Thứ ba, 02/06/2020 16:44 GMT+7

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tổ chức Lễ Kỷ niệm thành lập và Giao vận hành chính thức Nền tảng IPPlatform

Chiều ngày 29/5/2020, tại Hà Nội, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm thành lập Viện (24/5/2007 – 24/5/2020) và Giao vận hành chính thức Nền tảng IPPlatform.

Tham dự buổi lễ có các đồng chi Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ; lãnh đạo một số đơn vị, tổ chức trong và ngoài Bộ; lãnh đạo các tổ chức đối tác; các đơn vị truyền thông; các chuyên gia và toàn thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Viện.
 

Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm.
 

Mở đầu chương trình, Viện trưởng Tạ Quang Minh đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động của Viện kể từ ngày thành lập. Báo cáo đã nêu bật các kết quả nổi bật về nghiên cứu khoa học; đào tao, huấn luyện; tư vấn, giám định; dịch vụ thông tin SHCN, đặc biệt là thành tích xây dựng và vận hành thử nghiệm thành công Nền tảng IPPlatform phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về SHCN; tạo lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
 

Viện trưởng Tạ Quang Minh báo cáo kết quả hoạt động của Viện.
 

Trong bài phát biểu chào mừng, chỉ đạo của mình, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã ghi nhận các kết quả quan trọng của Viện, biểu dương sự đóng góp không nhỏ và quan trọng của Viện vào “chuỗi nghiên cứu, phát triển, đổi mới, sáng tạo” ngành KH&CN nước nhà. Bộ trưởng kỳ vọng Viện phấn đấu, nỗ lực và đạt nhiều thành tích hơn nữa đặc biệt là tăng cường năng lực nghiên cứu, bảo đảm chất lượng cao để tiếp tục phục vụ hiệu quả cho hoạt động chuyên môn, dịch vụ của Viện và hoạt động quản lý nhà nước (xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn thực thi chính sách, pháp luật…) của Bộ về SHTT; tổ chức xây dựng và triển khai tốt chiến lược đào tạo về SHTT; tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, giám định, định giá tài sản trí tuệ, coi đây là mảng công việc đặc thù, khác biệt của Viện so với các đơn vị khác, góp phần nhiều hơn nữa cho phát triển hoạt động chung của Bộ. Trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ cùng tập thể Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Viện và các Viện khác của Bộ tiếp tục phát triển.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu chào mừng, chỉ đạo tại buổi lễ .
 

Phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn trình bày Báo cáo về việc xây dựng, vận hành thử nghiệm và hướng phát triển Nền tảng IPPlatform. Kể từ khi vận hành thử nghiệm Nền tảng IPPlatform (06/2019) đến 04/2020, đã có tổng cộng 32.747 lượt truy cập với 342.328 trang, 4.654 người truy cập mới; có hơn 50 lượt yêu cầu thực hiện dịch vụ tư vấn về SHTT, gần 10 lượt cập nhật thông tin và hơn 10 lượt yêu cầu đăng thông tin trên sàn giao dịch.
 

Phó Viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn báo cáo về việc xây dựng, vận hành thử nghiệm và hướng phát triển Nền tảng IPPlatform.
 

Nhờ những tiện ích mang lại từ IPPlatform đối với hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và hoạt động khai thác thông tin SHCN phục vụ nghiên cứu, tạo lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, IPPlatform đã được nhiều đơn vị thiết lập Trạm IPPlatform và xây dựng giao diện quản trị tài sản trí tuệ kết nối với Nền tảng IPPlatform: Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Sở KH&CN Bắc Giang, Sở KH&CN Hà Tĩnh, Sở KH&CN Nghệ An, Sở KH&CN Phú Thọ, Sở KH&CN Bình Định, Sở KH&CN Quảng Ninh…, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức… Với những tiện ích ưu việt nói trên so với những công cụ khai thác thông tin SHCN trước đây, Nền tảng IPPlatform đã nhận được Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2019.

Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả đạt được của Viện trong thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, Viện là một trong những đơn vị trụ cột, có vai trò quan trọng trong hệ thống SHTT và tin tưởng rằng với những nỗ lực và sự đoàn kết, Viện sẽ ngày càng có đóng góp to lớn cho hoạt động SHTT.

Sau khi đánh giá cao về Nền tảng IPPlatform, giao Viện cùng với các đơn vị phối hợp vận hành ổn định, cập nhật thông tin đầy đủ cho Nền tảng này để phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã bấm nút vận hành chính thức Nền tảng IPPlatform - Phiên bản 1.0.

 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc bấm nút vận hành chính thức Nền tảng IPPlatform.
 

Với thành tích xây dựng thành công Nền tảng IPPlatform, Viện cùng với các đơn vị phối hợp là Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ Mitec đã vinh dự được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Bằng khen của Bộ trưởng.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các đơn vị xây dựng Nền tảng IPPlatform.
 

