Thứ năm, 17/12/2020 14:05 GMT+7

Khoa học Xã hội và Nhân văn - Cơ sở khoa học cho định hướng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang đã nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, con người Việt Nam trong bối cảnh mới và những vấn đề cần đặt ra cho Khoa học - xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) giai đoạn 2021 - 2026” vừa diễn ra ngày 16/12/2020 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự còn có Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Nam Hải; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đỗ Hồng Giang; đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; đại diện lãnh đạo Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN.

Về phía Ban chủ nhiệm Chương trình có GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ nhiệm Chương trình KX.01/16-20; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban kinh tế TW, thành viên Ban Chủ nhiệm; PGS.TS. Phan Xuân Biên, thành viên Ban Chủ nhiệm và gần 80 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành TW, địa phương; các nhà khoa học, nhà quản lý, cá nhân, đơn vị có liên quan.
 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn đặt phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, gắn công nghiệp hoá với hiện đại hoá, đồng thời xác định vai trò KH&CN là then chốt trong việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Điều này càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn khi đất nước đang hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới.

Theo đó, các hoạt động nghiên cứu KHXH&NV cần tiếp tục mang tính dẫn dắt, định hướng, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Sau gần 5 năm triển khai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình như: hơn 40% đề tài đã cung cấp các kết quả nghiên cứu, những luận cứ khoa học – là cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; 80% đưa ra nhiều kết quả bao gồm các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học,… Điều này đã góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu còn được công bố trên các tạp chí quốc tế, tại các hội thảo khoa học quốc tế, trên các tạp chí và hội nghị trong nước, sách chuyên khảo,… qua đó nâng cao nhận thức cho xã hội, cải thiện nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, Chương trình còn tập trung vào việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm theo mảng chuyên môn, đồng thời là trụ cột về mặt chuyên môn cho các cơ quan nghiên cứu về KHXH&NV trong việc cung cấp luận cứ khoa học, đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội đảng bộ các địa phương bằng những kết quả nghiên cứu của Chương trình và các đề tài khác.

Qua Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp, chia sẻ ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý,.. về những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV trong giai đoạn 2021-2026; tư vấn chính sách cho các Bộ, ngành địa phương cũng như giúp Bộ KH&CN có những định hướng phù hợp cho việc tái cơ cấu Chương trình trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Thọ Đạt cho biết, bên cạnh việc đạt được những mục tiêu cụ thể, Chương trình đã đưa ra ba trụ cột nghiên cứu gồm: nghiên cứu các vấn đề kinh tế; nghiên cứu về xã hội và quản lý xã hội; nghiên cứu về văn hóa con người và phát triển nguồn nhân lực. Thực tiễn việc triển khai Chương trình cho thấy những đóng góp đáng kể của KHXH&NV trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam thời gian qua.

Về định hướng triển khai, GS.TS. Trần Thọ Đạt cho biết thêm, Chương trình cần được tiếp tục thực hiện và tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm cấp quốc gia trong lĩnh vực KHXH&NV nhằm đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Đồng thời, các nghiên cứu cần hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững gắn với khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo, ngoài việc tập trung trao đổi về những vấn đề đặt ra cho KHXH&NV trong giai đoạn 2021 - 2026 trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Các đại biểu đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc; đề ra các giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai, đồng thời gửi tới Hội thảo một số tham luận như: những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam từ góc độ hội nhập và bối cảnh quốc tế hiện nay; quan điểm chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và những vấn đề nghiên cứu đặt ra cho KHXH&NV; KHXH&NV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ góc độ phát triển kinh tế vùng và địa phương…

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1249

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)