Thứ năm, 02/02/2017 13:36 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Cần thay đổi tư duy chiến lược về quản lý hoạt động nghiên cứu

"Con đường ngắn nhất để chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành giá trị gia tăng cho xã hội là song hành và giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích cùng với họ", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh

Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã gửi bài viết tới VnExpress, trong đó nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ với nền kinh tế nước nhà, mối quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và lực lượng khoa học. 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành khoa học và công nghệ đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Uy tín của sản phẩm, sự vươn lên tầm toàn cầu của doanh nghiệp là nhờ vào khoa học và công nghệ" và "đầu tư của doanh nghiệp là nòng cốt cho phát triển khoa học công nghệ". 

Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ rất sâu sắc và rõ ràng: Khoa học và công nghệ là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, và vì vậy doanh nghiệp phải là chủ thể chính đầu tư cho lĩnh vực này để có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế và vươn ra thị trường toàn cầu.

Đối với lực lượng khoa học, con đường ngắn nhất để chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành giá trị gia tăng cho xã hội là song hành và giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích cùng với họ.

Ngày nay, chúng ta có thể tự hào xướng danh các tập đoàn lớn trong nước nhờ đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ đã trở thành doanh nghiệp tầm quốc tế như Viettel, FPT… Năm 2016, số lượng doanh nghiệp mới thành lập của Việt Nam tăng kỷ lục với hơn 110.000 và quy mô vốn tăng 48%. Đây là tín hiệu hứa hẹn sự khởi sắc của nền kinh tế, bởi số doanh nghiệp tăng sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới cho xã hội. Chúng ta càng vui mừng hơn nếu chất lượng doanh nghiệp Việt cũng được gia tăng mạnh mẽ, với ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới.

Bối cảnh tự do hóa thương mại và cạnh tranh toàn cầu khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh quốc tế và khu vực, đồng thời, tác động tất yếu của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 buộc họ phải không ngừng đổi mới để ứng phó với các thách thức lớn chưa từng có.

Phép thử đối với khoa học và công nghệ Việt Nam là làm sao góp phần gia tăng số lượng các doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu được ra thị trường quốc tế. Từ đó để đến năm 2020, Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là lực lượng doanh nghiệp thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng và độ tinh xảo cao, chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Để đạt được điều đó, chúng ta cần dũng cảm thay đổi, trước hết trong tư duy chiến lược về quản lý hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ là chi tiền cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) tạo ra tri thức, mà quan trọng hơn là đầu tư cho đổi mới sáng tạo (Innovation) và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu để biến tri thức trở lại thành tiền và giá trị gia tăng cho xã hội.


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh việc đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu để biến tri thức trở lại thành tiền và giá trị gia tăng cho xã hội.

Các chỉ số chính để đo lường hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ (KPIs), bên cạnh số lượng bài báo và sáng chế như hiện nay thì cần bổ sung các chỉ số thực dụng hơn về doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập trên cơ sở kết quả nghiên cứu, cơ hội việc làm, doanh thu, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ mới cung cấp cho thị trường, người dân và xã hội. Đó cũng là mục đích và sứ mệnh của nền khoa học và công nghệ vị nhân sinh khi kết quả và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu được đo lường gián tiếp bằng các sản phẩm, dịch vụ mới an toàn và chất lượng cho người dân trong nước với độ tinh xảo và tính cạnh tranh cao vươn ra thị trường quốc tế.

Vai trò đầu tư của doanh nghiệp và xã hội trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nói trên là vô cùng quan trọng. Nhà nước có thể đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, từ nghiên cứu cơ bản đến cơ bản định hướng ứng dụng và một phần của hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, để đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, ứng dụng được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thành sản phẩm, dịch vụ mới và giá trị gia tăng cho xã hội, thì cần sự đầu tư có trách nhiệm của các lực lượng xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần cơ chế đối tác hợp tác công - tư thực sự hiệu quả để huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ, trong đó các bên tham gia ý thức được rõ trách nhiệm và lợi ích của mình. Lợi ích của doanh nghiệp gắn liền với đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đối với khu vực công, bao gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần nhận thức rõ sứ mệnh "kiến tạo" và trách nhiệm xã hội của mình là mang lại các lợi ích thiết thực, mang tính chiến lược cho người dân, cộng đồng và đất nước.

Với tinh thần đó, năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng lực lượng nghiên cứu và các doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường đối thoại và hợp tác, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan, giải quyết được các nhu cầu bức thiết từ thực tiễn phát triển đất nước, ngành, lĩnh vực. Từ đó đưa khoa học và công nghệ đóng góp mạnh mẽ hơn tới năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 1660

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)