Thứ tư, 20/12/2017 15:00 GMT+7

Một quyết định góp phần mở ra một chuyên ngành khoa học mới tại Việt Nam – chuyên ngành Tế bào gốc

Cho đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 24 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước/cấp quốc gia về tế bào gốc, trong đó có 16 nhiệm vụ đã được nghiệm thu chính thức, 06 nhiệm vụ đang triển khai và 02 nhiệm vụ triển khai trong kế hoạch năm 2018.

Một hoạt động của Ngân hàng tế bào gốc (Nguồn: BV Vinmec)

Ngày 14/01/2008, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Quyết định số 53/QĐ-BKHCN của phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước đến 2015 về “Xây dựng hệ thống Ngân hàng tế bào gốc và ứng dụng trong Y sinh học”.

Việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam bắt đầu từ khá sớm và đã gặt hái một số thành tựu nhất định trong điều trị bệnh hiểm nghèo, chủ yếu là các bệnh lý về máu và cơ quan tạo máu. Năm 1995, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhóm của Giáo sư Trần Văn Bé đã tiến hành và thành công trong việc ghép tế bào gốc tạo máu tuỷ xương để điều trị bệnh nhân bạch cầu dòng tuỷ. Sau đó, Bệnh viện Trung ướng Huế, Bệnh viện 108 và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng tiến hành nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư máu, suy tủy.

Mặc dù vậy, các kết quả nghiên cứu thường diễn ra lẻ tẻ, chưa có định hướng nghiên cứu rõ rệt vì vậy cho đến năm 2005, số lượng bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc còn rất khiêm tốn.

Để tăng cường đầu tư nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh ở người, ngày 14/01/2008, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 53/QĐ-BKHCN phê duyệt mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước đến năm 2015 “Xây dựng hệ thống ngân hàng tế bào gốc và ứng dụng trong Y sinh học”.

Mục tiêu là tiếp cận, triển khai và nghiên cứu các kỹ thuật phân lập, bảo quản các loại tế bào gốc từ các nguồn khác nhau để xây dựng ngân hàng tế bào gốc ở Việt Nam; Làm chủ được quy trình phân lập, bảo quản, biệt hoá và tăng sinh các tế bào gốc thành một số chế phẩm tế bào đã biệt hoá để ứng dụng trong nghiên cứu cơ bản và điều trị bệnh; Ứng dụng  thành công tế bào gốc và tế bào được biệt hoá từ tế bào gốc trong Y - Sinh học.

Nội dung của nhiệm vụ là xây dựng hệ thống ngân hàng tế bào gốc ở Việt Nam; Xây dựng quy trình kỹ thuật phân lập, bảo quản tế bào gốc từ các nguồn khác nhau; Nghiên cứu quy  trình biệt hoá tế bào gốc thành các chế phẩm tế bào biệt hoá để ứng dụng trong nghiên cứu cơ bản và điều trị bệnh;  ghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong Y Sinh học.

Để điều phối hoạt động nghiên cứu tế bào gốc theo định hướng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-BKHCN ngày 26/02/2008 và Quyết định số 3443/QĐ-BKHCN ngày 04/11/2011 thành lập Ban Điều phối do GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng làm Trưởng ban. Ban Điều phối hoạt động chủ yếu vì mục đích khoa học, không có chế độ phụ cấp như các Ban chủ nhiệm các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm.
 

               

Một kết quả nghiên cứu về tế bào gốc ngoại bì thần kinh trong điều trị Parkinson (Nguồn: Trường Đại học Y Hà Nội)
 

Trong giai đoạn từ 2008 đến 2015, các nhiệm vụ KH&CN về tế bào gốc được phê duyệt và triển khai bám sát mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm theo Quyết định số 53/QĐ-BKHCN dưới dạng cụm đề tài độc lập cấp nhà nước. Từ năm 2016, các nhiệm vụ về tế bào gốc được phê duyệt trong Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, mã số: KC.10/16-20.

Cho đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 24 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước/cấp quốc gia về tế bào gốc, trong đó có 16 nhiệm vụ đã được nghiệm thu chính thức, 06 nhiệm vụ đang triển khai và 02 nhiệm vụ triển khai trong kế hoạch năm 2018.

Qua các nhiệm vụ, chúng ta đã xây dựng được ngân hàng tế bào gốc tại Công ty Cổ phần hóa dược Mekophar, Ngân hàng tế bào gốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, đã làm chủ được các quy trình phân lập tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi, từ máu cuống rốn, từ mô mỡ, màng ối, tủy răng và màng dây rốn v.v. Các quy trình định danh, bảo quản, đánh giá chất lượng tế bào gốc cũng được hoàn thiện. Nhiều quy trình sử dụng tế bào gốc đã được hoàn thiện trong điều trị bệnh như bệnh thoái hóa khớp, ung thư máu và cơ quan tạo máu, bệnh tổn thương bề mặt nhãn cầu, bỏng, chậm liền xương, khớp giả, suy tim sau nhồi máu cơ tim, tổn thương tủy sống v.v. đặc biệt nhiều cơ cở trong cả nước đã tham gia hoạt động nghiên cứu về tế bào gốc như Học viện Quân y, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện quân y 103, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec v.v.
 

Phân lập tế bào gốc từ mô mỡ (Nguồn: Viện Bỏng quốc gia)
 

Trong thời gian tới, định hướng nghiên cứu tế bào gốc sẽ tập trung nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở nghiên cứu về tế bào gốc; Tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nhận công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới; Tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh ở người; Nghiên cứu biệt hóa tế bào gốc thành các tổ chức, cơ quan nhằm thay thế các tổ chức, cơ quan của cơ thể; Nghiên cứu thiết lập Ngân hàng tế bào gốc “sống” trong cộng đồng; Nghiên cứu chế tạo, sản xuất các vật tư, hóa chất, thiết bị phục vụ cho nghiên cứu tế bào gốc; Mở rộng hoạt động nghiên cứu về tế bào gốc trong các lĩnh vực khác như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản v.v...

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Lượt xem: 3363

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)