Thứ sáu, 11/06/2021 17:02 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nên có chương trình KH&CN nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu khi sản xuất, vắc xin phải đảm bảo vượt trội về thời gian sinh ra kháng thể, với số ngày ngắn nhất; giảm thiểu tác dụng phụ ở mức thấp nhất, đặc biệt với người có thể trạng yếu, bệnh nền, đồng thời, phải có khả năng đề kháng và thích ứng với các biến chủng sau này. Đồng thời đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xem xét nên có một chương trình nghiên cứu KH&CN cấp Nhà nước để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm.

Chiều ngày 10/6/2021, đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và làm việc với Học viện Quân y (HVQY), Bộ Quốc phòng.

Tham gia đoàn công tác có Thượng tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN và Môi trường Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc,…
 


Toàn cảnh buổi làm việc.

Nhiều thành tựu trong nghiên cứu KH&CN

Tại buổi làm việc, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin tại HVQY. Theo đó, phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Học viện luôn bám sát diễn biến tình hình dịch, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, Bộ Quốc phòng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo phù hợp với diễn biến, tình hình dịch thực tế.

HVQY được thành lập ngày 10/3/1949, là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị lớn về y, dược học của quân đội và cả nước. Học viện đang thực hiện mô hình trường - viện, có chức năng đào tạo đa ngành, đa bậc học chuyên ngành y - dược, đáp ứng nguồn nhân lực ngành quân y và y tế quốc gia. Ngoài nhiệm vụ đào tạo, học viện còn tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học y - dược; nghiên cứu y dược học quân sự; hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ đạo tuyến; phòng chống và sẵn sàng đáp ứng thảm hoạ, thiên tai, dịch bệnh. Hằng năm, học viện khám bệnh cho hơn 500.000 bệnh nhân, thu dung hơn 50.000 bệnh nhân, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Ngoài ra, học viện còn triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan, đang tiếp tục huấn luyện triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4.

Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị được giao, Học viện đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống dịch và thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax phòng COVID-19. Cụ thể, được Bộ KH&CN hỗ trợ, Học viện đã triển khai nghiên cứu thành công “Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện SARS-CoV-2” và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành (ngày 4/12/2020). Đến nay, khoảng 2,5 triệu test xét nghiệm COVID-19 đã được chuyển giao sử dụng trên 100 cơ sở y tế trong toàn quốc và đã xuất khẩu sang 18 quốc gia. Học viện đã nghiên cứu thành công bộ kít xét nghiệm mới “Amphabio HT Hithoughput PCR COVID-19” và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành (ngày 07/5/2021). Bộ kít có khả năng xét nghiệm nhanh, số lượng lớn mẫu cùng lúc và đang được triển khai tại CDC/Bắc Giang.

Về nghiên cứu sản xuất vắc xin, chỉ sau 06 tháng, được Bộ KH&CN giao chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19, với sự cố gắng rất lớn, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược (Nanogen), sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý, các Viện nghiên cứu, nhà khoa học, Trường đại học. Học viện đã tổ chức triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần Sinh học dược Nanogen sản xuất từ tháng 12/2020 và được thử nghiệm lâm sàng theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 6/2021 trên 13.000 người tình nguyện đủ 18 tuổi trở lên.

Học viện đã thành lập, kiện toàn và bổ sung các tổ, đội, bệnh viện dã chiến truyền nhiễm sẵn sàng cơ động lực lượng tham gia phòng, chống dịch khi có yêu cầu. Tham gia diễn tập triển khai Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 theo kế hoạch diễn tập của Bộ Quốc phòng. Cử lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại Quảng Nam. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc khẩn trương chi viện lực lượng tham gia phòng, chống dịch, Học viện đã cử 355 cán bộ, nhân viên y tế, học viên cùng các phương tiện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Hiện tại, Học viện có thể tiếp tục sẵn sàng đảm bảo khoảng 150 tổ lấy mẫu và 04 tổ xét nghiệm (khoảng 500 người) sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu và xét nghiệm SARS-Cov-2 khi có yêu cầu.

