Thứ năm, 24/09/2020 20:47 GMT+7

Chi bộ Trung tâm Đánh giá không phá hủy tổ chức chuyến đi tham quan, học tập chính trị tại di tích lịch sử Nhà tù Sơn La

Từ ngày 19/9-20/9/2020, Chi bộ Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) đã tổ chức đợt sinh hoạt chuyên đề tại Sơn La với nội dung tham quan, học tập tại khu di tích lịch sử, văn hóa Nhà tù Sơn La.

Tham dự  Đoàn có các đảng viên trong Chi bộ; đại diện các tổ chức đoàn thể (Công đoàn; Đoàn Thanh niên; Hội Cựu chiến binh và các bộ phận chức năng trong Trung tâm). Đặc biệt, Chi bộ Trung tâm NDE cũng vinh dự được đón các đảng ủy viên Đảng ủy Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; đại diện Văn phòng Viện cùng tham gia tìm hiểu và học tập.

Trong chuyến đi thực tế, Đoàn đã tham quan và được nghe giới thiệu về Nhà tù Sơn La. Năm 1908, Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng với diện tích ban đầu là 500 m2, sau đó được tiếp tục mở rộng vào những năm 1930 – 1940, sau 3 lần xây dựng và mở rộng có tổng diện tích lên 2170m2.

Nhà tù Sơn La cùng với Côn Đảo và Hỏa Lò là những “Địa ngục trần gian” với những chứng tích tàn bạo của chế độ thực dân. Từ năm 1930 – 1945, thực dân Pháp đã giam cầm 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1013 lượt tù nhân trong đó có rất nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương ủy viên như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy … Chúng đã biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đầy ải những người chiến sỹ cộng sản Việt Nam bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác nhằm tiêu diệt tinh thần, thể xác và làm nhụt ý chí cách mạng của những chiến sỹ cộng sản. Nhưng ngược với những mong muốn của chúng, chính tại nơi “Địa ngục trần gian” này, những tia sáng cách mạng đã lan tỏa khắp núi rừng Tây Bắc và trở thành một trường học cách mạng, nơi đây đã đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam mà nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu -  người chiến sĩ cộng sản kiên cường đã hy sinh khi mới 33 tuổi nhưng có 14 năm tuổi Đảng, đã từng bị đày ra Côn Đảo, rồi khổ sai ở ngục Sơn La cho tới khi qua đời. Mặc dù  bị giam hãm trong điều kiện hà khắc và bệnh tật hành hạ trong tù, đồng chí Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật và đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng, trở thành tấm gương cho nhiều đồng chí, đồng đội noi theo.
 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà tù Sơn La

 Nhà tù Sơn La - trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách kiên cường, khát vọng giành độc lập tự do; tinh thần lạc quan và sáng tạo của những người cộng sản; biểu tượng cao đẹp về tinh thần đại đoàn kết dân tộc và cũng là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử tố cáo tội ác dã man của chế độ thực dân, nơi rèn luyện ý chí cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, Nhà tù Sơn La được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.
 

Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên Bảng xếp hạng của di tích

Tiếp đó, Đoàn đã tới thăm công trình Bác Hồ với các đồng bào dân tộc Tây Bắc tại Quảng trường Tây Bắc, tỉnh Sơn La. Tại đây, Đoàn đã dành thời gian tìm hiểu và gặp gỡ đồng bào chủ yếu là dân tộc Thái để hiểu hơn tình cảm của người dân nơi đây dành cho Đảng và cho Bác Hồ kính yêu.

Chuyến tham quan, học tập thực tế tại Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đã để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp cho mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các công đoàn, đoàn viên thanh niên, là nguồn động viên tinh thần quý báu,  góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức chính trị từ hoạt động thực tiễn để các đảng viên thực hiện tốt hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hướng đến truyền thống, lịch sử oai hùng của dân tộc, luôn luôn tri ân các bậc tiền bối trong các thời kỳ kháng chiến./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1062

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)