập và tư lập, chẳng hạn Tập đoàn công nghệ CMC vừa thành lập Trung tâm ĐMST nhằm mục đích tìm kiếm, ươm tạo, đầu tư vào các ý tưởng công nghệ, kết nối cộng đồng công nghệ, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm sáng kiến hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp, trong hệ thống các trường đại học khối ngành kỹ thuật hiện nay, thực tế cho thấy việc thành lập các trung tâm này còn hạn chế.

Hình 2: Mô hình trung tâm ĐMST trong trường đại học có khối ngành kỹ thuật

Mô hình trung tâm ĐMST trên kế thừa mô hình của một số trường đại học trên thế giới. Đặc điểm của mô hình này là sự kết hợp mô hình các tổ chức chuyển giao công nghệ (TTO), văn phòng li-xăng công nghệ (TLO), v.v. cộng thêm chức năng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho các sinh viên, thạc sỹ, nghiên cứu sinh, giảng viên trong trường đại học thông qua các hình thức tư vấn, hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, hỗ trợ ươm tạo ý tưởng công nghệ, v.v.

Theo mô hình trên, đầu vào của trung tâm ĐMST là các kết quả nghiên cứu hình thành từ các đề tài, dự án của trường được đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc trên sở hợp tác với các doanh nghiệp hoặc các cơ sở nghiên cứu khác và các ý tưởng công nghệ của các sinh viên, thạc sỹ, nghiên cứu sinh, giảng viên, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học.

Về hình thức pháp lý của tổ chức: Trung tâm ĐMST là đơn vị trực thuộc trường đại học, có con dấu, chữ ký, pháp nhân độc lập. Giai đoạn đầu có thể được trường cấp kinh phí để bộ máy hành chính hoạt động.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy như Hình 3, nhân sự của Trung tâm ĐMST phải nắm chắc kiến thức về pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp ĐMST, các quy trình, thủ tục đấu thầu, ... có kinh nghiệm, năng lực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, hiểu biết, nắm bắt xu hướng công nghệ trong nước và trên thế giới.

Con đường để phát triển nền kinh tế mạnh và bền vững, bắt kịp xu hướng của thế giới chính là dựa trên các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ các doanh nghiệp này, cùng với chính sách thu hút và đào tạo tri thức, viễn cảnh để hình thành nên những công ty, tập đoàn mang tầm vóc khu vực là thế giới là hoàn toàn khả thi. Các tập đoàn lớn hiện nay như Google, Facebook, Microsoft, Ebay, Apple, Nokia,… đều được bắt nguồn từ ý tưởng của những người còn rất trẻ và đều trải qua giai đoạn là các công ty đổi mới sáng tạo nhỏ lẻ. Trên con đường đó, trung tâm ĐMST trong các trường đại học có khối ngành kỹ thuật đóng vai trò quan trọng vì là cầu nối, tư vấn, hỗ trợ các sinh viên, giảng viên của trường khởi nghiệp với các ý tưởng công nghệ có tiềm năng thương mại hóa với các quỹ đầu tư. Việc hình thành, phát triển các trung tâm ĐMST và từng bước kết nối với mạng lưới các trung tâm ĐSMT toàn cầu sẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Lượt xem: 3391

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)