Phát biểu tại buổi Lễ, nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đánh giá cao sự đoàn kết, tinh thần làm việc chuyên nghiệp của cán bộ, viên chức Viện và tin tưởng rằng, Viện sẽ ngày càng có nhiều đóng góp hơn nữa cho hoạt động SHTT phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khai thác thông tin phục vụ tạo dựng và phát triển TSTT.
 

Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong Bộ KH&CN phát biểu tại buổi lễ.
 

Cũng tại buổi Lễ, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng đã tặng hoa cho các cán bộ được nhận Giấy khen của Viện trưởng do có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Viện và xây dựng Nền tảng IPPlatform.
 

Viện trưởng Tạ Quang Minh tặng hoa cho các cá nhân có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Viện và xây dựng Nền tảng IPPlatform.

 

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm.
 

Kết thúc buổi Lễ, Viện trưởng Tạ Quang Minh trân trọng cảm ơn các đông chí Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc; nguyên Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong; Lãnh đạo các đơn vị, các đại biểu đã tham dự, gửi hoa chúc mừng, đánh giá cao và dành tình cảm chân thành cho Viện. Viện xin được tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, nguyên Lãnh đạo Bộ…, xin cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài Bộ và các chuyên gia để Viện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao./.
 

Kết quả nổi bật của Viện:

- Hoạt động nghiên cứu khoa học: chủ trì thực hiện 107 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó có 02 dự án cấp nhà nước, 13 đề tài cấp Bộ và 92 đề tài cấp cơ sở cùng với 18 bài báo là sản phẩm của hoạt động nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 01 bài báo được công bố trên tập san quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI (SSCI) vào đầu năm 2020.

- Hoạt động đào tạo, huấn luyện nhân lực về SHTT: triển khai nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện về quản trị TSTT, trong đó có 24 lớp đào tạo quản trị viên TSTT (phối hợp với Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh) với 629 học viên được đào tạo các mô-đun cấp độ chuyên viên, trưởng bộ phận và giám đốc quản trị TSTT, các khóa huấn luyện quản trị viên TSTT tại các tổ chức/doanh nghiệp như: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Đại sứ quán Úc … Kết quả triển khai các chương trình đào tạo, huấn luyện nói trên cho thấy hướng đi đúng đắn cần được đẩy mạnh và được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là khẳng định vai trò dẫn đường của Bộ trong việc định hướng mô hình phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam ngay khi tạo dựng TSTT đến khi thương mại hóa, bảo vệ TSTT mà không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức pháp luật và kỹ năng xác lập quyền SHTT.

- Hoạt động giám định về SHTT: tiếp nhận và xử lý 6.485 hồ sơ giám định các loại theo yêu cầu/trưng cầu của các tổ chức, cá nhân, trong đó có 736 hồ sơ theo trưng cầu của các cơ quan thực thi quyền SHTT như Tòa án, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra KHCN … và 5.749 hồ sơ theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Viện đã tiếp nhận và xử lý 283 hồ sơ giám định các loại, trong đó có 29 hồ sơ theo trưng cầu và 254 hồ sơ theo yêu cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Viện đã nhanh chóng áp dụng các hình thức cung cấp dịch vụ phù hợp, như nhận/trả đơn trực tuyến, giao dịch qua đường bưu điện, hỗ trợ giảm giá dịch vụ cho doanh nghiệp/cá nhân bị ảnh hưởng của dịch bệnh… Do đó, trong khoảng thời gian này hoạt động giám định về SHTT vẫn bảo đảm thông suốt, thường xuyên, với gần 100 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý đảm bảo tiến độ và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người nộp đơn.

- Hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về SHTT: Viện đang triển khai Dự án “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT ở trong và ngoài nước” và đã đạt được kết quả ban đầu: tiếp nhận và thực hiện tư vấn cho hơn 1.200 lượt doanh nghiệp về nhận dạng TSTT, xác lập quyền, khai thác thông tin, thương maị hoá TSTT…. Tiếp nhận và thực hiện hơn 100 yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khai thác thông tin SHCN, đăng ký bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT, thương mại hóa TSTT và quản trị TSTT. Thiết lập hệ thống đường dây nóng (1800 556863) để tiếp nhận và cung cấp tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp về SHTT.

- Phương hướng công tác trong thời gian tới: Tiếp tục các hoạt động nghiên cứu khoa học, huấn luyện quản trị TSTT, cung cấp các dịch vụ tư vấn, định giá, thông tin SHTT theo chức năng với sự bổ trợ của các công cụ thông tin như IPPlatform và ứng dụng các công nghệ mới (AI, Big data); Tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực của Viện đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới; Duy trì, vận hành và phát triển Nền tảng IPPlatform phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, tạo lập, bảo hộ, phát triển TSTT của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp, tư vấn và dịch vụ về phát triển TSTT tại các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong phạm vi cả nước.
 

 

 

Nguồn: Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2344

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)