Sự đầu tư bền bỉ cho KH&CN

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN chúc mừng các thành tựu hết sức tự hào của HVQY đã đạt được trong những năm qua. Qua hơn 72 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động nghiên cứu KH&CN luôn gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của Học viện trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN. Đội ngũ các nhà khoa học của Học viện đã luôn nêu cao tinh thần dấn thân, tập trung thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ở những lĩnh vực rất khó, có tính chất tiên phong, dẫn đường.

Từ khi thành lập đến nay, Học viện đã tổ chức nghiên cứu và hoàn thành trên 900 nhiệm vụ KH&CN các cấp; đạt 02 Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN, là giải thưởng cao quý nhất về KH&CN của Việt Nam; có trên 200 sáng kiến, 20 độc quyền sáng chế; 365 giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam;… Trong đó, có nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học này đã được ứng dụng rộng rãi trong quân đội, cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như ghép tạng, sử dụng tế bào gốc trong điều trị, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán, điều trị,…

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, HVQY tiếp tục là lá cờ đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Đây là nơi nghiên cứu và đưa vào sản xuất thành công Kit test SARS-CoV-2 từ rất sớm (trong nhóm các nước đầu tiên trên thế giới), góp phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam và quốc tế. Đây cũng là đơn vị tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 ngay từ tháng 12/2020 và hiện nay đang phối hợp triển khai thử nghiệm giai đoạn 3.

Theo Bộ trưởng, những thành tựu nghiên cứu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua của HVQY là kết quả của sự nghiên cứu bền bỉ suốt nhiều năm qua của nhiều thế hệ các nhà khoa học của Học viện. Trong nhiều thập kỷ qua, Học viện đã triển khai trên 30 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia và cấp Bộ về virus, vi khuẩn như: vi khuẩn lao và vi khuẩn lao kháng thuốc, ký sinh trùng sốt rét, vi khuẩn than và dịch hạch; virus Ebola;… Học viện cũng đã tổ chức nghiên cứu thành công 30 đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phòng các bệnh lỵ trực khuẩn, tả, dại, sởi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm A/H5N1, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu, rotavirus, viêm gan A, B; đặc biệt là vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 vừa qua.

Các thành tựu nghiên cứu khoa học nói trên cho thấy đội ngũ cán bộ nghiên cứu của HVQY là một trong những lực lượng tích cực góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, trong đó có phòng, chống các bệnh về truyền nhiễm, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm, tối nguy hiểm, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.

Về các đề xuất, kiến nghị của Học viện, Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN nhất trí với đề xuất ưu tiên bố trí nguồn lực để HVQY tổ chức triển khai Dự án “Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm ở người” đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 164/TB-VPCP ngày 31/12/2020 của Văn phòng Chính phủ. “Việc xây dựng và vận hành Trung tâm tại 1 đơn vị nghiên cứu có bề dày truyền thống và thành tựu như HVQY chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tối nguy hiểm ở người tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua được phê duyệt trong thời gian rất nhanh (chỉ khoảng 30 ngày) với số kinh phí được tài trợ khá lớn. Việc triển khai nhanh và hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng cho thấy các nhà khoa học Việt Nam nói chung và các nhà khoa học ở HVQY nói riêng có đầy đủ khả năng nghiên cứu giải quyết những vấn đề lớn, khó khăn, cấp bách của cuộc sống đặt ra.

Chương trình KC với nhiều kết quả được đánh giá cao, được đưa vào ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành với ngành y, HVQY trong chương trình này.

Đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin Covid-19

Đánh giá cao HVQY đang cùng với nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội phối hợp nghiên cứu và thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Học viện phải coi việc chống dịch có hiệu quả là ưu tiên hàng đầu bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho quân đội và ngành y tế, đáp ứng mong muốn và yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các đồng chí Lãnh đạo cấp cao cũng như trăn trở ngày đêm của cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế.

