Thứ sáu, 05/10/2018 07:35 GMT+7

Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn tham gia Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 2395) tại thành phố Hồ Chí Minh

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 9 năm 2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị giới thiệu Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 2395) và xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 2395. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đại diện các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp tại khu vực phía Nam.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, về phía Ban điều hành Đề án 2395 có: Ông Đỗ Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ KH&CN, Phó Trưởng Ban thường trực Ban điều hành Đề án 2395; Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Phó Trưởng Ban điều hành Đề án 2395; Ông Trần Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, thành viên Ban điều hành Đề án 2395.

Ngày 25 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2395/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Đề án nhằm thực hiện nhiệm vụ về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài được quy định tại Luật KH&CN năm 2013 và Nghị định số 40/2014/NĐ-CP. Điểm nổi bật của Đề án 2395 là hướng tới nhóm nhân lực KH&CN trình độ cao, nhóm nhân lực dẫn đầu có vai trò định hướng, dẫn dắt, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN của nước nhà. Đề án còn hướng tới phát triển nhóm nghiên cứu mạnh làm nòng cốt để giải quyết những vấn đề KH&CN quan trọng, phục vụ các hướng nghiên cứu mới và nhóm nhân lực quản lý KH&CN. Điểm đặc biệt của Đề án này quan tâm đến phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN trong khu vực doanh nghiệp nên Đề án 2395 được xem như một trong các giải pháp chính sách đột phá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực KH&CN hiện nay.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Đỗ Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ KH&CN, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Điều hành Đề án 2395 khẳng định: đội ngũ nhân lực KH&CN hiện nay vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm như Chất lượng nhân lực KH&CN ở nhiều viện nghiên cứu, trường đại học bị tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng; Thiếu nghiêm trọng các nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành đủ tầm dẫn dắt, định hướng phát triển KH&CN đất nước; Chưa có nhiều tập thể khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh có uy tín ở khu vực và quốc tế để cùng góp sức giải quyết những vấn đề KH&CN khó khăn, phức tạp, mang tính liên ngành, liên lĩnh vực; Đội ngũ nhân lực quản lý KH&CN chưa có phương pháp quản lý chuyên nghiệp, khoa học để khai thác tối đa tiềm lực KH&CN trong nước. Do đó, đóng góp của KH&CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn; KH&CN chưa phát huy được vai trò là động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

 


Ông Đỗ Việt Trung phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Với quan điểm đầu tư cho KH&CN là đầu tư phát triển, trong đó nguồn nhân lực KH&CN, nhất là nhân lực KH&CN trình độ cao giữ vai trò quyết định, trong những năm qua, Nhà nước ta đã quan tâm và có nhiều biện pháp, chính sách ưu đãi, đầu tư cho hoạt động đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực KH&CN. Đề án 2395, do Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cùng phối hợp triển khai sẽ góp phần sớm hoàn thành mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý, nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, hình thành lực lượng chuyên gia khoa học và công nghệ trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để giúp các nhà khoa học, nhà quản lý nắm bắt được thông tin về Đề án 2395, tại Hội nghị, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ - Đơn vị quản lý Đề án 2395, đã có bài trình bày giới thiệu thông tin chung về những nội dung cơ bản của Đề án 2395. Bên cạnh đó, đại diện Học viện KH,CN&ĐMST – Đơn vị được giao thường trực triển khai Đề án 2395 đã phổ biến, hướng dẫn chi tiết các điều kiện, tiêu chí, quy trình và thủ tục tham gia Đề án.

Với những thông tin được giới thiệu tại Hội nghị này, các đại biểu đã đánh giá rất cao các mục tiêu, nội dung và cách thức triển khai Đề án 2395 và đồng thời đã có thảo luận, trao đổi sôi nổi và đặt nhiều câu hỏi liên quan tới Đề án. Các vấn đề liên quan đến thực tiễn triển khai Đề án được nhiều đại biểu quan tâm, cụ thể như: tiêu chí tham gia của từng nhóm đối tượng, thủ tục và quy trình tham gia Đề án; phương thức cấp kinh phí, tiến độ cấp kinh phí cũng như yêu cầu đầu ra của từng nhóm đối tượng của Đề án; những quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 2395… Đại diện Ban Điều hành và các đơn vị được giao triển khai Đề án 2395 đã trao đổi và giải đáp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng thời Ban tổ chức cũng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu về công tác thực thi và quản lý Đề án.

 


Toàn cảnh Hội nghị

 

Bên cạnh giới thiệu và hướng dẫn tham gia Đề án 2395, Hội nghị còn giới thiệu tới các đại biểu về Chương trình hợp tác giữa Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Hội đồng Anh về đào tạo nâng cao nhân lực KH&CN vì mục tiêu phát triển bền vững – dự kiến triển khai trong hai năm 2018 và 2019. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực KH&CN.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã gửi lời cảm ơn tới các đại biểu tham dự và đã đặt những câu hỏi rất chi tiết và thẳng thắn đối với Đề án 2395 và bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị đã phần nào giải đáp, cung cấp và hỗ trợ những thông tin cần thiết đến các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu, các nhà quản lý để có thể đăng ký tham gia đào tạo và bồi dưỡng theo Đề án 2395. Đề án 2395 là một giải pháp chính sách mới với nhiều điểm ưu việt để góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại của đội ngũ nhân lực KH&CN nước ta hiện nay, và như vậy, sự tham gia tích cực của cộng đồng các nhà khoa học và các nhà quản lý trong lĩnh vực KH&CN đối với Đề án chính là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo mục tiêu và những giá trị cốt lõi Đề án.

 


Ông Hoàng Minh trả lời các câu hỏi của đại biểu trong phiên hỏi đáp

 

Thông qua việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 2395 tại Hội nghị đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu, các giảng viên đại học và các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp đối với cả 04 hình thức đào tạo, bồi dưỡng của Đề án 2395, trong đó nhu cầu lớn nhất là đào tạo, bồi dưỡng theo Nhóm. Với sự quan tâm này, Đề án 2395 chắc chắn sẽ sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Để tiếp tục phổ biến thông tin và tiếp cận đến các đối tượng của Đề án 2395, trong tháng 10 năm 2018, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị giới thiệu Đề án 2395 tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ./.

Nguồn: Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Lượt xem: 2189

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)