Thứ sáu, 10/02/2017 10:52 GMT+7

Bộ KH&CN và Bộ Công Thương ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2017 - 2020

Chiều ngày 09/2/2017, tại trụ sở Bộ Công Thương, Lễ ký kết "Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Bộ Công Thương và Bộ KH&CN giai đoạn 2017-2020” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

Tham dự buổi Lễ, về phía Bộ KH&CN có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.


Về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
 


Toàn cảnh Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và Bộ Công Thương


Trong thời gian qua, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngành Công Thương đã chủ động gắn hoạt động của KH&CN với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của ngành. Giai đoạn vừa qua ghi nhận sự đóng góp xứng đáng của KH&CN vào sự phát triển chung của ngành Công Thương. KH&CN trở thành yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chủ yếu, mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. 

Vai trò của KH&CN tiếp tục được khẳng định trong hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương. Trong đó, phát triển KH&CN được xác định là một trong sáu nhóm giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành Công Thương, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ vai trò của KH&CN trong sự phát triển bền vững của ngành Công Thương, tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu đổi mới về căn bản hoạt động KH&CN của ngành. Do vậy, để góp phần đưa KH&CN trở thành động lực thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương cần có những giải pháp mang tính toàn diện.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân 13,0%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 13%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước; tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11%/năm. 

Trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, để đạt được mục tiêu này, KH&CN phải được xem là giải pháp chiến lược trong đổi mới, tái cơ cấu ngành Công Thương. KH&CN phải đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Xuất phát từ quan điểm và định hướng nêu trên, Bộ KH&CN và Bộ Công Thương thống nhất ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về KH&CN giai đoạn 2017 - 2020. Đây là một điểm nhấn ghi nhận sự phối hợp hiệu quả của hai Bộ, đồng thời cũng là cam kết mạnh mẽ về việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN trong ngành Công Thương.

Hai Bộ thống nhất giao Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ KH&CN, Vụ KH&CN thuộc Bộ Công Thương là hai đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp.

Theo đó, Chương trình phối hợp tập trung vào 8 nhóm nội dung trọng tâm như: Phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức triển khai, đánh giá, sơ kết, tổng kết các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về KH&CN trong giai đoạn 2017 – 2020; Tăng cường phối hợp trong việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN và lĩnh vực công nghiệp và thương mại để đảm bảo lồng ghép hiệu quả, khả thi các chính sách phát triển ngành Công thương với chính sách KH&CN, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và một số lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng tập trung vào xây dựng và thực hiện hiệu quả các Chương trình KH&CN quốc gia, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong lĩnh vực Công Thương; các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm cấp Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2020; Lựa chọn xây dựng và phát triển từ 3 - 5 tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ Công Thương thành tổ chức KH&CN mạnh, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia thuộc ngành Công Thương; tăng cường phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, đề án trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, an toàn bức xạ trong công nghiệp; xây dựng, thực hiện các hàng rào kỹ thuật trong thương mại phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công Thương.

Ngoài ra, Chương trình cũng ưu tiên việc bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình KH&CN cho Bộ Công thương chủ trì; Tăng cường phối hợp trong hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN trong lĩnh vực Công Thương, đặc biệt trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo, khai thác chế biến dầu khí, chế biến sâu khoáng sản, tiết kiệm và phát triển năng lượng mới, phát triển ngành công nghiệp môi trường; Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện truyền thông pháp luật về KH&CN, các kết quả nghiên cứu KH&CN, các tiến bộ kỹ thuật thuộc ngành Công Thương trong phạm vi toàn quốc; tăng cường phối hợp trong công tác thông tin và thống kê KH&CN; tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển KH&CN ngành Công Thương.

Phát biểu tại buổi Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: KH&CN đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực Công Thương. Bộ Công Thương là Bộ ký thực hiện Chương trình hợp tác hoạt động KH&CN với Bộ KH&CN sớm nhất so với các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước (từ năm 2003). Hai bên đã trải qua một chặng đường dài phối hợp và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ ký kết


Thông qua chương trình hợp tác giữa hai Bộ chặng đường từ năm 2003 đến nay, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả, có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của ngành Công Thương tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp từ 2006- 2010 đạt bình quân 7,3%/năm. Trong thành công chung đó, KH&CN đã trở thành yếu tố then chốt góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chủ yếu, mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. 

Bên cạnh đó, tiềm lực KH&CN của ngành Công Thương đã không ngừng được nâng cao, tiêu biểu như: là một trong số các Bộ, ngành đi đầu đổi mới và hoàn thành chuyển đổi mô hình, tổ chức KH&CN theo hướng tinh gọn, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hầu hết các viện nghiên cứu đã được đầu tư chiều sâu; các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ… luôn là Bộ đi đầu trong số các bộ ngành. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, trong đó nổi bật là một số sản phẩm tiêu biểu như: Giàn khoan tự nâng 120m nước; Các chủng loại biến áp đến 500 KV; Thiết bị cơ khí thủy công,… Những kết quả thành công, đáng tự hào nêu trên đều có dấu ấn của KH&CN và là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN và Bộ Công Thương.

Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, sự đổi mới phát triển nhanh, mạnh mẽ trong lĩnh vực KH&CN trên thế giới, nhất là xu hướng phát triển cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các nước. Đây cũng chính là cơ hội tốt để hai bên đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp hợp tác trong thời gian tới. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ tin tưởng, Chương trình ký kết ngày hôm nay sẽ đạt được nhiều kết quả, trong đó nhiều quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm mới được đưa vào phục vụ trực tiếp phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành Công Thương, thông qua đó, giúp ngành Công Thương thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã giao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những năm vừa qua, ngành Công Thương đã đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp vào sự phát triển không ngừng của đất nước. Có được thành tích đó là nhờ sự tham gia của các yếu tố KH&CN. Vai trò của KH&CN đã được Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh và cũng được minh chứng qua thực tế của sự phát triển nền kinh tế hiện nay. Đây cũng là điều mà toàn ngành Công Thương nhận thức rõ nét, đồng thời chú trọng phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
 


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu


Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự tham gia của yếu tố KH&CN, các doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và ngày càng khẳng định vị thế. 

Chương trình phối hợp hoạt động về KH&CN giai đoạn 2017 – 2020 giữa Bộ KH&CN và Bộ Công Thương là một điểm nhấn ghi nhận sự phối hợp hiệu quả của hai Bộ, đồng thời cũng là cam kết mạnh mẽ về việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN trong ngành Công Thương.
 


Bộ KH&CN và Bộ Công Thương ký kết Chương trình phối hợp

 

Nguồn: Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3012

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)