Thứ năm, 27/05/2021 11:15 GMT+7

Nghiên cứu, tính toán, thiết kế, chế tạo máy sàng làm sạch và phân loại lạc giống năng suất 1-1,2 tấn/h trong dây chuyền sấy lạc giống quy mô công nghiệp

Lạc là loại hạt có dầu chiếm vị trí quan trọng trong nhóm hạt có dầu trên thế giới, nó thuộc loại cây trồng thích hợp với khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Hàng năm ở nước ta đã sản xuất khoảng 450 nghìn tấn lạc, phần lớn số lạc này được dùng để xuất khẩu, năm 1991 xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng lạc cả nước năm 2000 đạt khoảng 355,3 nghìn tấn, đến năm 2015 sản lượng lạc khoảng 451,8 nghìn tấn, tăng 78,6%, như vậy sản lượng tăng lên tương đối nhanh. Hiện tại đã xuất hiện nhiều vùng trồng lạc quy mô lớn như: Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị…

Ở nước ta với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mùa thu hoạch chủ yếu lại vào mùa mưa nên rất dễ bị nấm mốc và mọt xâm nhập, phá hoại. Do vậy, trong quá trình bảo quản và chế biến lạc rất dễ bị hư hỏng, đây là một khó khăn rất lớn trong công việc bảo quản đối với những người sản xuất cũng như trong quá trình sử dụng. Bởi vậy hàng năm đã gây những tổn hại, lãng phí không nhỏ về kinh tế và công sức trong việc xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Mặc dù gần đây ở một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản đã ứng dụng công nghệ cao, đưa vào một số thiết bị ứng dụng trong sấy chế biến nông sản nói chung và sấy chế biến lạc giống nói riêng, tuy nhiên chất lượng sản phẩm vẫn còn thấp. Để nâng cao phẩm cấp giá trị của lạc giống ngoài việc đánh giá qua độ ẩm sản phẩm sau khi sấy mà còn đánh giá trên chỉ tiêu độ sạch của sản phẩm. Bởi vậy, trên cơ sở nghiên cứu hệ thống thiết bị sấy nói chung Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) có nghiên cứu thiết kế chế tạo máy sàng phân loại và làm sạch cho lạc giống theo nguyên lý phân loại theo kích thước sử dụng trong dây chuyền sấy lạc giống song loại này cho thấy độ sạch của sản phẩm chưa cao, còn lẫn nhiều tạp chất. Chính vì thế, Viện RIAM do ThS. Nguyễn Văn Tiến mạnh dạn đề xuất nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu, tính toán, thiết kế, chế tạo máy sàng làm sạch và phân loại lạc giống năng suất 1-1,2 tấn/h trong dây chuyền sấy lạc giống quy mô công nghiệp” nhằm có được các dây chuyền thiết bị tiên tiến, đồng bộ với giá thành thấp, chế biến ra các loại hạt giống chất lượng cao, giảm bớt nhập khẩu để cải tiến thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với mô hình quy mô công nghiệp.

Các nội dung chính bao gồm:

- Nghiên cứu tổng quan tình hình trồng và phát triển lạc trong và ngoài nước. Nghiên cứu tổng quan các thiết bị phân loại và làm sạch nông sản nói chung và lạc giống nói riêng hiện nay.

- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết tính toán sàng phân loại theo kích thước kết hợp khí động.

- Thiết kế, chế tạo sàng phân loại làm sạch năng suất 1÷1,2 tấn/h;

- Khảo nghiệm hiệu chỉnh thiết kế;

Sau một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:

- Đã nghiên cứu tổng quan về tình hình trồng và sản xuất lạc trên thế giới và ở Việt Nam;

- Đã nghiên cứu/tìm hiểu thiết bị phân loại làm sạch nông sản nói chung và phân loại lạc nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam;

- Đã tính toán, thiết kế được thiết bị phân loại và làm sạch lạc giống năng suất 1 - 1,2 tấn/h;

- Đã chế tạo tại Viện RIAM và đưa ra được mẫu thiết bị mới với nguyên lý phân loại theo kích thước kết hợp với khí động đã được cải tiến để phù hợp với đối tượng phân loại là lạc củ, thiết bị có nhiều ưu điểm so với các thiết bị hiện có như: năng suất thiết bị cao, tỷ lệ làm sạch cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chi phí nhân công thấp, chi phí điện năng thấp.

- Đã khảo nghiệm tại cơ sở chế biến lạc giống đạt năng suất thiết bị 1-1,2 tấn/giờ, độ sạch đạt 97,76%.

- Đã khảo nghiệm trên mô hình lý thuyết tối ưu quy hoạch hóa thực nghiệm và tìm ra chế độ công nghệ tối ưu cho quá trình phân loại/làm sạch như: năng suất 1,2 tấn/h; số vòng quay 400 vòng/phút; lưu lượng quạt 2514,76 m3/h; góc nghiêng sàng 5o.

- Mẫu máy đã được khảo nghiệm và đạt các chỉ tiêu về thông số kỹ thuật yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên cần phát triển, hoàn thiện để chế tạo mẫu thiết bị có năng suất lớn ứng dụng trong dây chuyền chế biến nông sản quy mô công nghiệp. Ngoài ra, có thể ứng dụng nguyên lý của máy sàng kiểu này đối với các loại nguyên liệu khác như lúa, ngô...


Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14645/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 516

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)