"Bên cạnh tiếp cận với nguồn cung đang rất khan hiếm trên thế giới, chúng ta phải tự lực sản xuất được vắc xin. Tới đây, nhiều bệnh truyền nhiễm, tương lai không biết thế nào, tương lai phải nghiên cứu dài hơi hơn. Nếu không sớm đạt được miễn dịch cộng đồng qua tiêm chủng vaccine thì rất khó trong kiểm soát bệnh dịch trong phạm vi nước ta và thế giới", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, xác định vắc xin là “vũ khí” quan trọng, quyết định để chấm dứt và chiến thắng bệnh tật. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 cho cộng đồng. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội  yêu cầu, HVQY phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nanocovax phòng Covid-19, phấn đấu có kết quả sớm để có vắc xin phòng bệnh cho cộng đồng. Hiện trên thế giới có hơn 200 tổ chức nghiên cứu vacccine phòng chống Covid-19, nên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu HVQY phải đẩy nhanh nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng bảo đảm vắc xin có chất lượng cao, sản xuất hàng loạt, giá rẻ để cạnh tranh với các sản phẩm khác. Nếu không Việt Nam sẽ mất cơ hội.

Đồng thời Chủ tịch Quốc hội đề nghị HVQY cần nhận diện những thách thức như, hiện có nhiều cơ sở trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu, sản xuất vắc xin: “Nếu không có vắc xin vượt trội được về chất lượng, giá thành và số lượng cung ứng, thì sẽ rơi vào bẫy cơ hội. Một số sản phẩm vắc xin đã ra đời, đưa vào lưu hành ở các quốc gia, cùng với kiểm nghiệm ngặt nghèo của hệ thống y tế các nước, của WHO phê chuẩn. Tuy nhiên, có hiện nay có loại vắc xin đã bộc lộ sự lạc hậu về tác dụng so với biến chủng mới; xuất hiện các kịch bản độc quyền sản xuất, áp đặt giá cả và số lượng, nhưng cũng xuất hiện cơ hội chuyển giao công nghệ theo hướng chia sẻ nhân đạo. Cho nên, nghiên cứu và tận dụng sản xuất vắc xin đại trà thì chúng tôi lưu ý mấy vấn đề. Một là vắc xin cần phải có vượt trội thời gian kháng thể số ngày ngắn nhất thì càng tốt. Thứ hai là giảm thiểu tác dụng phụ thấp nhất, đặc biệt với người có bệnh nền và thể trạng yếu. Thứ ba là có khả năng đề kháng và thích ứng với các biến thể mới của virus.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ đề xuất cho phép Học viện tổ chức triển khai Dự án “Trung tâm nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm ở người” đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 164/TB-VPCP ngày 31/12/2020 của Văn phòng Chính phủ. Dự kiến, Trung tâm có một số chức năng, nhiệm vụ như, nghiên cứu các loại mầm bệnh, phát triển, sản xuất các loại sinh phẩm để phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh dịch nguy hiểm, tối nguy hiểm, góp phần bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, nhất là trong các tình huống khẩn cấp và thảm họa. Nghiên cứu các công nghệ nền tảng trong phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất các loại vắc xin phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tối nguy hiểm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ KH&CN xem xét nên có một chương trình nghiên cứu KH&CN cấp Nhà nước để nghiên cứu thử nghiệm sản xuất vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm và đề nghị Bộ y tế và Chính phủ cùng chung tay. Hiện nay Ngân sách Nhà nước rất khó để bố trí được ngay, nên có thể hỗ trợ được một phần từ kinh phí của Quỹ vắc xin, từ nguồn xã hội hóa để đẩy mạnh, hỗ trợ cho công tác này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, trong khuôn khổ buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã tham quan phòng thí nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc xin tại tòa nhà Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, thuộc HVQY. Chủ tịch Quốc hội ân cần động viên lực lượng trực tiếp tham gia nghiên cứu, sản xuất và những người tình nguyện thử nghiệm vắc xin phòng dịch Covid-19.
 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, động viên các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại Phòng nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, HVQY)
 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, động viên người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, HVQY.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2141

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)