Thứ sáu, 17/02/2017 09:53 GMT+7

Các Bộ, ngành góp ý hoàn thiện báo cáo Thủ tướng về cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0) diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chắc chắn sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu hơn nữa trong phát triển so với thế giới và rơi vào thế bị động trong đối phó với những mặt trái của cuộc cách mạng này.

Đây là một trong những nội dung được khẳng định trong cuộc họp lấy ý kiến các Bộ, ngành để góp ý hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng 17/2/2017. 

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành như Giao thông vận tải, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… 
 


Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 17/2/2017


Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 (Nghị quyết số 103/NĐ-CP ngày 5/12/2016 của Chính phủ) đối với nội dung giao cho Bộ KH&CN “Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án huy động nguồn lực và tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2017”, Bộ KH&CN đã triển khai lấy ý kiến các Bộ, ngành và đã tổ chức 3 cuộc họp lấy ý kiến. Đây là lần họp cuối cùng để hoàn thiện báo cáo trước khi trình Thủ tướng. 

Tại cuộc họp, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao- Bộ KH&CN đã trình bày tóm tắt khung dự thảo báo cáo, theo đó, sẽ có 8 vấn đề được đề cập đó là: Đặc điểm I 4.0; Các xu hướng công nghệ đặc trưng của I 4.0; Tác động của I 4.0; Kinh nghiệm ứng phó của các nước; Hiện trạng và tiềm năng của Việt Nam; Cơ hội, thách thức; Quan điểm - định hướng tiếp cận và cuối cùng là đề xuất - kiến nghị.

Theo nhận định, I 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, cụ thể: Thách thức trong việc phải có nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của I 4.0 và khả năng tư duy, quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc. Bên cạnh đó, để gia nhập vào xu thế I 4.0 đòi hỏi phải có sự phát triển dựa trên tích lũy nền tảng lâu dài của nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản định hướng trong lĩnh vực KH&CN đặc biệt là vật lý, sinh học, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực công nghệ mới, nghiên cứu các công nghệ mang tính đột phá. Nghiên cứu và phát triển trở thành chìa khóa quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội; cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và sản xuất. Các chuyên gia cũng nhận định, I 4.0 cũng dẫn đến tình tạng gia tăng bức xúc xã hội do sự thâm nhập của các công nghệ kỹ thuật số và các động lực của việc chia sẻ thông tin tiêu biểu của truyền thông xã hội. Cùng với đó, đặt ra những vấn đề lớn về giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, rủi ro công nghệ.

Thêm vào đó, I 4.0 diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chắc chắn sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu hơn nữa trong phát triển so với thế giới và rơi vào thế bị động trong đối phó với những mặt trái của cuộc cách mạng này.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết, I 4.0 không phải bây giờ mới xuất hiện tại Việt Nam mà đã manh nha tại hoạt động của một số ngành nghề, chính vì vậy, hiện có thực tế là định nghĩa về I 4.0 đang bị lẫn lộn. Việc làm rõ định nghĩa I 4.0 có ý nghĩa rất quan trọng để tránh việc định hướng sai, thậm chí tham mưu tư vấn chính sách cũng bị sai lệch. 

Các đại biểu tham dự cuộc họp đều thống nhất quan điểm: cần có sự đánh giá tổng thể bối cảnh nền kinh tế đất nước, từ đó tiếp cận theo nhiều góc nhìn như xã hội, tài chính, lực lượng lao động… I 4.0 đã và sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, mô hình quản trị doanh nghiệp, cấu trúc xã hội, chính vì vậy, hàng loạt các vấn đề được đặt ra không chỉ là công nghệ, kết nối các hạ tầng cơ sở mà thậm chí là sự thay đổi về luật pháp, chính sách…

Theo các đánh giá chủ quan và khách quan, I 4.0 sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ (bao gồm cả tích cực và tiêu cực) tới tất cả các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có nước ta. Đặc biệt tác động đối với một số lĩnh vực hết sức nhạy cảm như an sinh xã hội, an ninh quốc gia. Để có thể xây dựng được một chính sách đúng đắn nhằm tận dụng các lợi thế cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của I 4.0, chúng ta cần phải có các nghiên cứu thấu đáo, khoa học nhằm đánh giá, phân tích tình hình và qua đó xây dựng trình Chính phủ ban hành những giải pháp phù hợp, chuẩn xác. 

Chính vì vậy, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, nghiên cứu, đánh giá tác động của I 4.0 tới ngành, lĩnh vực phụ trách của mình, báo cáo đề xuất các giải pháp với Chính phủ để tiến tới xây dựng Kế hoạch/ Chiến lược/ Chính sách tổng thể ở tầm quốc gia về I 4.0 (dự kiến trong Quý IV/2017).
 

Kiến nghị giao các Bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của I 4.0

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nghiên cứu về hiện trạng công nghệ, đề xuất các giải pháp nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, tiếp cận I 4.0.

Bộ Công Thương nghiên cứu về thực trạng năng lực của khối sản xuất công nghiệp, đề xuất các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tiếp cận I 4.0.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu đánh giá về các tác động đối với an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng tới công tác tái đào tạo nghề cho nhóm lao động chịu tác động tiêu cực từ I 4.0.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung nghiên cứu về hạ tầng thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối của I 4.0.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tận dụng các lợi thế của I 4.0.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tăng cường giáo dục tiếp cận kiến thức KH&CN nói chung, I 4.0 nói riêng vào hệ thống giáo dục, nhất là ở cấp giáo đào tạo đại học, cao đẳng, hệ thống trường đào tạo nghề.


 

 

Nguồn: Minh Châu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2407

TAGS :
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)